*Nhà báo Kanika Gupta đã thuật lại câu chuyện về một gia đình nghiện thuốc phiện ở Afghanistan nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ hé lộ những điều chưa kể về thảm kịch thuốc phiện ở quốc gia Nam Á này. Tên của các nhân vật đã được thay đổi vì lý do an toàn.
Vào giữa mùa đông tháng 2/2022, tôi gặp Marwa lần đầu tiên - một người phụ nữ 38 tuổi nghiện thuốc phiện đang ngồi cuộn mình trong chăn tại trung tâm cai nghiện ở Kabul cùng 2 con của cô. Mina, 2 tuổi chỉ vừa thức dậy và đang quằn quại trong cơn đau, nhấc đầu lên nhìn những vị khách mới tới.
Cô con gái còn lại của Marwa là Zahra - 15 tuổi đang ngồi ở một góc giường. Lúc đầu tôi tưởng cô bé là một chàng trai bởi bộ đồ mà cô bé đang mặc. Mẹ của cô bé nói rằng mặc đồ giống như con trai giúp cô bé dễ dàng mua thuốc phiện hơn. Zahra mặc bộ đồ này khi cô bé được một đội công tác của bệnh viện đón từ dưới cầu Pul-e-Sukhta ở phía Tây Kabul - nơi tập trung của những người mua bán ma túy.
Không gian dưới cầu Pul-e-Sukhta, một điểm nóng mua bán ma túy. Ảnh: Ahmad Naweed Ahmadzai
Bác sĩ Shaista Hakeem - Giám đốc Trung tâm Điều trị Cai nghiện Quốc gia cho Phụ nữ và Trẻ em ở Kabul đã giới thiệu cho tôi các bệnh nhân của bà và nói rằng gia đình trên đã ở bệnh viện hơn 1 tuần. Họ đang tìm kiếm một liệu trình cai nghiện - bao gồm 15 ngày dùng thuốc và 15 ngày rèn luyện kỹ năng. Đó là một thử thách, đặc biệt với trẻ em, bác sĩ Hakeem nói.
Marwa dùng thuốc phiện và heroin trong khoảng 10 năm và khiến đứa con nhỏ nhất của cô - Mina cũng bị nghiện thuốc phiện qua đường sữa mẹ. Mina vẫn phải dựa vào thuốc phiện hàng ngày để ngủ. Bác sĩ Hakeem giải thích, việc sử dụng chất này không còn là bí mật trong gia đình Marwa. Tất cả họ đều hút thuốc cùng nhau.
Marwa và cô con gái nhỏ nhất - Mina trong ngôi nhà của mình ở Kabul vào tháng 11/2022. Ảnh: Ahmad Naweed Ahmadzai
Đây là lần thứ hai Marwa thử cai nghiện. Lần gần đây nhất ở đây, cô đã cố gắng chạy trốn và nhảy ra khỏi tầng 2 của tòa nhà.
“Lần đầu được đưa tới đây, tôi không đến một cách tự nguyện", Marwa nói. Cô được tìm thấy dưới chân cầu Pul-e-Sukhta khi đang mua heroin.
"Tôi không thể đối mặt với sự đau đớn, nôn mửa và tình trạng bứt rứt không yên, vì thế tôi muốn chạy trốn. Nhưng họ đã bắt được tôi và đưa tôi quay trở lại. Tôi đã được tư vấn và quyết định quay về với các con để chấm dứt cơn nghiện", cô nói.
Cuộc chiến chống lại cơn nghiện của Marwa chỉ là một phần nhỏ trong câu chuyện còn nhiều điều được tiết lộ phía sau.
Thảm kịch thuốc phiện ở Afghanistan
Ngày nay, sau hàng thập kỷ nội chiến, Afghanistan là một trong những nước có nhiều người nghiện thuốc phiện nhiều nhất thế giới với việc lạm dụng chất gây nghiện đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sức khỏe của nhiều người dân nước này. Những cánh đồng hoa anh túc nằm trong thung lũng bao quanh bởi những ngọn núi cao của Afghanistan cung cấp 80% lượng thuốc phiện của thế giới.
Tuy nhiên, thảm kịch lại đang xảy ra trên chính đất nước này. Liên Hợp Quốc ước tính, người sử dụng thuốc ở Afghanistan đã tăng gần 10 lần từ giữa năm 2005 - 2015, từ 200.000 lên gần 2 triệu. Theo những con số gần đây nhất từ Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC), vào năm 2015, số người trưởng thành sử dụng ma túy ở Afghanistan đã ở mức từ 1,9 - 2,4 triệu người, tương đương với 12,6% người trưởng thành của nước này và hơn gấp đôi tỷ lệ sử dụng ma túy trung bình trên toàn cầu là 5,2% vào năm đó.
Những người phụ nữ như Marwa cùng gia đình của cô là minh chứng cho sự gia tăng nhanh chóng những người nghiện ma túy ở Afghanistan. Theo nghiên cứu gần đây nhất của Liên Hợp Quốc vào năm 2015, tỷ lệ phụ nữ nghiện ma túy tăng từ 3% năm 2009 lên 9,5% năm 2015. Ngoài ra, 9,2% trẻ em 14 tuổi dương tính với ma túy và có thể là những người chủ động sử dụng ma túy.
Marwa đã chia sẻ về việc cô truyền cơn nghiện sang Mina: "Khi Mina ra đời, tôi nghĩ tôi đã truyền cơn nghiện sang con bé bởi vì lúc nào nó cũng quấy khóc và đau đớn. Một hôm, tôi cho con bé một lượng nhỏ thuốc phiện và nó ngoan hơn". Marwa tiết lộ rằng cô vẫn dùng heroin trong suốt giai đoạn mang thai và cho con bú.
Kết hôn ở tuổi 20, Marwa chuyển từ một vùng quê tới Kabul cùng chồng. Cô nhớ lại, trước khi nghiện ma túy, cuộc sống của họ khá ổn.
"Chúng tôi có đồ ăn, có bạn bè và gia đình. Chúng tôi đi du lịch, dự đám cưới và những buổi gặp mặt gia đình. Nhưng giờ thì mọi thứ đã bị phá hủy".
Cơn nghiện của Marwa bắt đầu khi chồng cô đưa cho cô dùng một ít heroin mà anh ta có thể dễ dàng kiếm được và sử dụng thường xuyên. Sau khi chồng cô mất việc và chính phủ Afghanistan do phương Tây hậu thuẫn sụp đổ, gia đình cô rơi vào đói nghèo nghiêm trọng.
"Chúng tôi dùng tất cả tiền mà mình kiếm được để mua thuốc. Khi con cái tôi đòi đồ ăn, tôi đưa cho chúng nước và bánh mì. Chúng tôi lúc nào cũng đói".
"Một ngày, tất cả con tôi đều nghiện. Rất khó để xoay xở tài chính sau việc đó. Chúng tôi chưa bao giờ có đủ tiền để cho lũ trẻ ăn cũng như đáp ứng những cơn nghiện của mình".
Số lượng người nghiện ở Afghanistan gia tăng cho thấy thuốc phiện và heroin có tác động mạnh mẽ thế nào đến các gia đình.
Zahra - con gái lớn của Marwa chỉ 11 tuổi khi cha cô bé đưa cho cô dùng thử heroin.
"Bố mẹ cháu hút thuốc trong phòng kín thậm chí cả khi chúng cháu cũng có mặt đó. Cháu nghĩ mình bị ảnh hưởng bởi khói thuốc. Một hôm cháu cảm thấy rất đau đớn và bố đã đưa cho cháu một ít heroin. Cháu thấy khá hơn. Vì thế, mỗi lần đau đớn, cháu đều sử dụng heroin cùng bố mẹ".
Nỗ lực xóa sổ thuốc phiện không dễ dàng
Sau khi Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan năm 1989, chính phủ sụp đổ năm 1992 và sự nổi lên của các lãnh chúa khắp đất nước, hoạt động sản xuất và trồng thuốc phiện đã phát triển mạnh. Việc này chỉ giảm sau một chiến dịch của Taliban vào năm 1999. Từ 1999 - 2000, 1 năm trước khi Mỹ tiến hành chiến dịch quân sự ở Afghanistan, Taliban đã xóa sổ phần lớn việc trồng thuốc phiện. Vào năm 2001, việc trồng thuốc phiện đã giảm 91% so với thời kỳ đỉnh điểm năm 1999.
Cánh đồng hoa anh túc ở Kandahar. Ảnh: Kanika Gupta
Tuy nhiên, việc tách rời nền kinh tế Afghanistan với thuốc phiện cũng khó khăn như việc cai nghiện.
