The Star mô tả tàu chiến KD Pendekar gặp tình trạng ngập nước nghiêm trọng do một vết rò rỉ được phát hiện đầu tiên trong phòng máy vào trưa 25-8.
Hải quân Hoàng gia Malaysia cho biết dù thuỷ thủ đoàn đã nỗ lực hết sức để kiểm soát và ổn định nhưng con tàu chìm hoàn toàn vào lúc 15 giờ 54 phút cùng ngày. Vụ việc xảy ra cách Tanjung Penyusop khoảng 2 hải lý (3,74 km) về phía Đông Nam.
Toàn bộ 39 thành viên thủy thủ đoàn đã được giải cứu an toàn trước khi tàu chìm hoàn toàn và không có báo cáo về bất kỳ trường hợp thương tích nào.
Các thủy thủ sau khi được giải cứu lập tức chuyển đến căn cứ hải quân KD Sultan Ismail gần Tanjung Pengelih.
Hải quân Hoàng gia Malaysia tuyên bố thành lập một ban điều tra đặc biệt nhằm xác định nguyên nhân chính xác dẫn đến vụ việc. "Có thể tàu chiến KD Pendekar bị chìm do va chạm với một vật thể dưới nước" – nhà chức trách nhận định.
Hải quân Malaysia cũng kêu gọi công chúng tránh suy đoán và cam kết sẽ cung cấp những thông tin chính xác từ các kênh chính thức. Hải quân cũng bày tỏ lời cảm ơn đối với Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia và cảnh sát vì đã nhanh chóng phản ứng, hỗ trợ trong suốt quá trình xử lý vụ việc.
Cơ quan kiểm soát môi trường cũng đã được triển khai đến hiện trường để theo dõi tình hình.
Tàu tấn công nhanh KD Pendekar được đưa vào biên chế Hải quân Hoàng gia Malaysia vào ngày 27-7-1979. KD Pendekar được đóng tại xưởng đóng tàu Kalskrona Varvet của Thụy Điển.
Tàu chiến KD Pendekar dài 43,6 m, được trang bị pháo chính Bofors 57 mm, pháo phụ 40 mm và tên lửa chống hạm Exocet.
Vào thời điểm xảy ra sự cố, tàu KD Pendekar đang thực hiện nhiệm vụ tác chiến. Hải quân Malaysia đã ghi nhận hành động nhanh chóng của cộng đồng hàng hải, nhờ đó 39 thành viên thuỷ thủ đoàn đã được cứu kịp thời trước khi tàu chìm hẳn.
"Các nỗ lực trục vớt tàu vẫn đang được tiến hành với hy vọng điều tra rõ hơn về nguyên nhân sự cố" – Hải quân Hoàng gia Malaysia cho biết.
Sự cố tàu chiến KD Pendekar phản ánh những thách thức mà Hải quân Malaysia đang phải đối mặt do vận hành các tàu cũ, đồng thời còn nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác bảo trì và quản lý rủi ro trong hoạt động hải quân.