Xưa nay chuyện cha mẹ bỏ sự nghiệp, gác lại hoài bão của bản thân để chăm lo cho con cái thì nhiều không kể hết, nước mắt chảy xuôi, cha mẹ hy sinh cho con thì nhiều nhưng phận con cái thường bị những bon chen của cuộc sống cuốn đi, cho đến một ngày bất chợt quay lại thì đã chẳng còn nhiều thời gian được cạnh bên bố mẹ.
Nhiều lần tôi suy nghĩ hay là từ bỏ những hào hoa nơi phố thị, rời bỏ những đua chen của công việc để trở về chăm sóc cho bố mẹ nhưng đến nay tôi vẫn chưa từ bỏ giấc mơ riêng của mình.
Gác lại ước mơ về nhà bán bún, chăm mẹ
Tôi ghé quán bún măng bò Bà Dzú vào một buổi chiều mưa rả rích. Cái quán nhỏ xíu trong con hẻm Sài Gòn nhưng luôn rôm rả tiếng nói cười của thực khách. Người ta tìm đến đây đa phần vì tò mò về món ăn độc đáo nghe như được kết hợp từ bún bò và bún măng, mà kiếm cả thành phố chắc chỉ duy nhất chỗ này có bán.
- Chị có phải là...?
- Ừa tao là bà Dzú đây? Tại hồi xưa mỗi lần đi đâu chơi là chuyên thầu mấy chuyện ăn uống ngủ nghỉ cho đám bạn, nên tụi nó gọi vui là bà Dzú.
Quán bún măng bò độc nhất vô nhị ở Sài Gòn.
Chị Bùi Kim Thư cười giòn tan khi tôi tò mò về cái tên quán, vẻ ngoài có phần hơi "dữ" không che lấp đi sự thân thiện của cô chủ quán. Trò chuyện được một lúc thì bên trong nhà có tiếng gọi:
- Thư ơi! Lấy cho mẹ ly nước.
- Dạ con nghe rồi!
Nghe mẹ gọi, chị Thư vội vàng chạy vào trong nhà. Mẹ, là một cơ duyên lớn nhất khiến chị Thư từ bỏ tất cả dự định của bản thân để trở về nhà mở quán bún nhỏ này bán qua ngày. Mấy năm gần đây mẹ của chị tuổi đã cao nên có dấu hiệu bị lẫn, nói trước quên sao, tính tình hay cáu gắt như một đứa trẻ. Nửa năm trước bà vô tình đạp trúng một vật lạ khiến chân bị hoại tử nặng, vết thương đứng trước nguy cơ phải cắt bỏ bàn chân phải.
Chị Thư quyết dành toàn bộ thời gian của mình để chăm sóc cho mẹ.
Thời điểm đó chị Thư vừa từ Mỹ về. Là một chuyên viên makeup chuyên trang điểm cho các nghệ sĩ trong giới showbiz, giỏi kinh doanh, với bao nhiêu hoài bão ấp ủ, chị gác lại tất cả để mở cái quán này, vừa có thu nhập vừa có thể ở gần chăm sóc vết thương cho mẹ.
"Vết thương ngày một ăn sâu vào thịt, bác sĩ cũng lắc đầu. Chị đánh liều làm theo cách của bạn bè chỉ, ai chỉ gì thì làm đó. May mắn sau một thời gian thì vết thương khô dần. Nhưng mẹ bị lẫn, lâu lâu lại đứng dậy đi khiến vết thương bị chảy máu. Thế nên chị phải luôn ở gần để quan sát" - chị Thư tâm sự.
Mỗi ngày chị Thư dậy từ sáng sớm đi chợ nấu bún rồi bán đến tầm 19h thì nghỉ để chăm sóc vết thương cho mẹ. Một tay lo lắng cho gia đình rồi bán buôn, có những hôm mệt đến lả người chỉ uống cà phê cầm hơi chứ không ăn uống gì nổi.
Nhiều lúc chị quên mình cũng là phụ nữ!
"Chị có một hình xăm sau gáy, nó có ý nghĩa gì không?" - Tôi tò mò.
Chị cười bảo: "Ừa, chị xăm chữ Nhẫn. Vì sau khi gặp biến cố chị nghĩ bản thân cần phải trầm tính lại, tập chịu đựng. Trước đây mày gặp chị là thấy khác bây giờ lắm, sành điệu, chịu chơi, ham đi đây đi đó, tao là chân đi mà, ở một chỗ đâu có chịu nổi" - lâu lâu chị vẫn xưng mày tao nghe dân dã mà thiệt tình như chính cá tình mạnh mẽ của chị.
Chị xăm chữ Nhẫn để tự nhắc nhở mình.
Vậy mà giờ phải bó mình trong mấy chục mét vuông ở cái quán nhỏ xíu trong hẻm, ngày ngày bán buôn, nghe mẹ cằn nhằn đôi khi là mắng chửi. "Mẹ bị lẫn mà, giờ như 1 đứa con nít vậy nhiều khi không ý thức được. Bán buôn mệt mỏi nên chị cũng nóng, rồi lớn tiếng mẹ, những lúc đó tự nhiên nước mắt chảy, thấy bất hiếu quá mày à" - chị Thư nói, chị luôn bảo với tôi rằng chị là một đứa con tồi. Nhưng tôi hiểu chị đã luôn cố hết sức để làm tròn bổn phận của mình, ít nhất là trong lúc này.
Chị Thư vốn là người thích tự do, được khám phá đây đó.
- Chị có stress không?
- Mày nhìn chị có tàn tạ không? Nhà thiếu đàn ông nên chuyện gì cũng phải làm, nhiều khi chị quên luôn mình cũng là phụ nữ. Ở nhà có sẵn kem dưỡng da, collagen...chứ có bao giờ đụng vào nữa đâu. Mà kệ đi mày, ráng lo cho mẹ.
Cả ngày quần quật với công việc đôi lúc không còn thời gian cho bản thân mình.
Món bún măng bò vốn là món ăn do dì của người yêu chị Thư truyền dạy. Nôm na nó cũng là chứng nhân cho mối tình 12 năm dở dang của chị và anh người yêu người Pháp. Giờ chị độc thân, anh cũng độc thân nhưng không thể đến với nhau được nữa.
Món bún măng bò độc đáo này cũng là kỷ niệm tình yêu 12 năm sâu đậm của chị Thư.
Chị Thư cười: "Có mấy lần suy nghĩ nhiều quá, chị đã từng nghĩ đến cái chết, mày tin không? Nhưng rồi tụi bạn nó chạy qua chở đi lòng vòng, uống ly cà phê về lại tỉnh lại. Giờ chết thì mình khoẻ, nhưng mẹ ở lại ai lo. Cái gì đến thì mình phải đón nhận thôi".