Với việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan năm 2021 và lệnh trừng phạt của phương Tây áp lên chính quyền Taliban, tình hình kinh tế ở nước này ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Các nhà tài trợ quốc tế đã hạn chế hỗ trợ Afghanistan do Taliban cấm nữ giới đến trường. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân Afghanistan. Theo một báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), số người sống dưới mức nghèo đã tăng lên 34 triệu vào cuối năm 2022 so với con số 19 triệu năm 2020. Báo cáo này cũng cho biết, thậm chí nếu Liên Hợp Quốc thành công trong việc kêu gọi khoản hỗ trợ quốc tế lên tới 4,6 tỷ USD vào năm nay thì điều đó vẫn không thể đáp ứng những gì cần thiết nhằm cải thiện các điều kiện cho hàng triệu người Afghanistan.
Nhiều người dân nghèo Afghanistan không còn lựa chọn nào ngoại trừ việc dựa vào buôn bán thuốc phiện. Sau khi kiểm soát Kabul năm 2021, Taliban thực hiện lệnh cấm hoàn toàn việc buôn bán và trồng tất cả các loại ma túy. Những người vi phạm sẽ bị phá hủy các cánh đồng trồng ma túy và chịu phạt theo luật Hồi giáo.
Nhà nghiên cứu độc lập David Mansfield đã gọi chiến dịch xóa sổ cây anh túc của Taliban là "thành công đáng kể". Tại Helmand, tỉnh sản xuất thuốc phiện lớn nhất Afghanistan, việc trồng cây anh túc đã giảm mạnh xuống 7,4 km vuông vào tháng 4/2023 so với con số 1.290km vuông năm 2022. Tương tự, tại Nangarhar, việc trồng thuốc phiện cũng giảm xuống còn 8,65km vuông so với con số 70km vuông năm 2022.
Tuy nhiên, những nỗ lực xóa sổ việc trồng thuốc phiện đã để lại nhiều bài học cho Taliban. Bất chấp những biện pháp quyết liệt của Taliban trong việc xóa sổ cây anh túc trong lệnh cấm được áp dụng lần đầu vào những năm 1990, mọi người bắt đầu trồng lại thuốc phiện vào 1 năm rưỡi sau đó do tình trạng đói nghèo và việc trồng anh túc là cách duy nhất để kiếm tiền nhanh chóng trước khi các khoản cứu trợ quốc tế đến nơi.
Kể từ khi chính quyền Afghanistan do Mỹ ủng hộ sụp đổ , nước này đã mất đi nhiều bác sĩ, y tá, nhân viên xã hội và các chuyên gia do làn sóng di cư. Việc hạn chế các khoản cứu trợ nhân đạo cũng gây khó khăn trong việc cung cấp phương pháp điều trị phù hợp cho những bệnh nhân như Marwa. Hiện Afghanistan cũng đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và thuốc men nghiêm trọng.
Không còn khói thuốc
Bác sĩ Hakeem đến từ Kabul nói rằng việc điều trị cho Marwa và gia đình cô không dễ dàng nhưng sau 4 lần được đưa vào trung tâm điều trị, gia đình cô đã cai được thuốc.
Khi nhìn thấy Mina qua video, tôi thấy cô bé đã khá hơn nhiều so với đứa trẻ 2 tuổi tôi gặp năm ngoái. Marwa nói rằng cô và gia đình đã cai thuốc được 3 tháng. Tuy nhiên, một vài giây sau cô nói rằng: "Tôi đã không hút sheesha hoặc heroin 10 ngày", song thừa nhận cô đã tái phát một vài lần và thường phải đưa những đứa trẻ ra ngoài để hút thuốc một mình.
Mina giờ đã 3 tuổi, hầu như không nhớ các phương pháp cai nghiện đau đớn mà cô bé trải qua tại bệnh viện nhưng mẹ cô bé thì nhỡ rõ những ngày đó và gọi chúng là hỗn loạn và đau đớn.
"Những ngày không có thuốc, tất cả chúng tôi đều đau đớn và da dẻ tái mét. Điều đó khiến tôi buộc phải chấp nhận để bản thân và con cái mình tới bệnh viện điều trị", Marwa cho hay.
"Giờ thì tất cả các con của tôi đều đã cai nghiện được. Chúng tôi không còn khói thuốc trong nhà".
Những đứa trẻ của Marwa không còn phụ thuộc vào thuốc phiện và không còn phải chịu những cơn đau.
Zahra, cô bé trong bộ đồ con trai ngày nào nay đã khỏe mạnh và vui vẻ hơn. Cô bé khao khát được tới trường.
"Cháu không còn cảm thấy cần thuốc nhưng cháu rất muốn được tới trường", Zahra nói./.