Quan trọng hơn, trong suốt quá trình học, sinh viên của đại học tinh hoa sẽ luôn được "nhúng" trong một môi trường thực tế đậm đặc, được ghi nhận tín chỉ đào tạo hoặc thậm chí được trả lương cho những đóng góp xuất sắc.
Tham gia nghiên cứu từ năm thứ nhất
Phan Nhật Huy – sinh viên Viện Kỹ thuật và Khoa học máy tính – Đại học VinUni, ngay từ năm thứ Nhất, đã được đảm nhận vị trí trợ lý nghiên cứu trong dự án "Phát triển ứng dụng di động chẩn đoán bệnh tim mạch thông qua thuật toán phân loại và dò tìm các tín hiệu bất thường của điện tâm đồ". Nhiệm vụ của Huy là thu thập, xử lý dữ liệu thô và xây dựng các khung chuẩn cho việc tiến hành thí nghiệm.
Đây là dự án của TS. Đỗ Danh Cường, Giảng viên Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính (trường ĐH VinUni) chủ trì thực hiện với mong muốn đưa ra được những dự đoán sớm, hướng tới nỗ lực giảm thiểu số ca tử vong của loại bệnh này. Trước khi trở thành giảng viên VinUni, TS. Cường đã có nhiều năm làm việc và nghiên cứu tại Đại học Cambridge (Anh) và là thành viên nhóm tác giả sáng chế loại cảm biến sức căng mới sử dụng năng lượng chỉ bằng 1/1000 lần mức năng lượng tiêu thụ của các cảm biến cùng loại. Sáng chế này đang được công ty 8Power, Cambridge (Anh) và công ty IHI Corporation (Nhật Bản) sử dụng cho các dự án Internet vạn vật.
Dưới sự dẫn dắt của TS. Đỗ Danh Cường, Huy đã phối hợp để đưa ra các giải pháp tính toán hiệu năng cao trong việc phát hiện tín hiệu bất thường của điện tâm đồ 12 kênh. "Ngoài việc phải có hiệu suất cao thì mô hình tính toán phải có tốc độ xử lý nhanh để có thể triển khai được trên các thiết bị di động", Huy chia sẻ.
Dù đã có không ít kinh nghiệm trong các cuộc thi học thuật và các nghiên cứu, thực hành trước đó, Nhật Huy vẫn học hỏi được rất nhiều kiến thức mới mẻ thông qua dự án nghiên cứu này. Huy chia sẻ: "Do chưa từng tự xây dựng các khung chuẩn thí nghiệm nên áp lực phải làm tốt ngay từ lần đầu tiên là không thể tránh khỏi. Nhưng hơn hết, việc tự học, tự mày mò kiến thức mới giúp em thu nhận kiến thức hiệu quả hơn và với khối lượng lớn hơn rất nhiều".
Ngoài ra, Phan Nhật Huy cũng đang tham gia dự án Phát triển ứng dụng quản lí và giám sát thuốc cho người dùng, mang tên VAIPE, giúp người dùng lưu trữ lịch trình uống thuốc và nhắc nhở uống thuốc đúng giờ theo đơn thuốc của bác sĩ. Với ứng dụng này, các hồ sơ thông tin thuốc và các bệnh liên quan của người dùng cũng sẽ được lưu trữ nhằm hỗ trợ các công tác phòng tránh bệnh tái phát sau này. Huy cũng được học hỏi từ các giáo sư của VinUni, các kỹ sư của Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn VinBigdata và Đại học Bách khoa Hà Nội.
Có thể thấy, những nghiên cứu tương tự là bài toán khó cho sinh viên năm nhất khi phải đương đầu với những vấn đề kĩ thuật chưa có lời giải nhưng lại là cơ hội giúp sinh viên sớm phát triển tư duy giải quyết vấn đề như một kĩ sư thực thụ.
