Đáng sợ thế này, U22 VN còn muốn vô địch SEA Games?

Bảo Anh |

Chiếc HCV môn bóng đá nam của SEA Games có thực sự xứng đáng để chúng ta phải giành lấy bằng mọi giá hay không?

Qua hàng thập kỷ tham dự, Việt Nam toàn vồ hụt ngôi vô địch nên hàng chục triệu người vẫn cực kỳ háo hức chào đón SEA Games. Lần này "cơn sốt vàng" cũng chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm.

Trong sức hút ma mị của tấm HCV bóng đá nam tại ngày hội thể thao khu vực ĐNÁ, dường như người ta quên hết những sân golf với chổi đót. Người ta cũng chẳng nhớ gì đến thực phẩm bẩn lẫn tình trạng bệnh viện luôn thiếu chỗ để bác sỹ len vào cúi chào bệnh nhân.

Nhờ cú hích của SEA Games, báo giới vốn đang bị Facebook đè sấp đè ngửa bỗng tăng view chóng mặt. Các chuyên gia, nhà phân tích đang rảnh rỗi ngồi đánh cờ online bỗng nhận được vô khối lời mời lên truyền hình thể hiện tầm tư duy.

Trong không khí tưng bừng trước giờ G, các cầu thủ được hứa thưởng to nên hào hứng như sắp đến giờ so kết quả Vietlott.

Sau khi lớn giọng tuyên bố thưởng tỷ này tỷ kia, các vị Mạnh Thường Quân thủng thẳng lên giường đánh một giấc đẫy. Họ cứ "nổ" thoải mái để lấy tiếng thơm, đánh bóng tên tuổi mà vẫn yên tâm đè chặt tay lên ví.

Đáng sợ thế này, U22 VN còn muốn vô địch SEA Games? - Ảnh 1.

Đáng sợ như thế, liệu các quan chức VFF và cầu thủ có còn muốn vô địch SEA Games?

Vì như lịch sử đã chứng minh, Việt Nam không "có cửa" ăn vàng SEA Games ở môn bóng đá nam. Tóm lại, mọi thứ luôn vô cùng tốt đẹp kể từ lúc sắp có SEA Games cho đến khi Việt Nam lại... thua Thái.

Nhưng "nói gở" tí xíu, ngộ nhỡ Công Phượng và các đồng đội thắng SEA Games, tất cả có nguy cơ hóa thành đại thảm họa.

Viện cớ ăn mừng chiến thắng lịch sử, thanh niên lêu lổng sẽ tổ chức đua xe xuyên đêm. Người dân sống ở mặt đường và lực lượng giữ gìn trật tự sẽ không được ngủ, rất dễ đổ bệnh.

Bên cạnh hiệu ứng xấu về mặt xã hội, bóng đá Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Sau một giải đấu thành công, những Văn Thanh với Công Phượng sẽ ra nước ngoài rốt ráo như hội quán quân đường lên đỉnh Olympia.

V-League vốn dĩ đã chán lại càng chán hơn!

Về phần VFF, không vô địch SEA Games còn lành. Như thế sẽ thoát được "cái lão" Đoàn Nguyên Đức lắm chuyện, suốt ngày đòi cải tổ. Vô địch một cái thôi là chắc chắn lại bị dư luận gây sức ép phải nhắm đến mục tiêu cao hơn, cụ thể là giành vé dự World Cup. Mệt mỏi lắm!

Đáng sợ thế này, U22 VN còn muốn vô địch SEA Games? - Ảnh 2.

Bao năm qua, chức vô địch SEA Games vẫn là giấc mơ của bóng đá Việt Nam.

Cơ mà các vị quan chức VFF cứ bình tâm. Con đường tới ngôi vị quán quân SEA Games đến tấm vé World Cup chênh vênh, chóng mặt như đường tàu điện trên cao chứ chẳng êm ái như đường xe buýt BRT đâu. Và nhìn xa hơn, con đường từ vàng SEA Games đến vé World Cup cũng chẳng cong mềm mại như đường Trường Chinh ở Hà Nội.

Thái Lan vô địch SEA Games cả chục lần rồi, thế mà giờ muốn dự VCK giải VĐ châu Á còn khó, đừng nói là đặt chân lên ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Cầu thủ và HLV của Thái bây giờ đang mắc kẹt trong một cái vòng luẩn quẩn không lối thoát: thắng SEA Games thì chẳng thấy vui, thua thì bị xã hội ném đá tới tấp.

Cao không tới, thấp không thông. Mức xà SEA Games đã nhảy qua, giấc mơ dự World Cup chẳng thể với tới. Thấy thật thương Thái.

Mà không riêng Thái, quá khứ bảo rằng một làng cầu lẹt đẹt không nên gây chuyện động trời. Cứ nhìn tấm gương Hy Lạp và Đan Mạch là thấy tác hại của hành động "đũa mốc chòi mâm son".

Sau các chức vô địch EURO mà những kẻ ghen tỵ bảo là thậm thụt như đi... trộm chó, hai nền bóng đá này ngã sấp mặt liền do bị cả châu Âu "vây đánh hội đồng".

Với bấy nhiêu mối đe dọa tiềm ẩn, thầy trò HLV Hữu Thắng mà vẫn ẵm được vàng SEA Games thì giang hồ quả thực rất ngưỡng mộ.

Bài viết thể hiện góc nhìn vui vẻ và hài hước của tác giả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại