"Lôi Vũ", câu chuyện từng gây rúng động nhiều nước trên thế giới, từng lấy biết bao nước mắt của khán giả Việt và cũng góp phần "tạo dựng" lên tên tuổi của NSND Hồng Vân, Việt Anh, Hữu Châu, Thành Lộc... giờ đây lại tiếp tục được nhào nặn thành phim truyền hình dưới bàn tay của đạo diễn Nguyễn Phương Điền với cái tên mới "Tiếng sét trong mưa".
Thế nhưng, đằng sau tác phẩm được biết bao người trông đợi ấy là những gian truân khủng khiếp. Đó là mồ hôi, nước mắt, thậm chí vắt kiệt sức lực của cả một ê-kíp mấy chục con người suốt vài tháng liền. Ngay cả khi ngồi nhắc lại những ngày tháng gian nan đó, đạo diễn của bộ phim vẫn không cầm được nước mắt.
Chạy vạy khắp nơi
Bộ phim "Tiếng sét trong mưa" do anh đạo diễn được phóng tác từ tác phẩm kinh điển của Tào Ngu – một nhà văn Trung Quốc từ thập niên 30 thế kỷ trước. Anh có sợ bị ảnh hưởng văn hóa của họ và khiến người xem… phản cảm?
Ngay chính tôi khi nhận phim này cũng đắn đo nhiều vì sợ điều bạn nói. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc cùng biên kịch Hạ Thu, chúng tôi trao đổi kịch bản này mình phải là chính mình.
Ví dụ, ở Trung Quốc, trong các bữa ăn, người ta dùng xì dầu nhưng văn hóa người Việt rất đa dạng. Ngay như chuyện ăn nước mắm, nước chấm, mỗi vùng miễn đã có sự khác nhau. Chính điều đó giúp tôi tự tin rằng đây sẽ là tác phẩm đậm văn hóa Việt. Mà chính xác là người miền Tây.
Một trong những ngôi nhà cổ mà đoàn phim sử dụng để quay phim.
Trong thời buổi làm phim phải tính toán, cân nhắc từng đồng như hiện nay sao cho tiết kiệm chi phí tối đa, mà làm về đề tài xưa cũ, anh và đoàn có gặp nhiều khó khăn?
Đương nhiên, vấn đề kinh phí gặp rất nhiều khó khăn, gần như phải chạy vạy khắp nơi để có được những hình ảnh như mình mong muốn. Chúng tôi đặt ra mục tiêu hình ảnh miền Tây sông nước, khi lên phim không chỉ đẹp mà còn phải làm nổi bật tính cách mỗi nhân vật.
Có một điều tôi hơi tiếc đó là không thể giữ được nguyên bản gốc bối cảnh mỏ than. Ban đầu chúng tôi cũng tính đến phương án ăn gian hình ảnh, nhưng nếu giữ chi tiết này, kinh phí đội lên sẽ rất lớn trong khi bối cảnh mỏ than lại ở miền Bắc.
Cuối cùng chúng tôi quyết định chọn rừng cao su, vừa có lợi về hình ảnh, dễ quay và lên phim, hình ảnh vẫn đẹp mà vẫn đảm bảo không rời xa kịch bản gốc.
Hầu như các bối cảnh, xe cộ, đạo cụ sử dụng trong phim đều được tính toán và thể hiện rất chừng mực nhằm thể hiện được bối cảnh Nam Bộ thời xưa nhưng không quá tốn kém.
Để có được những hình ảnh đẹp trong phim chúng tôi phải cố gắng đi rất nhiều nơi để lựa chọn bối cảnh. Có những lúc chạy đi khắp nơi tưởng chừng bế tắc nhưng may mắn cuối cùng mọi thứ đã vượt qua.
Bật khóc vì tốn quá nhiều tiền bối cảnh
Nhưng với tình hình kinh phí chung ngặt ngèo như hiện nay và như anh vừa chia sẻ thì thật sự là đoàn đã phải chạy vạy khắp nơi… vậy mà anh vẫn tìm được bối cảnh nhà cổ như nhà bà hội đồng, thì thật không đơn giản?
Chính xác là xa xỉ. Trên thực tế, có những phim cùng thể loại chỉ làm theo cách truyền thống là vào những nhà cổ đã cho các phim quay, với giá thuê 2-3 triệu/ngày quay, khu vực dễ di chuyển, thuận tiện cho cả diễn viên. Nhưng tôi không muốn hình ảnh trùng lặp và thế là quyết tâm đi tìm những ngôi nhà cổ mới.
Đạo diễn Nguyễn Phương Điền đã bật khóc khi nhớ lại những tháng ngày gian nan đó.
Tôi xuống An Giang đầu tiên vì ở đây có 21 nhà cổ, tôi đi khảo sát từng căn. Hầu hết nền và phông có nhưng đồ đạc trong nhà đều không còn. Nếu với kinh phí này này chuyện đó không thể thực hiện được.
Tôi tiếp tục đến Đồng Tháp, về Đồng Nai cũng không được. Cuối cùng, tôi phải lên mạng hỏi các họa sĩ thiết kế từng làm các phim xưa. Có nhiều ngôi nhà được chỉ hợp tiêu chí nhưng giá tiền quá cao, vì hiện nay những ngôi nhà này đều đang được khai thác du lịch.
Toàn bộ quá trình này, tôi đã đi khảo sát tổng cộng hơn 100 ngôi nhà cổ khác nhau. Cuối cùng tôi quyết định phải vào bằng được ngôi nhà cổ của một người nước ngoài làm chủ.
Khi hỏi về giá cả, họ yêu cầu phải trả 18 triệu/ ngày. Cũng may sau khi tìm hiểu được biết vợ của chủ nhà vốn là một người Việt, chúng tôi đã thuyết phục và họ đồng ý giảm xuống còn 9 triệu/ngày quay.
Với kế hoạch quay 16 ngày, chúng tôi thấy kinh phí đó khá ổn. Tuy nhiên, quá trình quay lại phát sinh thêm đến 8 ngày.
Thật sự, lúc đó cả đơn vị sản xuất và tôi đều phải bật khóc bởi riêng khâu bối cảnh, đã tiêu tốn quá nhiều tiền. Để tiết kiệm, ngày nào chúng tôi cũng quay đến nửa đêm, thậm chí có hôm 2-3h sáng mới đóng máy.
Ngày hôm sau, diễn viên thường 8-9h mới có mặt thì khoảng 5 giờ sáng tôi đã có mặt tại hiện trường, tranh thủ chợp mắt rất ít và luôn nhờ một cậu bé trong đoàn đánh thức nếu lỡ ngủ quên. Quá trình đó kéo dài hơn 20 ngày.
Tôi cũng phải kể thêm một chi tiết mà khi trao đổi, biên kịch Hạ Thu cho rằng tôi đang bày biện quá nhiều. Đó là việc tìm bằng được cây ổi mà biên kịch cho rằng đã tuyệt chủng nhưng trong kịch bản nói đến.
Tôi đến tận các vùng sâu, vùng xa tìm cho bằng được và may mắn còn được hai cây. Sau đó, tôi còn quyết định mua cả cây và trái, người dân địa phương còn nghĩ tôi bị điên, vì với họ đó chỉ là cây dại.
Nhưng giờ nhìn lại tất cả những gì mình đã cống hiến, tôi thấy rất nhẹ lòng.
Đạo diễn Nguyễn Phương Điền đùa với diễn viên trên phim trường, dù hôm nào cũng quay tới khuya về sáng.
Vậy khi tìm được ngôi nhà cổ ưng ý, anh và ê-kíp có phải sắp xếp, bổ sung thêm đạo cụ không?
Hầu hết đều phải mua bổ sung vì chỉ đạt khoảng 70% yêu cầu. Tôi phải hỏi ý kiến chủ nhà, sau khi được sự đồng ý, chúng tôi phải lên đình làng thuê bàn ghế, mua các bình cổ trang trí và làm đạo cụ cho phim.
Riêng chuyện mua bình cổ cũng là câu chuyện thú vị. Ví dụ một cặp bình nguyên vẹn giá khoảng 6 triệu, nhưng với những chiếc bình bị sứt mẻ một chút có thể chỉ cần mua với giá 800.000. Cứ mua từng đồ vật như thế rồi mang về bổ sung cho các bối cảnh.
Cảnh mà tôi nhớ nhất chính là trường đoạn cuối phim. Ở hiện trường Lâm Minh Thắng khóc thì đằng sau máy quay tôi cũng khóc. Chỉ 1 phân đoạn mà quay mất 3 đêm chỉ để đảm bảo racord, ánh sáng, mưa, tâm lý nhân vật, chưa kể phải chạy theo lịch của diễn viên. Rồi chủ nhà chỉ cho quay đến 2-3h sáng, ê-kíp phải xin ngủ lại qua đểm để sớm mai quay tiếp.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!