Đằng sau việc NATO mở lại căn cứ không quân thời Liên Xô ở Albania

Vũ Thanh |

Albania, nước đang tiếp tục hiện đại hóa lực lượng quân sự, đã mở lại căn cứ không quân thời Liên Xô cho NATO.

Đằng sau việc NATO mở lại căn cứ không quân thời Liên Xô ở Albania- Ảnh 1.

Albania tiếp tục hiện đại hóa lực lượng quân sự bằng cách cải tạo căn cứ Kucova. Ảnh: NATO.int

Albania, thành viên NATO, không có máy bay chiến đấu riêng, mới đây đã mở một căn cứ không quân thời Liên Xô được xây dựng lại để phục vụ máy bay NATO trong bối cảnh lo ngại gia tăng từ Nga, hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng Edi Rama cho biết.

Thủ tướng Rama nêu rõ: “Đây là căn cứ (sẽ bổ sung) một yếu tố an ninh khác cho khu vực Tây Balkan mà tất cả đều biết rằng khu vực này đang gặp nguy hiểm”. Hai máy bay chiến đấu bay từ căn cứ không quân Aviano của NATO ở Italy đã hạ cánh xuống Kucova để đánh dấu việc mở lại sân bay.

NATO đã chi hơn 50 triệu euro (54,26 triệu USD) cho căn cứ không quân Kucova để tăng cường sự hiện diện trong khu vực. Không phận ở khu vực Adriatic của Albania, giáp Hy Lạp ở phía Nam và Montenegro ở phía Bắc, được bảo vệ bởi Italy và Hy Lạp.

Căn cứ không quân Kuçova mới được mở lại cách thủ đô Tirana 80 km về phía Nam. Được xây dựng dưới thời Liên Xô, nơi từng được gọi là "Thành phố của Stalin" sẽ trở thành căn cứ không quân chiến thuật cho lực lượng NATO. Kuçova sẽ hỗ trợ hậu cần, hoạt động trên không, huấn luyện và tập trận của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu.

Thành công của Albania

Theo nhận định của Viện Phân tích Quan hệ Quốc tế (IARI) có trụ sở tại Italy, việc mở lại căn cứ không quân trên ở quốc gia Balkan nhỏ bé này cho thấy vai trò của Albania trong thế giới phương Tây và nhắc lại sự ủng hộ của Tirana đối với các hoạt động của NATO.

Được Albania coi là ưu tiên hàng đầu, việc cải tạo căn cứ ở Kuçova bắt đầu vào năm 2019. Năm 2022, với việc ban hành Chỉ thị Quốc phòng Albania, căn cứ không quân chiến thuật này đã được đưa vào chiến lược của NATO nhằm ngăn chặn Trung Quốc và Nga ở khu vực Balkan; một khu vực mà theo Bộ Quốc phòng Albania rất nhạy cảm với các mối đe dọa truyền thống và phi truyền thống.

Là thành viên NATO từ năm 2009, Albania đã tham gia nhiều nhiệm vụ liên minh quân sự này, trong đó có một nhiệm vụ ở Afghanistan. Đóng góp lớn nhất của Albania là ở Kosovo khi tham gia tích cực  thông qua hỗ trợ quân sự và hậu cần cho KFOR (lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế ở Kosovo do NATO lãnh đạo). Do có sự gần gũi về mặt ngôn ngữ và dân tộc với Kosovo, vai trò của Albania trong liên minh khá nổi bật, đặc biệt là trong quan hệ căng thẳng giữa Kosovo và Serbia.

Ngoài các quan chức cấp cao của Albinia, đại diện của hai đồng minh quan trọng với nước này là Italy và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có mặt tại sự kiện ở cấp Bộ trưởng Quốc phòng.

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto nhắc lại mối quan hệ bền chặt giữa hai nước và vai trò của Italy trong việc bồi dưỡng cũng như huấn luận lực lượng vũ trang Albania thông qua các cuộc tập trận chung. Không phải ngẫu nhiên mà những chiếc máy bay đầu tiên hạ cánh trên đường băng của căn cứ không quân Kuçova lại là hai máy bay chiến đấu của Italy cất cánh từ Aviano.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cũng có mặt tại căn cứ do việc triển khai máy bay không người lái Bayraktar trước đó vài ngày. Đây là là kết quả của thỏa thuận được ký kết giữa hai nước vào năm 2022.

Rome và Ankara khẳng định mình là hai bên quan tâm nhất đến việc hợp tác với Albania, đặc biệt là từ quan điểm quân sự.

Diễn biến tiếp theo

Bước tiếp theo trong quá trình hiện đại hóa quân sự của Albania sẽ diễn ra với việc xây dựng căn cứ hải quân ở Porto-Romano. Một lần nữa, cơ sở hạ tầng ở đó sẽ được tài trợ bởi Quỹ NATO và sẽ được phân bổ cho các thành viên của liên minh.

Thứ hai, việc mở rộng lực lượng không quân Albania sẽ tiếp tục với thỏa thuận mua máy bay trực thăng Black Hawk và chế tạo hai máy bay trực thăng Cougar AS532 sắp được hoàn thành.

Cả hai dự án đều mang đến cơ hội cho ngành công nghiệp quốc phòng Italy với khả năng cung cấp cho đồng minh. Tuy nhiên, Rome sẽ phải cạnh tranh ảnh hưởng trong lĩnh vực phòng thủ của Albania với Ankara.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại