Đằng sau sự biến mất bí hiểm của tỷ phú công nghệ Trung Quốc nổi tiếng một thời

Trung Mến |

Nếu ông tiếp tục còn cạnh tranh trong làng công nghệ Trung Quốc đến hiện tại, không chắc ngôi vương của làng công nghệ Trung Quốc đã thuộc về Jack Ma của Alibaba.

Khoảng hơn 10 năm trước đây, công ty Internet lớn nhất Trung Quốc không phải là Alibaba hay Tencent mà là công ty chuyên phát triển trò chơi Shanda Interactive Entertainment Ltd. Nhà sáng lập Chen Tianqiao đã trở thành tỷ phú USD khi tuổi đời mới chỉ 30.

Trong suốt hơn 1 thập kỷ, Chen nổi tiếng hơn rất nhiều so với Jack Ma nhưng sau đó ông biến mất hoàn toàn khỏi công chúng. Ông rời khỏi Trung Quốc và hủy niêm yết cổ phiếu của công ty trên sàn Nasdaq vào năm 2012.

Sau nhiều năm vắng mặt, cuối cùng ông Chen đã trở lại. Năm nay đã 44 tuổi, ông đang sống tại Singapore với nhiều kế hoạch hành động sắp tới.

Khi phóng viên Bloomberg đến thăm văn phòng tại Singapore, ông giải thích về lý do ông nhường lại thị trường Trung Quốc cho Alibaba và Tencent. Nhà sáng lập của Alibaba và Tencent hiện đang giàu nhất Trung Quốc.

Ông cho biết trước đây khi ở độ tuổi 30, ông phải đối diện với nhiều áp lực, sức ép cạnh tranh tăng cao, chính sách quản lý từ phía chính phủ ngày một chặt chẽ khiến ông cảm thấy quá mệt mỏi, cuối cùng ông quyết định ra đi.

“Mỗi buổi tối khi nhìn mặt trời lặn, tôi đã từng lo sợ tôi sẽ chẳng bao giờ thức dậy được”, ông Chen kể lại.

Ông quyết định chuyển hướng đầu tư sang nghiên cứu về não người. Với tổng tài sản 2,4 tỷ USD, ông để riêng 1 tỷ USD cho kế hoạch của mình.

Trong đó phải kể đến khoản tiền 115 triệu USD mà vợ chồng ông Chen đã quyên góp cho Viện công nghệ California để thành lập Viện nghiên cứu về thần kinh Tianqiao và Chrissy Chen. Số tiền còn lại được dùng để hỗ trợ nghiên cứu cho các nhà khoa học trẻ và thành lập đại học mang tên ông ở Mỹ.

Ông Chen quan niệm đã đến lúc tìm cách đưa các học giả, nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực, từ nghiên cứu về thần kinh cho đến sinh học, tâm lý để nghiên cứu về tâm lý và thần học đến gặp nhau và khuyến khích họ làm việc với nhau.

Ông khẳng định sau nhiều thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ để cải thiện chất lượng cuộc sống vật chất của con người, giờ là khi con người cần phải nỗ lực để cải thiện cuộc sống tinh thần.

Chia sẻ về mục đích của tham vọng muốn thành lập trường đại học riêng, ông nói: “Các nghiên cứu của trường đại học sẽ giúp giải thích cho câu hỏi 'Chúng ta là ai, chúng ta từ đâu đến'. Đã nhiều năm qua, chúng ta đã trở nên hạnh phúc hơn bằng cách cải thiện thế giới vật chất, giờ đã đến lúc đi sâu nghiên cứu vào thế giới tinh thần của con người.”

Ông Chen sinh năm 1973 tại tỉnh Chiết Giang, phía Nam thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Ông lớn lên trong thời kỳ Trung Quốc đang ngày một cởi mở hơn với thế giới tư bản trong thời kỳ hậu Cách mạng Văn hóa.

Ông tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế đại học Fudan. Ông gặp vợ mình khi cả hai đang cùng làm việc tại một công ty chứng khoán. 6 tháng sau đó họ cưới nhau và nhanh chóng thành lập ra công ty Shanda vào năm 1999.

Ở thời điểm đó, nhiều doanh nhân công nghệ Trung Quốc cố gắng tạo ra nhiều trang danh mục thông tin kiểu như Yahoo, tuy nhiên, vị doanh nhân 26 tuổi lại có hướng đi của riêng mình: Ông sáng lập ra một công ty trò chơi với tổng số tiền cá nhân và vay mượn của người thân quen ước khoảng 60.000USD.

