Trùng Khánh, thành phố quan trọng trực thuộc trung ương ở vùng Tây Nam Trung Quốc, với hơn 30 triệu dân sinh sống và đóng góp GDP hơn 1755 tỉ nhân dân tệ năm 2016, là một trong những địa bàn nóng nhất trên chính trường Trung Quốc. Bí thư thành ủy Trùng Khánh có một "ghế" trong Bộ chính trị của trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
"Cơn địa chấn" chính trị bắt đầu vào sáng 15/7, khi trung ương ĐCSTQ thông báo Bí thư thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài thôi giữ chức vụ này, thay vào đó là ông Trần Mẫn Nhĩ, Bí thư tỉnh ủy Quý Châu, được điều sang.
Tôn Chính Tài, sinh năm 1963, là ngôi sao chính trị đang lên của Trung Quốc. Ông trở thành Ủy viên Bộ chính trị tại Đại hội khóa 18 của ĐCSTQ (tháng 11/2012), khi mới 49 tuổi.
Ngày 17/7, hãng Reuters, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) và cả Wall Street Journal cùng dẫn các nguồn tin riêng của mình, nói rằng ông Tôn có thể đang bị điều tra. Một lãnh đạo trong Ban tuyên giáo thành ủy Trùng Khánh tiết lộ với SCMP rằng ông này mới chỉ bị điều tra "ở mức độ nói chuyện với tổ chức".
Theo SCMP, Tôn Chính Tài là một trong những lãnh đạo trung ương thế hệ mới, được bồi dưỡng bởi cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo, và được đánh giá là có cơ hội lớn lọt vào Thường vụ Bộ chính trị khóa 19 sau Đại hội đảng diễn ra vào mùa thu năm nay.
Ông Tôn Chính Tài (phải) ngồi cạnh Phó thủ tướng Uông Dương tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc tháng 3/2016 (Ảnh: Reuters)
"Chảo lửa" Trùng Khánh
Vụ việc của ông Tôn biến Trùng Khánh trở thành địa điểm biến động lớn nhất trên chính trường Trung Quốc khi thay đổi tới 4 Bí thư thành ủy trong 5 năm qua.
Giới quan sát Trung Quốc nhanh chóng liên hệ vụ việc của ông Tôn với "sự biến Trùng Khánh" năm 2012, khi Bí thư thành ủy Bạc Hy Lai bị bãi miễn chức vụ vào tháng 3 và bị điều tra và tháng 4 vì sự kiện Vương Lập Quân, cấp dưới thân tín của ông này, chạy vào lãnh sự quán Mỹ xin tị nạn.
Trước đó, Bạc Hy Lai vẫn được xem là một ngôi sao chính trị có thể cạnh tranh quyền lực với ông Tập Cận Bình, ngay cả khi Bạc không trở thành lãnh đạo tối cao. Sau khi Bạc "ngã ngựa", ông Trương Đức Giang tiếp nhận chức Bí thư Trùng Khánh. Chức vụ được trao cho ông Tôn Chính Tài sau Đại hội 18, khi ông Trương lên làm Ủy viên trưởng Ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc.
Theo giới quan sát, so với phong thái phô trương của Bạc Hy Lai, Tôn Chính Tài làm việc tương đối thận trọng. Ông Tôn còn được kỳ vọng sẽ trở thành thế hệ lãnh đạo thứ 6 tại Trung Quốc. Do đó, nếu ông này thực sự bị điều tra, đây sẽ là cú sốc lớn trên chính trường Trung Quốc ngay trước thời điểm Đại hội 19.
Song song với sự ra đi của Tôn Chính Tài, việc Trần Mẫn Nhĩ trở thành Bí thư Trùng Khánh khiến các nhà quan sát giật mình, nhưng không ngạc nhiên.
Ông Trần là một trong những cán bộ chủ chốt được Chủ tịch Tập Cận Bình bồi dưỡng, khi ông Tập còn làm Bí thư tỉnh ủy Chiết Giang giai đoạn 2002-2007.
Trước khi công tác dưới quyền ông Tập trong 4 năm 4 tháng, ông Trần đã là một quan chức đi lên từ cơ sở, khi có hàng chục năm kinh nghiệm công tác tại huyện Thiệu Hưng, rồi thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang từ thập niên 1980. Ông đã làm đến chức Thường vụ tỉnh ủy, Phó tỉnh trưởng Chiết Giang.
Với kinh nghiệm cơ sở, kinh nghiệm phát triển ở một tỉnh khác (Quý Châu) và nay là kinh nghiệm lãnh đạo thành phố trung ương, Trần Mẫn Nhĩ đã trở thành ứng viên sáng giá cho vị trí kế nhiệm ông Tập Cận Bình.
Nhà phân tích chính trị ở Bắc Kinh, ông Zhang Lifan bình luận: "Ông ấy (Trần Mẫn Nhĩ) rất có hy vọng tiến vào Bộ chính trị, và thay thế ông Tôn [Chính Tài] trở thành người cạnh tranh hàng đầu cho vị trí lãnh đạo tối cao".
