Vật thể lạ được phát hiện vào năm 1989 ở Blaubeuren, miền Nam nước Đức, khi một người đàn ông giấu tên đào một chiếc rãnh trong vườn nhà mình để đặt cáp. Chiếc xẻng đụng phải một vật cứng ở độ sâu khoảng nửa mét.
Cận cảnh "vị khách không mời" ngoài hành tinh to nhất nước Đức - ảnh: Gabriele Heinlein/DLR
Vật thể trông như một khối đá cứng, nhưng khi chủ nhà dùng nam châm để thử, thì nhận ra nó chứa khá nhiều sắt. Sau đó, ông… bỏ xó nó trong vườn.
Vào tháng 1 năm nay, sau 31 năm lãng quên, người đàn ông quyết định mang vật thể đó đến Viện nghiên cứu hành tinh DLR (Đức). Ông nhận được kết quả choáng váng: đó quả là một "khách không mời" ngoài hành tinh, và rất quý giá.
Vật thể lạ được đặt tên là "thiên thạch Blaubeuren" dựa theo nơi nó được tìm thấy, được cho là một mảnh nhỏ từ một tiểu hành tinh hoặc sao chổi. Thành phần chính của nó là chondrite, một dạng đá phi kim loại nguyên thủy chưa bị biến đổi bởi sự tan chảy hay biến chất của vật thể mẹ. Tại sao nó bị hút bởi nam châm – tức có thể lẫn sắt – vẫn chưa được giải đáp.
Với kích thước 28x25x20 cm, nó là khối thiên thạch lớn nhất từng được tìm thấy ở nước Đức. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu để xác định cụ thể thành phần và nguồn gốc của vị khách ngoài hành tinh này.
Nghiên cứu về thiên thạch Blaubeuren vừa công bố trên tạp chí khoa học Meteoritics & Planetary Science.