Thông qua sự hỗ trợ của các giảng viên và giáo sư, các sinh viên được tiếp cận với mạng lưới nghiên cứu quốc tế, đồng thời được tiếp xúc với các công nghệ mới nhất mà thế giới đang nghiên cứu, phát triển. Quan trọng hơn, theo GS Đỗ Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học VinUni, việc tham gia nghiên cứu khoa học ngay từ năm thứ nhất sẽ giúp các sinh viên dần hình thành kỹ năng và kinh nghiệm để trở thành những nhà nghiên cứu độc lập. Đây sẽ là lợi thế lớn cho quá trình học tập, nghiên cứu lên cao sau này.
"Nghiên cứu phụng sự cộng đồng"
VinUni là một trong số rất ít các trường đại học tổ chức cho sinh viên tham gia các dự án nghiên cứu khoa học cùng với các giáo sư ngay từ năm đầu tiên. Hiện tại, VinUni đang triển khai gần 20 dự án nghiên cứu do các giáo sư, giảng viên đề xuất với sự tham gia của các sinh viên năm nhất. Ngoài vị trí Trợ lý nghiên cứu được trả lương, các sinh viên còn có thể tham gia với vai trò nghiên cứu độc lập. Thay vì được trả lương, các sinh viên được tích lũy tín chỉ nghiên cứu trong bảng điểm như một môn học tự chọn.
Sinh viên VinUni được truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học, thúc đẩy tư duy kiến tạo giải pháp cho những vấn đề lớn của xã hội thông qua các cuộc thi Hackathon.
Mục tiêu trên hết của các dự án nghiên cứu khoa học của VinUni hướng tới là "Nghiên cứu phụng sự cộng đồng". TS. Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, kiêm Chủ tịch trường Đại học VinUni nhấn mạnh, "VinUni sẽ tập trung nghiên cứu các lĩnh vực mũi nhọn có thể tạo ra tác động tích cực cho cộng đồng, đất nước. Các nghiên cứu đều được phát triển trên nền tảng khoa học công nghệ, ưu tiên tích hợp liên ngành".
Trong năm học 2020-2021, hầu hết các dự án, bài báo nghiên cứu của các giáo sư, giảng viên VinUni có sự hợp tác với các nhà khoa học quốc tế. "Nếu các đề tài, dự án mà VinUni triển khai không có giá trị ứng dụng rộng rãi, hướng tới mục tiêu phụng sự nhân loại và môi trường nghiên cứu không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế thì có lẽ đã không thuyết phục được các nhà khoa học thế giới cùng tham gia", GS. Đỗ Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học VinUni nhấn mạnh.
Ngoài sự đầu tư từ nhà trường, tỉ lệ giáo sư, giảng viên/sinh viên tại VinUni chỉ là 1/6 chính là điều kiện lí tưởng cho môi trường vừa học vừa nghiên cứu. Phương pháp tương tự cũng đang được nhiều trường đại học hàng đầu thế giới duy trì. Tỷ lệ giảng viên/sinh viên trung bình của các trường trong top 200 thế giới là khoảng 1/12.
"Với sự dẫn dắt của các Giáo sư xuất sắc ở tầm thế giới, cùng với thế mạnh liên kết đa ngành, liên kết với doanh nghiệp trong nước, và liên kết với đối tác quốc tế, VinUni sẽ chú trọng thúc đẩy các dự án nghiên cứu trong lĩnh vực sức khỏe thông minh và du lịch – dịch vụ thông minh trong năm học tới" – GS. Đỗ Ngọc Minh chia sẻ.
Trên thực tế, tại VinUni, nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu của giảng viên được đánh giá quan trọng như nhau. Nghiên cứu không chỉ giúp tạo ra kiến thức mới mà còn tạo môi trường chủ động sáng tạo cho các sinh viên. Theo GS Minh, "đặc sản" riêng của VinUni khi để sinh viên từ năm thứ Nhất được tham gia nghiên cứu cùng các giáo sư, giảng viên là điều mà không phải trường đại học tên tuổi trên thế giới nào cũng thực hiện được. Thay vì chỉ là người tiếp thu kiến thức, khi được "nhúng" vào môi trường nghiên cứu thực tế từ sớm, sinh viên sẽ được trực tiếp tìm hiểu, khám phá, kiểm chứng để làm chủ quá trình tạo ra tri thức mới, đồng thời tiếp cận được với những kiến thức mới nhất trong nhiều lĩnh vực.