Chen Daoyin, giáo sư Đại học Luật và Khoa học chính trị Thượng Hải, nói ông Trần Mẫn Nhĩ, 56 tuổi, hoàn toàn có thể "về đích" với lộ trình sự nghiệp giống như ông Tập Cận Bình.
Tháng 3/2007, ông Tập đã được điều từ vị trí Bí thư tỉnh ủy Chiết Giang sang làm Bí thư thành ủy Thượng Hải, chức vụ mà ông chỉ nắm vài tháng trước khi được bầu vào Thường vụ Bộ chính trị tại Đại hội 18, sau đó được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch nước - vị trí "chuẩn lãnh đạo" - giáo sư Chen phân tích.
Ông Trần Mẫn Nhĩ (Ảnh: VCG)
Quyền lực rất mạnh của ông Tập Cận Bình
Nguồn tin của Reuters nói rằng Thường vụ thành ủy Trùng Khánh đã được thông báo rằng ông Tôn Chính Tài "phạm sai lầm chính trị", cụm từ mang tính chất còn nghiêm trọng hơn "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng", vốn chỉ hành vi tham nhũng.
Đối với một Ủy viên Bộ chính trị như ông Tôn, "sai lầm chính trị" có thể là khuyết điểm nghiêm trọng về phương hướng, tư tưởng, hoặc không nhất trí với tinh thần của trung ương đảng do ông Tập Cận Bình làm "lãnh đạo hạt nhân".
Lần đầu tiên một Ủy viên Bộ chính trị khóa 18 bị bãi nhiệm một lần nữa chứng minh ông Tập đang thâu tóm tốt quyền lực của mình.
Mặc dù ông không có nhiều dấu hiệu can thiệp vào Trùng Khánh trong vài năm qua, nhưng việc đưa "người mới" Trần Mẫn Nhĩ từ tỉnh khác sang, mà không để cho thành ủy Trùng Khánh đề cử nhân sự thay thế Tôn Chính Tài, cho thấy nhà lãnh đạo rất cứng rắn và quyết mạnh tay kiểm soát thành phố trung ương này. Vì cần sự ổn định, ông không muốn "lịch sử lặp lại" như vụ Bạc Hy Lai trước thềm Đại hội.
Chỉ còn không đầy 4 tháng nữa, Đại hội khóa 19 của ĐCSTQ sẽ diễn ra. Sau vụ việc Trùng Khánh, cùng các thành quả của chiến dịch chống tham nhũng trên toàn quốc, bố cục ở 31 tỉnh, thành của giới lãnh đạo Trung Quốc về cơ bản đã thành hình.
Với Trần Mẫn Nhĩ, dư luận đã lần đầu tiên xác nhận một ứng viên lãnh đạo Trung Quốc thế hệ tiếp theo "thuộc hệ ông Tập Cận Bình".
Sự trùng hợp giữa việc bãi nhiệm Tôn Chính Tài và cú "ngã ngựa" của Bạc Hy Lai
Tân Hoa Xã ngày 15/7 thông báo, "đồng chí Tôn Chính Tài thôi giữ chức Bí thư, Ủy viên Ủy ban thường vụ, Ủy viên thành ủy Trùng Khánh. Đồng chí Trần Mẫn Nhĩ đảm nhiệm Ủy viên thành ủy, Ủy viên ban thường vụ, Bí thư thành ủy Trùng Khánh".
Theo đó, trong thông báo đăng tải trên Tân Hoa Xã, Tôn Chính Tài vẫn được gọi là "đồng chí", cho thấy ông chưa bị "khai trừ đảng tịch và cách chức" nhưng thông báo cũng không nhắc tới cụm từ "chờ nhiệm vụ khác".
Về trường hợp Bạc Hy Lai, năm 2013 khi bị bãi miễn chức Bí thư Trùng Khánh, bản quyết định từ Bắc Kinh cũng vẫn dùng danh xưng "đồng chí", hơn nữa cũng chỉ nhấn mạnh "thôi giữ chức" mà không đề cập "chờ nhiệm vụ khác". Thời gian đó, Bạc cũng chưa bị tước đảng tịch.
Đến hơn 1 tháng sau, cơ quan chức năng mới thông báo Bạc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, đình chỉ chức vụ Ủy viên Bộ chính trị trung ương, lúc này mới không dùng danh xưng "đồng chí".
Bên cạnh đó, ông Tôn Chính Tài bị nghi tiếp nhận điều tra trong thời gian tham dự Hội nghị công tác tài chính toàn quốc tại Bắc Kinh (14-15/7), tương tự với trường hợp Bạc Hy Lai khi Bạc cũng bị bắt giữ tại Bắc Kinh trong thời gian tham dự kỳ họp Lưỡng hội hồi tháng 3/2012.
Tôn Chính Tài là một trong 25 Ủy viên Bộ chính trị đương nhiệm, thuộc đội ngũ lãnh đạo quốc gia của Trung Quốc. Bạc Hy Lai lúc "ngã ngựa" cũng đang là Ủy viên Bộ chính trị.