Mới đây, tại chương trình Hãy nghe tôi hát – Nhạc sĩ chủ đề, danh ca Phương Dung đã tâm sự đôi điều về cố nhạc sĩ huyền thoại Phạm Duy, một trong những người đặt nền móng cho tân nhạc Việt Nam và giúp hàng loạt danh ca làm nên tên tuổi.
Là người từng có cơ hội gặp gỡ và làm việc với nhạc sĩ Phạm Duy, danh ca Phương Dung cho biết, ông là người rất vui tính, thoải mái. Cô nói:
Nhạc sĩ Phạm Duy
"Tôi từng có thời gian được gặp gỡ và làm việc với nhạc sĩ huyền thoại Phạm Duy. Vào thập niên cuối 50, đầu 60, khoảng từ 1959 trở đi, tôi có hát ba bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy. Trong đó, có hai bài rất nổi tiếng là bài Đố ai và Thuyền viễn xứ.
Riêng bài Em bé quê của Phạm Duy, tôi dùng để dự thi tuyển lựa vào Đài phát thanh Sài Gòn. Nhờ bài này mà tôi có dịp gặp được Phạm Duy.
Ngày đó, tôi vẫn gọi nhạc sĩ Phạm Duy là bố. Bố Phạm Duy lúc nào cũng vui vẻ, hài hước, hay nói chuyện tiếu lâm để làm trò vui và truyền cho tôi năng lượng tích cực, yêu ca hát, yêu tiếng Việt, yêu nhạc dân tộc.
Ngoài ba bài trên, tôi còn được hát thêm một bài nữa của nhạc sĩ Phạm Duy. Đó là bài Ngày em 20 tuổi.
Tôi thấy, nhạc sĩ Phạm Duy là người rất đa tài và sinh ra trong một gia đình có trình độ văn hóa cao. Nếu tôi nhớ không nhầm, anh trai nhạc sĩ Phạm Duy chính là đại sứ văn hóa Việt Nam tại Pháp vào thập niên 40, 50.
Nhờ đó, nhạc sĩ Phạm Duy học rất giỏi, nói tiếng Pháp giỏi và am hiểu nhiều về văn hóa Việt Nam cũng như văn hóa phương Tây".
Phương Dung hồi trẻ
Tiếp đó, danh ca Phương Dung cũng không ngần ngại chia sẻ về tình hình khó khăn hiện tại của mình. Cô nói:
"Từ Tết tới giờ tôi thất nghiệp, ở nhà suốt. Điều này khiến tôi rất buồn. Tôi buồn vì bản thân tôi là người hiếu động, luôn đi hát, đi chấm thi, gặp gỡ bạn bè. Nhưng từ Tết tới giờ tôi chẳng làm gì, cứ nằm ở nhà một mình.
Ngày nào các con của tôi bên Mỹ cũng gọi điện về hỏi thăm tôi xem có khỏe không. Chúng lo lắng cho tôi lắm, nhưng lại không về thăm tôi được.
Các con lo cho tôi vì bên Việt Nam này tôi ở một mình, không có ai bên cạnh, còn 8 đứa con của tôi sống bên nước ngoài hết. Chúng ở rải rác khắp nơi, nhưng lúc nào cũng nhớ tôi.
Ngược lại, tôi cũng lo cho các con, luôn hỏi xem các con bên đó có khỏe không.
Nhưng được cái, tôi rất vui vì người Việt Nam mình chống dịch tốt hơn bên kia nhiều, lại kỹ nữa. Tôi đi ra ngoài đường thấy 10 người thì cả 10 người đều đeo khẩu trang, từ người già tới con nít, thanh niên.
Mọi người luôn ý thức về việc không tụ họp chốn đông người. Qua đó, tôi thấy người Việt Nam mình sống rất kỷ luật. Nhờ đó mà chúng ta chống dịch tốt, đẩy lùi dịch bệnh rất nhanh.
Thời gian này, tôi vẫn ở Việt Nam chứ không về Mỹ vì nếu về bên đó, tôi phải chịu cách ly một thời gian.
Ngoài Mỹ, tôi còn một số đứa con sống tại Úc, nhưng cũng không dám về Úc vì cũng phải cách ly đến 2, 3 tháng liền.
Vì những lý do cách ly này mà tôi không dám sang thăm các con và các con cũng không dám về Việt Nam. Do đó, tôi dậm chân tại chỗ và chịu cảnh thất nghiệp, đợi khi nào hết dịch bệnh mới dám sang thăm các con rồi đi diễn".