"Dòng thác kể chuyện văn hóa" là chương trình nghệ thuật khai mạc cho chuỗi các hoạt động của Lễ hội du lịch thác Bản Giốc 2023, diễn ra từ ngày 5 – 9/10. Bằng thủ pháp kể chuyện bằng công nghệ âm thanh, ánh sáng, 3D mapping, laser hiện đại, tổng đạo diễn Trần Trung đã tái hiện một không gian đậm đặc văn hóa bản địa của các dân tộc Cao Bằng tại xứ sở thần tiên – thác Bản Giốc.
Cảm hứng sáng tác âm nhạc từ văn hóa
"Huyền tích Thạch Sanh" và "Chuyện tình Bản Giốc" là hai bài hát được đạo diễn – nhạc sĩ Trần Trung sáng tác riêng dành tặng chương trình nghệ thuật và tỉnh Cao Bằng.
Lấy cảm hứng từ truyện cổ tích "Thạch Sanh", thông qua âm nhạc, ngôn từ, cảm xúc; "Huyền tích Thạch Sanh" tái hiện sự dũng cảm, trượng nghĩa của chàng tiều phu tốt bụng đối mặt với Chằn Tinh hung hãn để bảo vệ dân làng và cứu công chúa khỏi đại bàng.
Ca sĩ Gemma Nguyễn cùng vũ đoàn Lavender biểu diễn tiết mục "Huyền tích Thạch Sanh"
Chia sẻ thêm về cảm hứng sáng tác bài hát, đạo diễn – nhạc sĩ Trần Trung cho biết, trong một lần gặp gỡ và trò chuyện, anh vô tình biết được Thạch Sanh có nguồn gốc từ Cao Bằng; tại chùa Đống Lâm xưa kia cũng có ban thờ Thạch Sanh để tưởng nhớ công lao của chàng. Với mong muốn giáo dục thế hệ trẻ, để những nhân vật anh hùng được lưu truyền mãi trong dân gian, anh đã lập tức lên ý tưởng và soạn nhạc cho bài hát.
"Chuyện tình Bản Giốc" được ví như một bản hòa nhạc thơ mộng giữa núi rừng, thiên nhiên Cao Bằng. Ở Bản Giốc có một truyền thuyết về câu chuyện tình yêu đẹp mà buồn của chàng trai, cô gái bản Tày. Bài hát được anh sáng tác, lên ý tưởng trong quá trình khảo sát và thi công chương trình tại thác Bản Giốc, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội, pha chút mơ mộng, hiền hòa của dòng thác.
Ca sĩ Gemma Nguyễn biểu diễn tiết mục "Chuyện tình Bản Giốc" bằng công nghệ mapping
Với mỗi chương trình, mỗi vùng đất, địa phương mà đạo diễn Trần Trung có cơ hội được làm việc, anh đều để lại dấu ấn cá nhân riêng bằng những bài hát sáng tác. Hàng loạt các tác phẩm nghệ thuật đã trở thành đặc trưng riêng của các địa phương dựa vào cảm hứng sáng tác từ văn hóa.
Thức cùng "Dòng thác kể chuyện văn hóa"
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình, đạo diễn Trần Trung cho biết, thời gian triển khai và thực hiện chương trình này vô cùng ngắn ngủi, chỉ trong vòng chưa đầy một tuần. Đặc biệt, việc thi công sân khấu trên nước gặp nhiều khó khăn khi có những ngày nước dâng cao, ngập kín cồn cát. Điều này đặt ra những thách thức đối với toàn bộ đội ngũ tổ chức, đòi hỏi phải tính toán phương án chính xác, phòng ngừa rủi ro vừa phải hoàn thành đúng tiến độ.
"Toàn bộ ekip đã làm việc không nghỉ, thậm chí thức trắng 3 đêm liền để hoàn thiện sân khấu và các công việc setup âm thanh, ánh sáng" – đạo diễn Trần Trung chia sẻ.
Thành quả nỗ lực không biết mệt của toàn bộ ekip đạo diễn đã được đền đáp xứng đáng bằng một chương trình nghệ thuật độc đáo, ấn tượng. Chương trình tái hiện một một không gian văn hóa truyền thống với tinh thần dân gian mạnh mẽ của một vùng đất "địa linh nhân kiệt"; đồng thời mang đến sự bùng nổ, sôi động của tuổi trẻ, của du lịch Việt Nam. Điều quan trọng hơn cả, chương trình đã góp phần nuôi dưỡng, phát huy giá trị văn hóa cho thế hệ tiếp theo.
Đạo diễn Trần Trung chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện chương trình
Hơn 20 năm cống hiến dưới ánh đèn sân khấu
Gắn bó với nghề đạo diễn sân khấu hơn 20 năm, đạo diễn Trần Trung là cái tên quen thuộc trong giới tổ chức sự kiện với những sự kiện quy mô và hoành tráng như: Liên hoan ẩm thực Hà Thành, Chương trình Người đẹp văn hóa các dân tộc, Festival Trà Thái Nguyên, Lễ hội hoa đào Lạng Sơn, Lễ hội đường phố các tỉnh miền Bắc…. Ít ai biết được, đạo diễn sân khấu Trần Trung trước kia là một chàng trai theo học University of Copenhagen (UCPH) tại Đan Mạch, chuyên ngành Information Science and Cultural Communication (Khoa học thông tin và truyền thông văn hóa).
Chàng đạo diễn đến với ánh đèn sân khấu không chỉ vì "cơ duyên" mà còn bởi niềm đam mê cháy bỏng và tình yêu sâu đậm với nghệ thuật và văn hóa dân gian Việt Nam. Tình yêu này là động lực, là điểm tựa trên hành trình trở thành một Tổng dạo diễn của những sự kiện lớn, hoành tráng như ngày hôm nay.
Trong sự nghiệp của mình, đạo diễn Trần Trung không chỉ tập trung vào việc tổ chức sự kiện mà còn đặt ra quan điểm về giáo dục và đào tạo ngành Tổ chức sự kiện tại Việt Nam. Anh cho rằng việc được học bài bản chỉ là một bước đệm, quan trọng vẫn là kinh nghiệm được tích lũy, đúc rút từ chính thành bại của mỗi chương trình.
Đạo diễn Trần Trung
"Nghề sự kiện nhìn vậy nhưng để tạo nên thành công cho nó cần phải có cả một ekip với nhiều bộ phận phụ trách từng đầu mối công việc, yếu kém về bộ phận nào cũng đều gây ra sai sót ảnh hưởng đến chất lượng cho chương trình. Rất may mắn và tuyệt với khi tôi làm việc cùng với ekip Viettimes, một đội ngũ cộng sự năng động và nhiệt huyết, đặc biệt vô cùng tỉ mỉ và chỉnh chu trong mỗi công đoạn từ khâu brainstorm, lên ý tưởng, viết kịch bản, triển khai, logistics, quản lý… Tôi luôn yêu cầu các bộ phận phải có sự kết nối, phải hoàn thành nhiệm vụ mình phụ trách, đồng thời mỗi cá nhân đều phải trang bị kỹ năng giải quyết mọi tình huống có thể xảy ra." – đạo diễn Trần Trung.
Tư duy học hỏi không copy
Khi được hỏi về ý tưởng xây dựng, thực hiện sự kiện cũng như ý tưởng sáng tác nhạc, đạo diễn Trần Trung cho biết việc liên tục học hỏi, nghiên cứu văn hóa và cập nhật những công nghệ mới nhất trên thế giới để áp dụng vào chương trình là yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt và thành công cho mỗi sự kiện. Đó cũng chính là lý do, với mỗi chương trình, mỗi bài hát anh đều có ý tưởng riêng, không trùng lặp với các chương trình trước. "Bởi văn hóa là vô tận. Lấy cảm hứng từ văn hóa là nguồn cảm hứng vô tận".
Anh cho rằng học hỏi chứ không phải "copy" sao chép, không ngừng thay đổi và sáng tạo cũng chính là thách thức và trăn trở của anh qua từng show diễn. "Càng khó, càng muốn được thử thách, thậm chí nhiều người từng nói tôi "điên", nhưng tôi cùng ekip Viettimes vô cùng tự hào khi đã mang đến những bữa tiệc hoành tráng và mới lạ nhất cho khán giả của mình," anh nói.
Tổng đạo diễn Trần Trung chỉ đạo chương trình Khai mạc Lễ hội du lịch thác Bản Giốc
Chia sẻ về nghề, đạo diễn Trần Trung cho biết: "Để theo đuổi nghề sự kiện, chúng ta phải yêu nghề và xác định dù khó khăn hay vất vả ta vẫn sẽ giữ lửa cho niềm yêu thích nghệ thuật và ánh đèn sân khấu". Có lẽ, chính niềm đam mê ấy đã luôn thôi thúc anh mang tới cho khán giả những show diễn hoàng tráng nhất, mãn nhãn nhất của bản thân mình.