Đảo chiều từ trường có thể gây ra thiệt hại lớn cho con người và nền kinh tế
Từ trường của Trái đất không chỉ bảo vệ hành tinh và sự sống của chúng ta khỏi bức xạ Mặt trời, mà còn giữ vững cho cực Bắc và cực Nam của hành tinh. Lớp lá chắn này được tạo ra bởi lõi bằng sắt lỏng của hành tinh khi quay xung quanh lõi rắn của nó. Cơ chế này tạo ra một trường vô hình đi qua phía bắc và phía nam của hành tinh.
Nhiều loài động vật, đặc biệt là chim, có cảm giác với các cực từ trường cho phép chúng định hướng thành công trong thời kỳ di cư hàng loạt, chính vì thế các chuyên gia lo ngại rằng chúng có thể bị nhầm lẫn nếu việc đảo chiều từ trường xảy ra.
Tấm chắn cũng giúp chúng ta được bảo vệ khỏi các tia Mặt trời gây ung thư và con người ngày càng phụ thuộc vào từ trường khi chúng ta tăng cường sản xuất những thứ như vệ tinh mà chúng ta sử dụng để định vị, truyền sóng điện thoại di động hay truyền hình tivi – Đây chỉ là một vài ví dụ đơn giản.
Từ trường bảo vệ Trái đất khỏi những tia bức xạ Mặt trời
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã lên kế hoạch phòng bị cho sự đảo lộn từ trường. Theo tính toán hiện tượng này có thể sẽ xảy ra sau mỗi 200.000 đến 300.000 năm, khi đó cực Bắc và cực Nam sẽ đổi vị trí cho nhau.
Những ghi chép lại cho thấy, các cực đã cố gắng hoán đổi cách đây 41.000 năm, nhưng quá trình này không hoàn thành. Lần cuối cùng các cực chuyển đổi là cách đây 780.000 năm, có nghĩa là chúng ta đã đi quá chu kỳ từ lâu. Các nhà khoa học dựa vào cách phân tích đá để biết được các cực đã đổi vị trí hay chưa.
Khi đá mới hình thành, chúng sẽ ghi lại từ trường vào thời điểm đó, đây cũng là điều mà các nhà địa chất sử dụng để xác định thời điểm đảo ngược từ trường cuối cùng.
Loài chim sử dụng từ trường của Trái đất để xác định hướng bay cho mình
Giờ đây, một nhà khoa học đã cảnh báo rằng khi vụ lật từ trường tiếp theo xảy ra, nó có thể tàn phá hành tinh của chúng ta.
Agathe Lise-Pronovost, một nhà nghiên cứu về Khoa học Trái đất tại Đại học Melbourne, đã viết trong một bài báo: "Từ trường của Trái đất hoạt động như một lá chắn chống lại các hạt năng lượng cao từ Mặt trời và bên ngoài hệ Mặt trời. Nếu không có nó, hành tinh sẽ bị bắn phá bởi những hạt tích điện này.
Chúng tôi không biết khi nào chuyến du ngoạn địa từ tiếp theo sẽ xảy ra, nhưng nếu nó xảy ra, chúng ta sẽ tê liệt. Vệ tinh và các ứng dụng định vị phương hướng sẽ trở nên vô dụng - và hệ thống phân phối điện sẽ bị gián đoạn gây ra thiệt hại từ 7 tỷ đến 48 tỷ USD mỗi ngày chỉ riêng ở Hoa Kỳ.
Rõ ràng, vệ tinh và lưới điện không tồn tại cách đây 41.000 năm nhưng chuyến du ngoạn Laschamp - đặt tên theo dòng dung nham ở Pháp, nơi nó được cho là đã xuất hiện lần đầu tiên - vẫn để lại dấu ấn."
Hiện tượng thay đổi chiều của từ trường sẽ sớm xảy ra
Các nhà nghiên cứu đã thành công trong việc xác định các nguyên tố trong đất và đá để chỉ ra thời điểm chuyển đổi từ tính cuối cùng xảy ra, chẳng hạn như tìm thấy một loại chất có tên là beryllium-10 ở đáy hồ Selina của Australia.
Beryllium-10 được tạo ra khi các hạt vũ trụ năng lượng cao bắn phá Trái đất, va chạm với các nguyên tử oxy và nitơ trong khí quyển. Từ trường yếu hơn dẫn đến nhiều các hạt chất này hơn.
Bà Lise-Pronovost tiếp tục phát biểu rằng: "Thêm dữ liệu từ trầm tích hồ, khảo cổ, dòng dung nham và hang động khoáng sản, bao gồm măng đá và nhũ đá, có thể cải thiện đáng kể sự hiểu biết của chúng tôi về từ trường Trái đất.
Với kiến thức này, một ngày nào đó chúng ta có thể dự đoán được chuyến du ngoạn địa từ tiếp theo, trước khi điện thoại của chúng ta ngừng hoạt động và những con chim trên đầu bay chệch hướng và đâm vào cửa sổ."