Thành công đầu tiên của công ty do ông thành lập có được khi công ty giành được quyền phân phối trò chơi Legend of Mir II của Hàn Quốc. Doanh thu của công ty tăng đột biến và giúp Shanda có đủ tiền phát triển các trò chơi tốn kém, trong đó có World of Legend.

Sự yêu thích của người Trung Quốc với trò chơi điện tử cũng như sự phát triển bùng nổ của các quán cafe Internet tại Trung Quốc đã giúp cho lợi nhuận của Shanda tăng gấp đôi chỉ sau 1 năm. Tháng Năm năm 2014, công ty huy động được 152 triệu USD trong đợt IPO trên sàn Nasdaq.

Khi công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq, công việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn. Cổ phiếu của công ty tăng trong năm đầu tiên, sau đó giảm khi hoạt động kinh doanh gặp nhiều rắc rối.

Ông Chen quyết định đa dạng công việc kinh doanh, tuyên bố ông muốn trở thành Disney của Trung Quốc, tập trung mạnh hơn đầu tư vào mảng game, doanh thu tăng trở lại.

Năm 2009, công ty Shanda Game của ông được tách riêng khỏi tập đoàn Shanda và thực hiện đợt IPO trị giá 1 tỷ USD trên sàn Mỹ - vụ IPO có giá trị lớn nhất Mỹ năm 2009.

Bản thân ông Chen gặp không ít vấn đề về sức khỏe. Năm 2004, khi đang bay chuyến bay từ Thượng Hải đi Bắc Kinh, ông cảm thấy lồng ngực đau nhức.

Khi vào viện, bác sỹ trả lời ông bị hoảng sợ quá mức. Ở thời điểm đó, ông đã từng nghĩ mình sẽ không tiếp tục làm kinh doanh nữa nhưng rồi sau khi điều trị, ông lại trở lại làm việc.

Khi tham vọng lớn hơn, ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang mảng giải trí. Ông ngừng hợp tác với Intel và Microsoft để tạo ra một ứng dụng cho phép người dùng xem tivi trực tuyến, chơi trò chơi của Shanda, mua nhạc và phim trực tuyến.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc không chấp thuận cho kế hoạch kinh doanh này bởi họ muốn nắm toàn quyền kiểm soát các hoạt động truyền hình.

Sau đó năm năm, thêm một lần nữa ông Chen lại đau tim, lần này ông đau nặng hơn lần trước. Lần này, tinh thần ông suy sụp, ông thậm chí nghĩ mình không còn có thể đi lại được nữa.

Và ông đến Singapore ban đầu chỉ để đi nghỉ. Ông chứng kiến thị trường từng một thời nằm dưới sự thống trị của ông nay đang tuột dần về tay Tencent, Alibaba và Baidu, ông rất muốn trở lại. Nhưng rồi vợ ông bảo với ông ông còn nhiều cơ hội khác chứ không nhất thiết phải đi theo mãi một con đường cũ.

Cuối cùng, vào năm 2010, ông quyết định chuyển hẳn đến Singapore để sinh sống. Họ bán công ty game Shanda, và ông Chen rời khỏi ban quản trị công ty. Họ mất ba năm để nghĩ xem sẽ làm gì tiếp và cuối cùng họ quyết định đầu tư nghiên cứu về não người.

Họ cũng đầu tư nhiều hơn để tìm ra các biện pháp ngăn ngừa và điều trị bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson.

Tập đoàn Shanda đồng thời đầu tư vào hơn 100 công ty công nghệ khác tại Trung Quốc cũng như trên khắp thế giới. Shanda cũng rót tiền vào quỹ ElMindA của Israel chuyên phát triển các công cụ giúp nhận biết khiếm khuyết của não ở từ những giai đoạn đầu.

Ông Chen cũng đã truyền cảm hứng với ngành y học cho hai con gái của mình. Ông cho biết hai con gái 13 tuổi và 8 tuổi của ông giờ luôn nói đến việc sau này sẽ học để trở thành nhà khoa học nghiên cứu về não người.

Khi vươn nhiều hơn ra các thị trường nước ngoài, ảnh hưởng của ông Chen tại Trung Quốc ngày một giảm sút. Nhiều người từng làm việc dưới quyền ông đang nổi lên trong làng công nghệ Trung Quốc.

Nhà sáng lập của Alibaba, Tencent gia nhập nhóm những tỷ phú giàu có nhất Trung Quốc. Tài sản của hai nhà sáng lập này lần lượt khoảng 43,6 tỷ USD và 33,2 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Chen cho biết ông không hề hối hận khi đã ra đi.

Ông đang theo đuổi những mục tiêu mới, những thành công vang dội của độ tuổi 30 chỉ được coi như những kỷ niệm đẹp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại