
Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 11 khẳng định quy mô và sức hút mạnh mẽ với những con số ấn tượng. Hơn 55 bộ sưu tập áo dài được giới thiệu, hơn 500 mẫu thiết kế độc đáo, mang đến bức tranh đa sắc về tà áo dài Việt Nam. Lễ hội Áo dài năm nay do đạo diễn Hoàng Nhật Nam đảm nhận vai trò tổng đạo diễn.
Trong suốt hành trình tôn vinh áo dài Việt Nam, không ít thiết kế đã trở thành biểu tượng, lưu dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. Những bộ trang phục văn hóa dân tộc từng được thiết kế cho các đấu trường nhan sắc quốc tế - dành riêng cho đại diện Việt Nam không chỉ giành được giải thưởng mà còn nhận được tình cảm đặc biệt từ khán giả.
Nhiều thiết kế trong số hơn 500 bộ áo dài đã được tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, nơi trang phục tiếp tục kể câu chuyện về bản sắc dân tộc với du khách trong và ngoài nước.
Tổng đạo diễn Hoàng Nhật Nam tại Lễ hội Áo dài Việt Nam.
Riêng tại lễ hội áo dài lần này, đạo diễn Hoàng Nhật Nam rất tâm đắc với bộ sưu tập áo dài dành cho nam giới của NTK Nam Tiền. Với form dáng rộng rãi, chất liệu mát mẻ và cách xử lý tinh tế, trang phục này mang đến sự thoải mái cho nam giới mà vẫn giữ được nét uy nghi, phong độ.
"Tôi muốn áo dài nam được nhìn nhận nhiều hơn, không chỉ trong những dịp lễ quan trọng mà còn trong đời sống thường nhật. Chúng ta hoàn toàn có thể mặc áo dài với sự tự tin, tự hào", đạo diễn Hoàng Nhật Nam bày tỏ.
Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 11 đã trở thành một sự kiện đáng nhớ, không chỉ bởi quy mô hoành tráng mà còn bởi sự hội tụ của đông đảo nghệ sĩ, hoa hậu, á hậu, diễn viên, ca sĩ... Từ những tên tuổi gạo cội như NSND Bạch Tuyết, NSƯT Kim Xuân, NSƯT Phi Điểu đến những gương mặt trẻ trung, tỏa sáng của thế hệ mới – tất cả cùng khoác lên mình tà áo dài, tạo nên một bức tranh rực rỡ của nhan sắc và thành tựu.
Các phần trình diễn mãn nhãn tại lễ hội vừa qua.
Điều đó không chỉ khẳng định uy tín của lễ hội mà còn thể hiện sức hút mạnh mẽ của áo dài Việt Nam đối với công chúng. Một trong những phần được đạo diễn Hoàng Nhật Nam tâm đắc nhất là màn tôn vinh các nhà thiết kế áo dài trong bộ sưu tập "Sắc Son".
"Thường thì nhà thiết kế là những người đứng sau hậu trường, lặng lẽ sáng tạo và cống hiến, ít khi xuất hiện trước công chúng. Tôi muốn mang họ đến gần hơn với khán giả, để mọi người hiểu rằng mỗi tà áo dài đều là thành quả của cả một quá trình lao động nghệ thuật đầy đam mê", đạo diễn Hoàng Nhật Nam chia sẻ.
Khoảnh khắc các nhà thiết kế được sánh bước bên cạnh nàng thơ, chàng thơ của mình, khi tên tuổi họ vang lên cùng với những tác phẩm đầy tâm huyết, đó chính là sự ghi nhận đầy ý nghĩa. Một số nhà thiết kế còn chọn chính con cái của mình làm nàng thơ, thể hiện sự nối tiếp truyền thống gia đình trong việc giữ gìn tà áo dài Việt Nam. Đây là năm đầu tiên chương trình có một không gian tôn vinh riêng cho nhà thiết kế, và nếu có thể, những năm tiếp theo nên tiếp tục duy trì điều này.
"Tôi tin rằng, việc vinh danh các nhà thiết kế không chỉ là sự trân trọng dành cho những người "giữ lửa" mà còn là động lực để họ tiếp tục sáng tạo và truyền nghề cho thế hệ mai sau", đạo diễn Hoàng Nhật Nam khẳng định.
Lễ hội Áo dài nhận được sự quan tâm của nhiều công chúng.
Bên cạnh các phần trình diễn mãn nhãn. công tác truyền thông của lễ hội cũng ghi nhận sự lan tỏa mạnh mẽ khi có hơn 1.800 tin bài được đăng tải trên báo chí trong và ngoài nước.
Trên nền tảng TikTok, hơn 1.217 video về lễ hội được đăng tải, thu hút tổng cộng 14 triệu lượt tiếp cận; Facebook ghi nhận hơn 7 triệu lượt tiếp cận và 60.300 lượt tương tác từ hàng trăm bài viết liên quan đến sự kiện. Fanpage Du lịch TP.HCM đạt hơn 113.000 lượt tiếp cận, trong khi Fanpage Lễ hội Áo dài TP.HCM thu hút 352.719 lượt tiếp cận.