Cuộc cạnh tranh "khốc liệt" giữa các cường quốc
Khi Toata Molea đứng nhìn hướng ra biển với đội tàu đánh cá mình trên đảo Guadalcanal, anh nhận thấy, Australia có kế hoạch xây dựng một hệ thống dây cáp ngầm tại đây.
Tuy nhiên, khi anh nhìn sang con đường chính đi qua Honiara, thủ đô của quần đảo Solomon, anh chọt thấy một hình thức đầu tư nước ngoài khác: hàng chục tòa nhà và doanh nghiệp được mua hoặc xây dựng bởi những người nhập cư Trung Quốc.
"Họ có mọi thứ," Molea, 54 tuổi, nói về những người hàng xóm Trung Quốc. "Tôi e rằng trong 10 năm tới, nơi này sẽ bị người Trung Quốc tiếp quản."
Trước đây, Guadalcanal từng lo lắng bị tiếp quản khi Mỹ cử 60.000 binh lính tới đây trong cuộc tranh giành quyền kiểm soát đảo với Nhật Bản, đây được đánh là một trong những cuộc chiến ác liệt nhất Thế chiến thứ II.
Ngày nay, khu vực này trở thành vũ đài cho một cuộc chiến tranh lạnh mới về cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc.
Nhiều năm qua, làn sóng đầu tư và nhập cư từ Trung Quốc ồ ạt đổ về Nam Thái Bình Dương. Trái lại, Mỹ và đồng minh quan trọng Australia cũng đang nỗ lực tăng sức ảnh hưởng ở khu vực này. Liên minh này còn cảnh báo các quan chức địa phương không nên quá ỷ lại vào Trung Quốc, đồng thời đẩy mạnh viện trợ, xây dựng cơ sở hạ tầng và chính sách ngoại giao.
Phải thừa nhận rằng, "cạnh tranh chiến lược ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đang gia tăng", Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Matt Matthews nói, "chúng tôi không thể coi tình hữu nghị lâu dài với các đảo Thái Bình Dương là điều hiển nhiên."
Mỹ đã cam kết đầu tư hơn 350 triệu USD cho các đảo quốc Thái Bình Dương, dưới hình thức trợ giúp thực thi pháp luật, quản lý nghề cá và các khoản viện trợ khác. Ngân sách phát triển chính của Ngân hàng Thế giới cho các quốc đảo Thái Bình Dương tăng hơn gấp đôi, lên tới 808 triệu USD trong ba năm.
Nhưng Australia còn đi xa hơn nữa. Viện trợ cho các đảo quốc Thái Bình Dương đã tăng lên 1,3 tỷ đô la Australia ( tương đương 960 triệu USD Mỹ) trong ngân sách năm nay, tăng 18%.
Gần 1/3 ngân sách viện trợ của Australia hiện được dành riêng cho Thái Bình Dương - một khu vực có gần hai chục quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 11 triệu dân trải rộng trên hơn 20.000 hòn đảo.
Phần lớn tài trợ này sẽ được đầu tư vào việc lặp đặt cáp ngầm để kết nối Guadalcanal (và Papua New Guinea) với trung tâm internet toàn cầu của Úc.
Các chuyên gia cho rằng, sự bùng nổ chi tiêu của Australia là ví dụ mạnh mẽ nhất của nỗ lực ngăn chặn sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Tại các khu chợ trung tâm ở Guadalcanal, rất nhiều người làm thuê là người bản địa nhưng chủ lại là người Trung Quốc di cư. Ảnh: NYT
Năm ngoái, Huawei, một công ty thiết bị mạng của Trung Quốc, đã công bố kế hoạch lắp đặt cáp để cung cấp băng thông internet tốc độ cao cho quần đảo Solomon.
Khi Australia biết về kế hoạch đó, họ cảnh báo sẽ giữ lại giấy phép kết nối khi hệ thống cáp kéo đến Sydney vì nước này coi Huawei là mối đe doạ an ninh mạng.
Các quan chức Australia ngay lập tức đưa ra một giải pháp thay thế: Australia sẽ trả tiền cho dự an kéo cáp này và nó sẽ hoạt động vào năm 2019.
"Chính phủ Australia đã theo dõi rất chặt chẽ", James Batley, cựu ủy viên cao cấp của Australia tại Solomons và các nước khác trong khu vực nói.
Khi họ nhìn thấy đề xuất cáp của Trung Quốc, ông nói, người Australia "đã can thiệp và nói: Xin lỗi, đó là lằn ranh đỏ cho chúng tôi. "
Hiện nay hệ thống băng thông internet tại đảo Solomon hoạt động tương đối kém, những đám mây bão thương gây trở ngại cho các vệ tinh internet.
"Điều này rất quan trọng", ông Molea, thương nhân buôn cá, đánh giá cao chương trình viện trợ từ Úc đã giúp ông xây dựng một nhà máy sản xuất nước đá cho doanh nghiệp mình. "Với đường dây cáp đó, hy vọng chúng tôi có thể xây dựng các dịch vụ thanh toán và ngân hàng điện tử."
Thống đốc Guadalcanal mong muốn tìm cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài. Ảnh: NYT
Nhưng để thực sự cạnh tranh với Trung Quốc thì Australia, Mỹ và các đồng minh của họ cần phải làm nhiều hơn, công khai hơn, với ít quan liêu hơn.
Bởi giống như một số đảo quốc Thái Bình Dương khi nói về các gói viện trợ của Australia, các quan chức của quần đảo Solomon thường phàn nàn rằng chính phủ Australia và Mỹ thường muốn ra lệnh hơn là giúp họ phát triển.
Các quan chức khu vực cho rằng, do các gọi viện trợ bị hạn chế về mục đích sử dụng hoặc rơi vào tay các nhà tư vấn và nhà thầu nước ngoài khiến nhiều người đặt câu hỏi: Nếu vậy, tại sao họ không thử vận may với Trung Quốc?
Anthony Veke, 41 tuổi, Thống đốc Guadalcanal chia sẻ rằng, ông đã đến Trung Quốc hai lần vào năm ngoái để tìm các dự án đầu tư phát triển du lịch trên bờ biển phía tây của hòn đảo, bao gồm một sân bay mới.
Người dân bản địa tham dự lễ sinh nhật của Nữ hoàng Anh Elizabeth. Ảnh: NYT
Ông cũng nói rằng, ông hy vọng sẽ xây dựng một con đường vòng quanh đảo mới và nâng cấp sân bay quốc tế.
"Chúng tôi không thể khoanh tay bó gối," ông Veke nói khi ngồi trong văn phòng của mình trên con đường chính xuyên qua Honiara, nơi dày đặc bụi và ổ gà. "Chúng tôi phải tạo cơ hội, phải tìm kiếm lợi ích cho nhân dân ở những nơi khác".
Sân bay mà ông Veke muốn nâng cấp là Henderson, được xây dựng trong Thế chiến thứ II dưới sự viện trợ của Mỹ. Ngoài ra, họ còn giúp Solomon xây dựng thêm các tuyến đường chính, cây cầu lớn và bệnh viện lớn khác.
Khu phố Tàu thường phát sinh các vụ bạo loạn do mâu thuẫn giữa người bản địa và người Trung Quốc di cư. Ảnh: NYT
Tuy nhiên, sân bay Henderson dường như chỉ còn là một di tích của Thế chiến II - trong khi những công trình mới, đồ sộ ở đảo quốc này lại thuộc về sở hữu của người Trung Quốc.
Sự quan ngại của người bản địa
Trên con đường chính, nhiều cửa hàng, dù không phải là đại đa số, đều do người Trung Quốc quản lý, họ ngồi trong ỏ góc các gian hàng, cao hơn các kệ hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc và nhân viên địa phương.
Trong khu phố Tàu ở Honiara - một cửa hàng nhỏ đã tồn tại cách đây một thế kỷ khi nhóm người Trung Quốc đầu tiên di cư tới đây - là ví dụ tiêu biểu của dấu hiệu tăng trưởng kinh tế: Một trường học Trung Quốc bắt đầu được xây dựng với sự hỗ trợ tài chính từ Bắc Kinh.
Matthew Quan, 52 tuổi, Chủ tịch của Hiệp hội Hoa kiều và là thế hệ Hoa kiều thứ ba ở quần đảo Solomon, đang điều hành một chợ bán buôn lớn đối diện với trường Trung Quốc nói rằng việc mở rộng của Trung Quốc là tự nhiên, dựa trên yếu tố di cư và kinh tế, chứ không liên quan đến các chính sách chính trị, quân sự của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, dù có phải là kế hoạch của Trung Nam Hải có liên quan tới chính trị và quân sự hay không thì các dòng vốn đầu tư của Trung Quốc cũng thường không được chào đón.
Năm 2006, một cuộc bạo động nổ ra do sự bất mãn của người dân bản địa đối với các chủ hàng Trung Quốc. Năm 2014, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra trong cuộc biểu tình ở khu phố Tàu.
Đối với nhiều người ở Guadalcanal, mối quan tâm chính không phải là sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc, mà là sự cồng kềnh và tham nhũng được hình thành từ làn sóng người di cư Trung Quốc.
Không ai biết người Trung Quốc sở hữu bao nhiêu tài sản ở quần đảo Solomon, thậm chí quy mô dân số của người Trung Quốc ở đây cũng là một bí ẩn, Matthew Quan nói, nhiều người nhập cư đến như khách du lịch và hối lộ các quan chức để xin thị thực.
"Chính phủ quần đảo Solomon rất dễ bị thao túng", Quan nói.
Ông Molea - thương nhân nghề cá cho rằng, chính phủ nước này cần chấm dứt các khoản đầu tư và giao dịch với Trung Quốc cho đến khi một cuộc kiểm toán tài chính về quyền sở hữu được công khai.
Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc trên thế giới hiện diện trên khắp Nam Thái Bình Dương, không chỉ ở một đất nước như Vanuatu, nơi mà một cầu cảng mới đưa ra trong cuộc tranh luận sôi nổi về tham vọng của Trung Quốc, thậm chí được bàn tán ở cả các cộng đồng dân cư xa các thành phố lớn.
Hay như một ví dụ rõ ràng về sự tăng trưởng của giới đầu tư Trung Quốc: Một mỏ vàng lớn tại Solomon đã bị công ty Australia đóng cửa vào năm 2014 nhưng năm ngoái nó được bán lại cho công ty của người Trung Quốc.
Mỏ vàng đã được mở cửa trở lại vào tháng 5 năm nay và cung cấp việc làm cho người Solomon - nhưng không đảm bảo an toàn lao động.
Bộ lạc địa phương phát hiện ra rằng chủ sở hữu mới của mỏ vàng ít quan tâm đến sự an toàn của người lao động hơn người Australia. Theo báo cáo, người lao động không được trang bị thiết bị bảo hộ lao động, công tác giám sát an toàn chặt chẽ như trước đây hiện bị bỏ qua.
Tập đoàn sở hữu mỏ vàng trên AXF, không đưa ra bình luận nào về vấn đề trên.
Densley Kesi, điều tra viên của bộ lạc địa phương cho biết: "Người Australia đặt ra rất nhiều quy tắc và quy định [về an toàn lao động] nhưng người Trung Quốc thì không, điều này khiến tôi rất lo lắng".