Sáng kiến đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối của các nhà lãnh đạo Palestine và đi ngược lại tầm nhìn của Mỹ đối với vùng đất bị chiến tranh tàn phá này.
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Benjamin Netanyahu đưa ra cách tiếp cận chính thức về tương lai dải Gaza hậu xung đột, trong đó một lần nữa nhấn mạnh mục tiêu trong ngắn và trung hạn là tiêu diệt hoàn toàn lực lượng Hamas, phi quân sự và phi cực đoan hoá dải Gaza. Kế hoạch cũng cho phép quân đội Israel tự do hành động trên khắp dải Gaza nhằm ngăn chặn mọi mối đe doạ an ninh và yêu cầu thiết lập một vùng đệm bên trong vùng lãnh thổ Palestine bất chấp điều này có thể “xung đột” với lập trường của Mỹ.
Về dài hạn, Thủ tướng Benjamin Netanyahu bác bỏ việc "đơn phương công nhận" nhà nước Palestine . Ông nhấn mạnh, một thỏa thuận với người Palestine sẽ chỉ đạt được thông qua đàm phán trực tiếp giữa hai bên. Một điểm quan trọng nữa của kế hoạch là việc giải tán cơ quan Liên Hợp Quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA) và thay thế cơ quan này bằng các nhóm viện trợ quốc tế khác.
Chính quyền Palestine ngay lập tức bác bỏ sáng kiến. Theo Người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, ông Nabil Abu Rudeineh, đề xuất của Thủ tướng Netanyahu chắc chắn sẽ thất bại, tương tự mọi nỗ lực trước đó nhằm thay đổi thực tế địa lý và nhân khẩu học ở Gaza. Quan chức này đồng thời cho rằng, nếu thực sự quan tâm đến thiết lập an ninh và ổn định trong khu vực, thế giới phải chấm dứt việc Israel chiếm đóng đất của người Palestine và công nhận một nhà nước Palestine độc lập với Jerusalem là thủ đô.
Mỹ chưa có phản ứng chính thức đối với đề xuất của Israel. Tuy nhiên, những bất đồng sâu sắc về tương lai của Gaza đã dẫn đến xung đột ngày càng công khai giữa hai đồng minh thân thiết. Chính quyền Tổng thống Joe Biden tìm kiếm sự quản lý cuối cùng của người Palestine ở Gaza và Bờ Tây như một bước quan trọng hướng đến Nhà nước Palestine trong tương lai.
Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm qua tuyên bố việc Israel mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây bị chiếm đóng không phù hợp với luật pháp quốc tế. Động thái này báo hiệu xu hướng quay trở lại chính sách lâu dài của Mỹ trong vấn đề Israel - Palestine, vốn bị đảo ngược dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump:
“Mỹ thất vọng trước thông báo của Israel về việc tiếp tục xây dựng các khu định cư. Chính sách lâu nay của Mỹ dưới thời các chính quyền của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều cho rằng các khu định cư mới sẽ phản tác dụng trong việc đạt được một nền hòa bình lâu dài. Chúng cũng không phù hợp với luật pháp quốc tế. Chính quyền của chúng tôi kiên quyết phản đối việc mở rộng khu định cư”.
Trong lúc này, các nhà đám phán đang chạy đua với thời gian để thúc đẩy một thoả thuận ngừng bắn và thả con tin giữa Israel và Hamas. Áp lực về thời gian ngày một lớn khi tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo đang tới gần. Chính phủ Israel đã cảnh báo, nếu không đạt được thoả thuận, nước này sẽ mở rộng chiến dịch tấn công trên bộ vào Rafah, phía Nam dải Gaza và giáp biên giới Ai Cập ngay trong tháng lễ Ramadan bắt đầu vào giữa tháng 3 tới.