Năm ngoái, Samsung ra mắt Galaxy S9. Xét một cách tổng thể, Galaxy S9 (và S9+) là dòng máy tốt với thiết kế đẹp, cấu hình mạnh, camera tốt… khó có điểm gì để người dùng có thể thật sự chê ở chúng. Ấy vậy, Galaxy S9 lại không thành công.
Nhiều nhà phân tích cảnh báo Galaxy S9 là dòng máy Galaxy S có doanh số tệ nhất trong lịch sử kể từ Galaxy S3. Quả thực, trong báo cáo tài chính Q2/2018, chính Samsung cũng thừa nhận Galaxy S9 bán chậm.
Samsung thừa nhận Galaxy S9 bán chậm trong báo cáo tài chính Q2 2018
Mặc dù Samsung không giải thích cụ thể tại sao Galaxy S9 ế, nhưng dường như lý do đã hiển hiện rõ trước mắt chúng ta: smartphone ngày một tốt và có tuổi đời ngày một cao, người dùng không còn hứng thú nâng cấp thường xuyên và nếu nâng cấp thì họ cũng chẳng muốn bỏ tiền cho một chiếc máy giống hệt đời trước (Galaxy S8).
Vậy năm nay với Galaxy S10, Samsung đã làm gì để tránh tình cảnh đau buồn của năm ngoái lặp lại? Rút kinh nghiệm từ sự "nhạt nhẽo" của S9, Samsung đã phải cố gắng thay đổi và nâng cấp nhiều yếu tố trên S10 để khiến nó trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt người dùng. Và thú vị thay, những thay đổi và nâng cấp của chiếc máy này đều xoay quanh những chiếc lỗ.
(*) Tất cả hình ảnh trong bài review này đều được chụp bằng Galaxy S10
Samsung là một trong những nhà sản xuất đầu tiên khai mào xu hướng màn hình viền mỏng với Galaxy S8. Tuy nhiên, ưu thế của Samsung nhanh chóng mất đi do thiết kế không mang "cái tôi" của riêng mình.
Nếu như iPhone dễ dàng được người ta nhận ra bởi "tai thỏ", hay các nhà sản xuất Trung Quốc (Oppo, Huawei, Xiaomi…) lại nổi danh bởi màn hình "giọt nước", thì mặt trước của Samsung lại trông khá tầm thường và không tạo dấu ấn như đối thủ.
Biết rằng có rất nhiều người thích sự vẹn toàn, không bị "cắt gọt" của S8/S9, nhưng Samsung biết rằng S10 cần phải thay đổi thì mới có thể thu hút khách hàng.
Samsung đã làm gì với Galaxy S10? Đục một lỗ trên màn hình. Với tên gọi mỹ miều là Infinity-O và dân dã hơn là "nốt ruồi", màn hình của Galaxy S10 sẽ bị khoét một chút ở góc phải để dành chỗ cho camera trước. Galaxy S10+ do sở hữu cụm camera selfie kép, vậy nên lỗ của nó sẽ to hơn Galaxy S10 với camera selfie đơn.
Galaxy S10 với màn hình Infinity-O "đục lỗ"
Vậy cái lỗ này khiến cho Samsung được gì và mất gì?
Về cái được, như đã nói ở trên, màn hình Infinity-O mang đến cho Galaxy S10 một dáng vẻ khác biệt và mới mẻ hơn. Với màn hình gần như chiếm trọn mặt trước và viền xung quanh gần như không đáng kể, cảm giác của tôi xuyên suốt quá trình trải nghiệm chỉ có thể gói gọn trong một từ: "đã" - và tôi tin rằng bạn cũng sẽ có cảm giác như vậy. T
ừ lâu, chúng ta đã ước mơ về một chiếc smartphone không viền với mặt trước chỉ có màn hình, và có lẽ Galaxy S10 là thiết bị tiệm cận nhất với giấc mơ đó.
