Người được nhắc đến chính là Đỗ Cảnh Thạc (912-967), quê ở huyện Thanh Oai, Hà Nội ngày nay. Ông là danh tướng dưới thời Ngô Quyền, được biết đến với biệt danh Độc nhĩ đại vương (tướng quân một tai).
Theo các tài liệu lịch sử ghi lại, từ nhỏ, Đỗ Cảnh Thạc là cậu bé thông minh, mạnh khỏe, 12 tuổi đã biết cưỡi ngựa, bắn cung, theo cha đi săn muông thú. Thấy người Nam Hán ức hiếp dân lành quê hương, giết người, cướp của, ông hết sức căm hận.
Một hôm, nhà bị giặc xông vào bắt heo, bất bình, ông xông ra đòi lại, nhưng bị đánh đập. Ức chế, ông lấy chiếc đòn khiêng heo đánh túi bụi. Nhưng vì yếu thế, ông bị chúng quây bắt trói lên cây, xẻo mất một tai. Sau việc này, lòng căm thù sôi sục, ông quyết tìm thầy học võ ba năm.
Giai đoạn đầu của cuộc đời binh nghiệp, Đỗ Cảnh Thạc là tướng dưới sự chỉ huy của Dương Đình Nghệ. Sau đó, vì mến phục tài năng của Ngô Quyền, ông đem quân về dưới trướng Ngô Vương vào năm 937.
Đỗ Cảnh Thạc dần trở thành cánh tay đắc lực, giúp nhà Ngô lập nền tự chủ, dựng xây triều đại mới. Một trong những đóng góp lớn nhất của Độc nhĩ đại vương Đỗ Cảnh Thạc là cùng Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, bảo vệ vững chắc nền độc lập non trẻ mà dân tộc ta vừa giành lại được sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc đô hộ vào năm 938.
Tương truyền, ông chính là người bàn với Ngô Quyền dùng cọc nhọn đóng ở lòng sông để diệt giặc, lại dẫn đầu một cánh quân cả thủy binh và bộ binh mai phục ở bên hữu ngạn sông Bạch Đằng để tham gia tổng tấn công quân Hoằng Thao, góp phần vào đại thắng nơi dòng sông sóng bạc đầu.
Sau khi đánh bại quân xâm lược, Ngô Quyền xưng Vương, Đỗ Cảnh Thạc được phong làm thái úy đứng đầu võ quan triều đình.
Trước khi qua đời, Ngô Quyền chỉ định Thái tử Ngô Xương Ngập nối ngôi, nhờ em vợ Dương Tam Kha phò giúp. Nhưng lợi dụng lòng tin anh rể, Dương Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, tự xưng là Bình Vương.
Trước biến động ở triều đình, hai anh em Xương Văn và Xương Ngập chạy về Hải Dương lánh nạn, chuẩn bị lực lượng chống lại. Dương Tam Kha sai Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc ba lần đem quân đi lùng bắt Ngô Xương Ngập.
Tuy nhiên, là người từng “vào sinh ra tử” với Ngô Quyền, Đỗ Cảnh Thạc không nỡ hãm hại con ông. "Độc nhĩ tướng quân" đã giúp Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn giành lại quyền lực vốn thuộc về gia đình mình.
Sau Dương Tam Kha bị lật đổ, Đỗ Cảnh Thạc tiếp tục phò trợ hai con trai của vua Ngô Quyền. Đến năm 965, Ngô Xương Văn tử trận, nhà Hậu Ngô sụp đổ. Các sứ quân tranh hùng, tạo nên thời kỳ tranh giành của 12 sứ quân.
Trong bối cảnh hoảng loạn đó, Đỗ Cảnh Thạc với thanh thế của bản thân, chiếm giữ Đỗ Động Giang (Thanh Oai), tự xưng là Đỗ Cảnh Công, hùng cứ một phương.
Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc là tập đoàn quân sự, có thành cao hào sâu bao bọc. Trên hành trình dẹp 12 sứ quân thống nhất thiên hạ, Đinh Bộ Lĩnh bàn mưu tính kế rất cẩn trọng mới đánh bại ông.
Trong một lần Đỗ Cảnh Thạc thân chinh cầm quân ở Bảo Đà, vào ban đêm, Đinh Bộ Lĩnh cho quân bao vây bốn mặt thành và tiến đánh bất ngờ vào Trại Quèn. Vì ở xa, quân tướng của Đỗ Cảnh Thạc không ứng cứu được nhau, bị mất cả thành lũy, đồn trại, lương thực nên phải bỏ thành chạy. Hai bên giao tranh hơn một năm sau, Đinh Bộ Lĩnh hạ được thành.
Đỗ Cảnh Thạc tháo chạy và bị trúng tên chết ở chân núi Sài Sơn năm 967. Sau khi đánh bại Đỗ Cảnh Thạc, Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước, lập lên nhà Đinh, dựng nước Đại Cồ Việt, mở đầu cho một triều đại mới.
Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan từng có lời tán tụng về ông: “Tướng công phò suốt ba đời nhà Ngô, trải bao biến cố vẫn giữ một lòng trung hiếu, không màng danh lợi, cống hiến cả cuộc đời cho dân, cho nước. Thật là tấm gương trung hiếu chói lọi cho đời sau noi theo”.