Bên cạnh "nghề dự event", những người đẹp nổi tiếng như Thanh Hằng, Huyền My, Chi Pu… còn có 1 cách "hái ra tiền" khác, đó là làm đại sứ thương hiệu.
Thế nhưng, không dễ dàng để trở thành 1 "người đẹp thương hiệu". Theo chia sẻ của Á hậu Huyền My, mỗi hợp đồng đại sứ sẽ đi kèm rất nhiều điều khoản khó khăn:
"Mỗi hợp đồng đại sứ thương hiệu thường kéo dài 1 năm. Trong suốt 1 năm đó, tôi sẽ phải giữ gìn hình ảnh một cách nghiêm ngặt, không để xảy ra scandal.
Bởi scandal không chỉ ảnh hưởng tới hình ảnh của bản thân mà còn khiến danh tiếng của nhãn hàng mà tôi đang làm đại sứ thương hiệu bị ảnh hưởng theo.
Á hậu Huyền My.
Với mỗi mặt hàng, chúng tôi chỉ được phép ký hợp đồng đại sứ thương hiệu với duy nhất 1 nhãn hàng mà thôi.
Thậm chí, trong suốt thời gian hợp đồng đại sứ thương hiệu có hiệu lực, tôi sẽ không được phép xuất hiện bên cạnh tên tuổi của những thương hiệu đối thủ.
Có nghĩa là, nếu tôi là đại sứ thương hiệu của 1 hãng xe hơi A, tôi sẽ không được phép ngồi trên 1 chiếc xe của hãng B, hãng C nào khác.
Thêm vào đó, giá trị 1 hợp đồng đại sứ có thể rất lớn, nhưng trách nhiệm của người đại sứ cũng không hề nhỏ.
Chúng tôi sẽ phải tham gia tất cả mọi hoạt động truyền thông của nhãn hàng trong suốt thời gian ký hợp đồng. Tất nhiên, những hoạt động này chúng tôi không được trả thù lao nữa".
Anh Hữu Anh – quản lý của diễn viên Chi Pu cũng xác nhận rằng những quy tắc của hợp đồng đại sứ thương hiệu vô cùng khắt khe:
"Một số thương hiệu khắt khe yêu cầu đại sứ không tham gia các chương trình do thương hiệu đối thủ tài trợ, dù bản thân nghệ sĩ không tương tác gì với thương hiệu đối thủ đó.
Một số thương hiệu khác quy định luôn đại sứ không được mặc trang phục có màu nhận diện của thương hiệu đối thủ.
Do vậy, bản thân nghệ sĩ lẫn ekip đều cần kỹ càng trong việc chọn lựa dự án hợp tác khác để tránh xung đột với thương hiệu mà nghệ sĩ đang là đại sứ.
Chi Pu luôn "nói không" với scandal.
Quan trọng nhất với nghệ sĩ là việc giữ hình ảnh của mình trong suốt thời gian là đại sứ độc quyền, cũng như không tham gia hoặc để hình ảnh liên quan đến bất kỳ thương hiệu đối thủ nào khác.
Một scandal từ trên trời rơi xuống cũng có thể tác động đến quyết định của nhãn hàng trong việc có tiếp tục hợp đồng với nghệ sĩ hay chấm dứt trước thời hạn.
Bên cạnh đó, việc nghệ sĩ vi phạm hợp đồng như tham gia chương trình của đối thủ hoặc để hình ảnh dù vô tình hay cố ý có liên quan đến đối thủ sẽ dẫn đến việc bị chấm dứt hợp đồng và đền bù vi phạm".
Như vậy, hợp đồng đại sứ không chỉ đem lại cho các nghệ sĩ 1 khoản thù lao lớn mà còn rèn luyện cho họ cách làm việc chuyên nghiệp, kỹ lưỡng:
"Chúng tôi quan niệm là đại sứ không phải là việc bạn ký một hợp đồng với giá trị lớn để quảng bá cho sản phẩm, thương hiệu đó mà là việc hai bên bắt tay phát triển hình ảnh đôi bên.
Chính vì vậy, bản thân đại sứ phải yêu và gắn bó với sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu mà họ là gương mặt đại diện".
"Để trở thành đại sứ thương hiệu không hề dễ dàng".
Chính vì thế, mỗi đại sứ thường có sự lựa chọn khá kỹ càng trước khi quyết định ký hợp đồng với 1 nhãn hàng nào đó:
"Trước khi nhận lời làm đại sứ cho sản phẩm nào, tôi sẽ trực tiếp sử dụng sản phẩm đó. Khi thấy nó tốt và phù hợp, tôi mới ký hợp đồng.
Sau đó, tôi sẽ sử dụng sản phẩm đó trong cuộc sống hằng ngày. Đó không chỉ là cách để tôi thực hiện các điều khoản của hợp đồng mà còn đảm bảo rằng mình đang giới thiệu tới công chúng 1 sản phẩm tốt.
Hoàn toàn không có chuyện tôi "lén" sử dụng sản phẩm của 1 nhãn hàng đối thủ. Bởi đó là 1 việc làm không chuyên nghiệp và thiếu tôn trọng đối với nhãn hàng đã hợp tác với mình", Á hậu Huyền My chia sẻ.