Nhờ "cái lỗ", Galaxy S10 đem lại một trải nghiệm hiển thị hoàn toàn mới so với những thế hệ cũ
Nhưng, không gì là hoàn hảo. Thiết kế đục lỗ của Galaxy S10 cũng mở ra một số vấn đề mà người dùng cần lưu ý.
Đầu tiên, cũng tương tự như "tai thỏ", màn hình "nốt ruồi" của Galaxy S10 cũng che khuất một phần nội dung trên màn hình, đặc biệt là khi người dùng xem video ở chế độ kéo giãn. Nó thật sự không quá khó chịu, tuy nhiên vẫn là một thứ mà người dùng Galaxy S thế hệ cũ với màn hình "vẹn toàn" cần làm quen.
"Cái lỗ" có làm ảnh hưởng đến nội dung hiển thị trên màn hình, tuy nhiên không thật sự đáng kể
Thứ hai, với "nốt ruồi" được đặt lệch sang bên phải, thiết kế mặt trước của Galaxy S10 có thể khiến cho những người đam mê sự cân đối cảm thấy khó chịu.
Có thể bạn không cho rằng đây là một vấn đề to tát, nhưng tôi tin rằng vẫn có những người thà có "tai thỏ" to nhưng cân đối, còn hơn là "nốt ruồi" nhỏ nhưng lệch lạc. Nó thật sự là một sở thích cá nhân: nếu bạn cảm thấy "nốt ruồi" của S10 không đẹp, bạn nên chuyển hướng sang một thiết bị khác.
Thứ ba, và theo tôi là quan trọng nhất, thiết kế này của S10 tạo ra những khó khăn cho Samsung trong việc phát triển công nghệ nhận diện khuôn mặt. Những chiếc smartphone "tai thỏ" tuy bị cắt bớt một phần diện tích màn hình, nhưng nhờ nó mà các nhà sản xuất như Apple mới có thể tích hợp công nghệ nhận diện khuôn mặt tiên tiến.
Galaxy S10 viền mỏng, lỗ bé, nhưng cũng chính vì vậy nên nó đã bị loại bỏ tính năng bảo mật mống mắt từ các thế hệ trước và nay chỉ còn công nghệ mở khoá khuôn mặt 2D. Nó hoạt động tốt khi điều kiện ánh sáng lý tưởng, nhưng trong bóng tối thì bắt đầu "tịt ngòi".
Và, khó có thể nói tính năng mở khoá khuôn mặt của S10 "bảo mật" vì nó có thể bị đánh lừa một cách cực kỳ dễ dàng chỉ với một bức ảnh.
Tính năng nhận diện khuôn mặt của Galaxy S10 dễ dàng bị đánh lừa bằng một bức hình hiển thị trên màn hình của một chiếc smartphone khác
Galaxy S10 cũng không thể nhận dạng khuôn mặt của người dùng trong điều kiện ánh sáng không lý tưởng
Samsung không đầu tư cho công nghệ bảo mật khuôn mặt cũng là có lý do riêng của mình. Thay vì khuôn mặt, Samsung muốn người dùng Galaxy S10 sử dụng cảm biến vân tay dưới màn hình là phương thức bảo mật sinh trắc học chính.
Năm 2019, "cái lỗ" ở mặt lưng dành cho cảm biến vân tay cuối cùng đã biến mất. Samsung đã bắt kịp và tích hợp cho Galaxy S10 cảm biến vân tay dưới màn hình. Có thể người dùng đã chờ đợi lâu, có thể Samsung đã chậm chân hơn các nhà sản xuất Trung Quốc, nhưng đằng sau đó là hoàn toàn có lý do.
Samsung được cho là đã phát triển công nghệ cảm biến vân tay trong màn hình từ rất lâu, và hãng cũng đã nhiều lần lỡ hẹn với người dùng. Năm 2017, nhiều người kỳ vọng Samsung là nhà sản xuất đầu tiên tích hợp công nghệ này trên Galaxy S8, nhưng rồi chiếc máy này lại ra mắt với cảm biến vân tay ở mặt lưng và khiến họ hụt hẫng.
Điều này cứ lặp đi lặp lại trong suốt hai năm qua. Và cuối cùng, Samsung đã nhận phần thua trước các nhà sản xuất Trung Quốc như Vivo, Xiaomi hay Huawei, khi các hãng này lần lượt ra mắt smartphone với cảm biến vân tay dưới màn hình trước ông lớn Hàn Quốc.
Cảm biến vân tay dưới màn hình dạng siêu âm của Galaxy S10
Galaxy S10 là smartphone đầu tiên được trang bị cảm biến vân tay trong màn hình dạng siêu âm (ultrasonic). So sánh với những cảm biến vân tay dưới màn hình dạng quang học (optical) trên những smartphone Trung Quốc trước đây, cảm biến vân tay siêu âm mang lại nhiều ưu điểm:
- Bảo mật hơn: Do sử dụng sóng âm và tạo dựng mô hình 3D của dấu vân tay, vậy nên cảm biến vân tay của Galaxy S10 có độ an toàn cao và khó bị đánh lừa hơn nhiều so với cảm biến vân tay quang học lưu giữ hình ảnh 2D.
- Không cần luồng sáng: Đối với cảm biến vân tay quang học, mỗi khi người dùng đặt ngón tay sẽ có một luồng ánh sáng phát ra từ màn hình với nhiệm vụ làm sáng bề mặt ngón tay để cảm biến ở dưới chụp.
Vào ban đêm, luồng sáng này có thể khiến người dùng cảm thấy chói mắt. Cảm biến vân tay siêu âm của S10 do sử dụng sóng âm nên không cần đến luồng sáng đó, từ đó đem lại một trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.
- Hoạt động với ngón tay ướt: Nước là một thứ mà cảm biến vân tay khá "kị", khi chúng thường không nhận diện được ngón tay ướt. Thế nhưng, cảm biến vân tay của Galaxy S10 có thể mở khoá khi ngón tay ướt (đương nhiên là với chỉ một lượng vừa phải).
Ưu việt là vậy, điều quan trọng là trải nghiệm cảm biến vân tay này ra sao?Tôi cho rằng nó tốt hơn cảm biến vân tay trong màn hình dạng quang học (như đã đề cập ở trên), nhưng vẫn thua kém cảm biến vân tay truyền thống bởi những lý do sau đây:
- Tốc độ mở khoá: Nếu bạn đã quen với tốc độ mở khoá "nhanh thần sầu" của cảm biến vân tay của Galaxy S8 hay S9, bạn sẽ nhận thấy cảm biến vân tay trong màn hình của S10 chậm hơn.
Ngoài ra với cảm biến vân tay này, bạn cũng sẽ không thể chạm ngón tay vào rồi nhả ra thật nhanh, mà cần giữ ngón tay lên màn hình một khoảng thời gian ngắn (khoảng 0.5 giây) thì máy mới có thể nhận diện.
- Độ ổn định: Trong quá trình trải nghiệm, tôi thường gặp tình trạng máy không nhận ra dấu vân tay và yêu cầu thử lại, kể cả khi ngón tay sạch và khô. Mỗi lần như vậy, tôi lại phải đặt ngay ngắn ngón tay của mình lên biểu tượng dấu vân tay trên màn hình thì máy mới có thể mở khoá.
- Miếng dán màn hình: Cảm biến vân tay của Galaxy S10 sẽ không thể hoạt động với miếng dán cường lực dạng kính mà chúng ta đã quen thuộc. Mặc dù Samsung có dán sẵn một miếng dán trên mỗi chiếc Galaxy S10 được bán ra, tuy nhiên đây chỉ là miếng dán dạng mỏng và sẽ khó có thể bảo vệ được màn hình khỏi những va đập.
Còn khi so sánh với phương thức bảo mật của đối thủ Apple là nhận diện khuôn mặt (Face ID), rõ ràng đây là hai phương thức rất khác nhau nên điểm mạnh và yếu của chúng cũng thuộc hai phạm trù riêng biệt:
- Cảm biến vân tay của Galaxy S10 không hoạt động thật sự hiệu quả khi ngón tay bẩn và dính nhiều nước, còn lại thì nó hoạt động tốt ở mọi tư thế của người dùng hay mọi điều kiện môi trường. Ngoài ra, cảm biến vân tay cũng yêu cầu nhiều "công sức" của người dùng hơn khi họ phải chạm ngón tay vào cảm biến.
- Công nghệ nhận dạng khuôn mặt của iPhone cho trải nghiệm dễ dàng hơn khi người dùng chỉ cần nhìn vào màn hình là đã có thể mở khóa. Tuy nhiên, trong một số tình huống nhất định thì Face ID sẽ không thể nhận dạng được khuôn mặt người dùng (đeo khẩu trang, nằm nghiêng trên giường…).
Nhìn chung, mỗi người sẽ có một sự lựa chọn riêng tùy vào nhu cầu của bản thân. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, tôi cảm thấy Face ID là phương pháp tốt hơn nhờ sự đơn giản (chỉ cần nhìn vào màn hình, không cần làm gì khác) và ổn định (tỷ lệ mở khóa thành công cao hơn hẳn).
Trên thực tế, đa phần thời gian, khi tôi còn chưa kịp chạm ngón tay vào cảm biến vân tay thì chiếc Galaxy S10 đã được mở khóa bằng khuôn mặt.
Mặc dù cảm biến vân tay siêu âm của Samsung là vượt trội so với những công nghệ cảm biến vân tay trong màn hình hiện nay của đối thủ, nhưng xét về trải nghiệm thì nó vẫn còn chưa thật sự hoàn thiện để đem lại sự thoải mái và tiện lợi cho người dùng.
Trước việc smartphone giá rẻ và tầm trung ngày càng sở hữu cấu hình mạnh, thiết kế đẹp và ngày một nhiều tính năng hấp dẫn, một trong những yếu tố hiếm hoi còn lại tách biệt những chiếc máy cao cấp khỏi dòng máy bình dân là camera.
Chính vì vậy, camera vẫn luôn là thứ được Samsung nói riêng và các hãng nói chung tập trung cải thiện và quảng bá trên dòng sản phẩm cao cấp.
Năm ngoái, Samsung trình làng công nghệ thay đổi khẩu độ trên Galaxy S9. Mặc dù về lý thuyết nhiếp ảnh thì đây có vẻ như là một bước đột phá lớn, tuy nhiên về thực tế sử dụng thì công nghệ này không đem đến nhiều cải tiến cho chất lượng ảnh.
Chính vì vậy trên Galaxy S10, Samsung đã có một bước thay đổi rõ rệt hơn. Trong khi đối thủ iPhone XS chỉ có camera kép, thì Samsung quyết định trang bị cho Galaxy S10 đến ba camera. Ngoài ra, phiên bản Galaxy S10+ còn có camera selfie kép, một lần nữa tỏ vẻ ưu thế so với sản phẩm của Apple.
Về cơ bản, trải nghiệm chụp ảnh của Galaxy S10 không quá khác biệt so với Galaxy S9. Trên thực tế, ngay từ thông số phần cứng, hai trên ba camera của S10 là hoàn toàn tương tự so với S9. Thuật toán xử lý ảnh của Samsung cũng không có nhiều thay đổi: ảnh bị tăng độ sáng (exposure), độ bão hòa màu (saturation) và độ nét (sharpness) so với thực tế.
Vì vậy, nếu bạn thích một nước ảnh tự nhiên, bạn sẽ không thích camera của Galaxy S10; còn ngược lại, nếu bạn thích sự tươi tắn, sắc nét và không phải chỉnh sửa nhiều, thì camera của Galaxy S10 sẽ khiến bạn hài lòng.
Tâm điểm của cụm camera Galaxy S10 là camera thứ ba với khả năng chụp ảnh góc siêu rộng. Camera góc siêu rộng mặc dù không phải là một thứ gì đó quá mới (LG G5 đã có từ năm 2016), tuy nhiên thời gian gần đây được các nhà sản xuất tập trung nhiều hơn nhằm mở rộng khả năng chụp ảnh của người dùng.
Quả thật, camera góc rộng cho phép người dùng tạo ra những bức ảnh mà trước đây họ không thể làm được với bất kỳ chiếc smartphone nào trước đây. Sử dụng Galaxy S10, cứ mỗi khi tôi chụp một bức ảnh thì tôi lại tiện tay chụp thêm một tấm ảnh nữa bằng camera góc siêu rộng.
Đằng sau mỗi bức ảnh là một câu chuyện, và với camera góc siêu rộng của Galaxy S10 thì câu chuyện đó như đủ đầy và chan chứa nhiều nội dung hơn.
Camera góc rộng đưa nhiều thứ vào trong khung hình hơn và giúp cho hình ảnh trở nên "đủ đầy"
Camera góc rộng đặc biệt phù hợp để chụp các công trình kiến trúc lớn
... nhưng không chỉ vậy, nó còn giúp người dùng mở rộng khung hình ở những nơi chật hẹp, ví dụ như một con phố nhỏ
Những khung cảnh rất đỗi bình thường đôi khi cũng được "nghệ thuật hóa" khi sử dụng góc nhìn rộng hơn
Mặc dù biết rằng số lượng không luôn luôn đồng nghĩa với chất lượng, nhưng trong trường hợp của Galaxy S10, đã đến lúc những nhà sản xuất như Google và Apple bắt đầu phải dè chừng. Với việc camera trên smartphone cao cấp đều đã quá tốt, sự khác biệt về chất lượng ảnh là không còn quá lớn.
Chính vì vậy, một chiếc smartphone với khả năng chụp ảnh góc siêu rộng độc đáo như Galaxy S10 chắc chắn sẽ đem đến những trải nghiệm mới và khiến người dùng cảm thấy thích thú - điều ngày càng hiếm gặp trước sự bão hòa của smartphone ngày nay.
Kể từ ngày Apple loại bỏ jack cắm tai nghe trên iPhone 7, đa số các nhà sản xuất Android đã mù quáng chạy theo trào lưu này. iPhone bỏ jack cắm tai nghe nhưng ít ra còn có AirPods cho trải nghiệm cực tốt, còn smartphone Android bỏ jack cắm tai nghe thì chỉ toàn thấy vấn đề chứ không đem lại lợi ích gì.
Và ơn giời, Samsung vẫn "tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến" và giữ nguyên jack cắm trên Galaxy S10. Có thể bạn nghĩ rằng jack tai nghe không phải một thứ đáng coi là điểm mạnh của một chiếc điện thoại, "jack tai nghe thì điện thoại giá rẻ còn có, huống gì S10?".
Thế nhưng, thực tế thì Galaxy S10 lại là smartphone cao cấp hiếm hoi trên thị trường vẫn còn giữ cổng kết nối hết sức tiện dụng này. Tôi tin rằng xuyên suốt quá trình sử dụng Galaxy S10, sẽ có một lúc bạn phải thốt lên: "Ồ may quá, máy này vẫn có jack cắm tai nghe".
Jack cắm tai nghe là đặc điểm "ăn tiền" của Galaxy S10 so với nhiều smartphone cao cấp hiện nay
Nhưng, điều đó không đồng nghĩa là Samsung "lưu luyến" công nghệ cũ và không có chí tiến thủ: Samsung là một trong những nhà sản xuất với nhiều sản phẩm tai nghe true wireless nhất từ trước đến nay, bắt nguồn từ Gear IconX, Gear IconX (2018) và nay là Galaxy Buds.
Điểm khác biệt của Samsung so với các nhà sản xuất là người dùng có quyền lựa chọn chứ không bị ép buộc bởi các nhà sản xuất.
Mặc dù có jack tai nghe, nhưng Samsung không hề "quay lưng" với tương lai không dây. Trên thực tế, Samsung đã thiết kế chiếc tai nghe true wireless Galaxy Buds cùng với Galaxy S10, cho phép sạc tai nghe bằng cách đặt lên lưng điện thoại.
Trong một vài năm trở lại đây, mặc dù Samsung đã liên tục có những cải tiến về phần mềm trên smartphone, tuy nhiên có thể nói rằng phần mềm chưa bao giờ là điểm mạnh của ông lớn Hàn Quốc. Người ta có thể mua iPhone vì iOS hay mua Pixel vì Android thuần, nhưng chẳng ai làm như vậy với điện thoại Samsung cả.
Câu chuyện này tiếp diễn với Galaxy S10: Phần mềm của nó không có gì quá đặc sắc để chúng ta đáng bỏ tiền ra, và người ta sẽ mua Galaxy S10 vì phần cứng của nó chứ không phải vì phần mềm. Thế nhưng, so sánh với các thế hệ trước, phần mềm của Galaxy S10 thật sự là một bước nhảy vọt.
Cũng như những phiên bản phần mềm trước đó, phần mềm của Galaxy S10 được lấp đầy bởi những tính năng và tuỳ biến xuyên suốt mọi ứng dụng. Tuy nhiên, những tính năng này giờ đây được sắp xếp bên trong một giao diện người dùng mới mang tên One UI.
Biết rằng thay đổi giao diện là chuyện "như cơm bữa" với các nhà sản xuất Android, tuy nhiên với One UI, Samsung không chỉ thay đổi đôi ba cái biểu tượng, font chữ hay màu sắc chỉ để nhìn cho… mới, mà còn tạo ra một quy chuẩn nghiêm ngặt xuyên suốt hệ thống để giúp cho người dùng có một trải nghiệm liền mạch. Một số tiêu chuẩn đó bao gồm:
- Sự nhất quán (Consistency): Tất cả các ứng dụng đều mang chung một ngôn ngữ thiết kế, tạo sự thân quen và dễ sử dụng cho người dùng.
- Khả năng sử dụng (Usability): Samsung đã tùy biến One UI để nó phù hợp cho việc sử dụng bằng một tay. Nội dung được đẩy xuống nửa dưới màn hình và ngón tay cái của người dùng có thể dễ dàng với tới. Đây là một thay đổi phù hợp khi mà smartphone màn hình tỷ lệ dài đang ngày càng trở nên phổ biến.
So sánh với giao diện Samsung Experience cũ (trái), có thể thấy One UI (phải) được thiết kế để trở nên dễ sử dụng hơn bằng một tay
Ngoài ra, One UI còn mang đến chế độ Night Mode giúp chuyển toàn bộ giao diện và các ứng dụng hệ thống sang tông màu đen, tạo cảm giác dễ chịu cho đôi mắt khi sử dụng vào ban đêm và giúp tiết kiệm pin đối với những thiết bị sử dụng màn hình OLED như Galaxy S10. Đây là một tính năng được người dùng mong chờ từ lâu.
- Sự rõ ràng (Clarity): Font chữ hệ thống được thiết kế lại, tiêu đề ứng dụng được phóng lớn, các biểu tượng với ý nghĩa mù mờ được thay thế bằng chữ… tất cả đều giúp người dùng dễ dàng hơn trong quá trình thao tác với giao diện.
Như đã nói ở trên, phần mềm của Samsung không có một thứ gì đó quá đỗi đặc biệt để cho tôi bị cuốn hút, nhưng One UI thật sự đã giúp Galaxy S10 trở thành một thiết bị hoàn thiện hơn nhiều.
Nếu như trước đây những chiếc smartphone Samsung cao cấp dù có phần cứng rất tốt nhưng thường bị chê ở phần mềm, thì với Galaxy S10 và One UI, có thể nói rằng phần mềm của Samsung đã ở đẳng cấp ngang hàng với phần cứng.
Năm ngoái, một trong những lý do khiến Galaxy S9 thất bại chính là giá bán: Galaxy S9 có giá 19.9 triệu đồng, còn S9+ là 23.5 triệu đồng. Trong đó, Galaxy S9 phiên bản 19.9 triệu là một chiếc máy không có gì nổi bật, vì vậy người dùng sẽ chỉ nghĩ đến chiếc S9+, nhưng với mức giá thế kia thì chẳng ai dám rút hầu bao.
Samsung muốn tỏ vẻ rằng mình không hề kém cạnh so với đối thủ Apple, tuy nhiên kết quả ra sao thì có lẽ chúng ta đã rõ.
Samsung đã học tập được nhiều điều sau thất bại của S9. Năm nay, S10 được định giá 20.9 triệu và 22.9 triệu đồng. Mặc dù mức giá về cơ bản là không thay đổi, nhưng tình thế của S10 là rất khác biệt so với năm ngoái.
Người dùng không cần thiết phải vung tiền cho bản S10+ đắt tiền nữa, mà ngay cả bản S10 giá rẻ hơn cũng đã là quá đủ khi nó chẳng thua kém S10+ là bao nhiêu. Chưa kể, Samsung còn có cả chiếc S10e với mức giá còn hợp lý hơn nữa.
Mức giá mà người dùng phải trả để trên tay chiếc Galaxy S10 là không hề cao, đặc biệt khi xét trên tình cảnh "bão giá" của smartphone ngày nay.
Cần lưu ý rằng, mức giá trên của S10 là mức giá niêm yết kèm với nhiều quà tặng giá trị. Thực tế, người dùng hoàn toàn có thể tìm mua S10 và S10+ không đi kèm quà tặng với mức giá dao động trong khoảng 16-19 triệu đồng.
Với mức giá rẻ hơn đáng kể so với đối thủ chính là iPhone XS/XS Max (khoảng 10-15 triệu, tùy phiên bản), có thể thấy giá trị mà Galaxy S10 đem lại là xứng đáng hơn nhiều so đối thủ với số tiền mà người dùng phải bỏ ra.
Nói ra điều này nghe sẽ thật kỳ lạ, nhưng có lẽ người dùng nên mừng vì Galaxy S9 đã thất bại.
Chính nhờ cũ ngã năm ngoái của Samsung mà năm nay người dùng có được một Galaxy S10 với thiết kế lột xác, hệ thống camera hữu dụng, phần mềm hoàn thiện và mức giá hợp lý hơn… trong khi tiếp tục phát huy những ưu điểm vốn có của những dòng Galaxy S trước như màn hình, cấu hình, hệ sinh thái sản phẩm & dịch vụ, dịch vụ hỗ trợ bán hàng…
Vẫn còn quá sớm để đánh giá mức độ thành công của Galaxy S10, tuy nhiên bạn hãy thử tự đặt mình vào vị trí của một người đang có nhu cầu mua smartphone cao cấp. Nếu bạn là một người không thích iPhone, tôi tin rằng Galaxy S10 và S10+ sẽ là sự lựa chọn hiển nhiên mà bạn chẳng cần nghĩ ngợi.
Còn nếu bạn là một người đam mê iPhone, khi nhìn thấy một Galaxy S10 đẹp hơn, nhiều tính năng hơn mà mức giá lại rẻ hơn, liệu bạn có cảm thấy xiêu lòng? Galaxy S10 thật sự là một chiếc máy hấp dẫn, cho dù bạn có là ai.