Đằng sau khoản nợ khó trả

Di Lâm |

Giá như vợ chồng người em gái không liều lĩnh mượn tiền khi biết không đủ khả năng trả nợ. Giá như người chị thấu hiểu cho em thì dù nghèo, dù khó khăn, giữa họ vẫn giữ được tình thâm.

Mới qua Tết nguyên đán, sân tòa án khá vắng. Bỗng xuất hiện một nhóm người vừa chửi bới lớn tiếng vừa bước vào phòng xử án. Nghe ra thì người bị chửi hôm ấy - bị đơn không xuất hiện ở tòa.

Nỗi bực tức của người chị

Phiên tòa xét xử vụ kiện "Đòi tài sản" vẫn được tiến hành, dù bị đơn vắng mặt. Nguyên đơn T.T.H không giấu thái độ bất mãn, liên tục buông lời nhục mạ vợ chồng người em gái, cũng là bị đơn trong vụ kiện.

Theo lời bà H., cách đây 2 năm, người em rể hỏi vay bà 100 triệu đồng vì nợ nần và cần tiền đầu tư để "gỡ nợ". Thương em gái và các cháu, bà H. rút tiền tiết kiệm chuyển em rể. Nhận tiền, vợ chồng người em gái viết giấy cam kết trả hết 100 triệu đồng trong 6 tháng. 

"Vậy mà từ đó đến nay, vợ chồng nó (bị đơn - PV) không trả một đồng. Đã vậy, cả hai không nói một tiếng khất nợ mà toàn trốn tránh mỗi khi tôi đến nhà đòi tiền" - bà H. bức xúc trình bày.

Đằng sau khoản nợ khó trả - Ảnh 1.

Nguyên đơn và bị đơn đều sinh sống, làm việc ở TP HCM. Sau khi tòa án thông báo lịch xét xử, gia đình bà H. nhanh chóng báo cho họ hàng, người thân, hàng xóm nên hôm ấy có khá nhiều người thân trong gia đình đi cùng bà H. đến dự tòa. 

Nhiều người trong số họ đồng tình với việc khởi kiện đòi nợ của nguyên đơn, trong số họ có những người lớn tiếng chửi bới bị đơn dù tranh chấp này không hề liên quan đến họ.

Trình bày trước tòa, bà H. đề nghị tòa án buộc bị đơn trả khoản nợ gốc kèm tiền lãi (tính theo lãi suất ngân hàng). Sau khi nghị án, HĐXX tuyên bố chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Nghe tòa tuyên xong, bà H. như trút được phần nào cơn giận, cùng người thân hoan hỷ ra về. "Tòa tuyên rồi. Có bản án mà vợ chồng nó vẫn chây ì, không chịu trả nợ, tôi không để yên đâu mà sẽ yêu cầu cơ quan chức năng cưỡng chế tài sản tương đương với số tiền nợ (gốc lẫn lãi)" - bà H. quả quyết.

Đối với cơ quan xét xử, đây là vụ kiện đơn giản so với hàng ngàn tranh chấp dân sự khác nhưng đối với những người trong cuộc, sau bản án là cả câu chuyện dài…

Chuyện sau bản án

Tìm theo địa chỉ cư trú trong hồ sơ vụ án, chúng tôi đến căn nhà gia đình bị đơn trú ngụ. Căn nhà có diện tích sàn vỏn vẹn gần 12 m2, có một gác nhỏ làm chỗ ngủ cho cả gia đình 4 người (vợ chồng bị đơn, hai người con). Tài sản giá trị nhất trong nhà có lẽ là chiếc tivi và máy lạnh đã cũ.

Nghe chúng tôi hỏi chuyện và thông báo diễn biến phiên xử, người em gái cúi đầu, bất lực. "Người ta có xiết nhà thì tôi cũng đành chịu. Mấy năm nay, mẹ con tôi chạy ăn từng bữa, có muốn cũng không biết lấy đâu ra tiền trả nợ" - bị đơn nói.

Bà cho hay để có căn nhà nhỏ xíu xây trên nền đất không có giấy tờ sở hữu này, vợ chồng bà phải chắt bóp nhiều năm lắm mới đủ tiền mua. Bi đát hơn, sau khi mượn tiền của bà H., chồng bà làm ăn thất bát rồi vướng vòng lao lý.

Trong lúc chồng thụ án 7 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", bà và các con phải thay chồng bồi thường, khắc phục hậu quả trong vụ án hình sự của chồng. Dù cố gắng hết sức nhưng đến nay, gia đình bà cũng chỉ mới khắc phục được vài triệu đồng.

Em gái bà H. phân trần: "Hai con tôi nghỉ học đi làm công nhân vẫn không đủ sống. Tôi bệnh hoạn liên miên mà không dám đi bệnh viện. Tiền nợ của chị gái, tôi biết mình phải trả nhưng thực tình không biết bao giờ mới trả nổi. 

Hơn ai hết, chị H. biết rõ hoàn cảnh gia đình tôi. Hôm tòa xử, sợ mọi người chê cười, rẻ rúng, tôi không dám đến tòa án".

Đồng tiền liền khúc ruột. Có vay phải có trả. Đó là lẽ thường tình. Vì vậy, việc bà H. khởi kiện đòi tiền cho vay, nhờ pháp luật bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình cũng là điều bình thường. Chỉ băn khoăn với sự quyết liệt của nguyên đơn, mối quan hệ ruột thịt này không biết sẽ đi đến đâu? Hoàn cảnh hiện tại quá khó khăn, phía thua kiện liệu có thể chấp hành bản án? Nếu bị buộc cưỡng chế tài sản, gia đình bị đơn sẽ về đâu và liệu người thắng kiện có thực sự vui khi em mình thành kẻ không nhà?

Giá như vợ chồng người em gái không liều lĩnh mượn tiền khi biết mình không đủ khả năng trả nợ; hoặc chân thành đến gặp nguyên đơn cầu xin khất nợ, thu xếp trả dần. Giá như người chị bớt nóng nảy, thấu hiểu cho em hơn thì dù nghèo, dù khó khăn, giữa họ vẫn giữ được tình thâm.

Bị đơn liên tục vắng mặt

Chủ tọa phiên tòa giải thích trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp, bị đơn luôn vắng mặt không rõ lý do mỗi khi HĐXX triệu tập đến làm việc, tham gia hòa giải. Sau khi thông báo thời gian mở phiên tòa, bị đơn không đến dự và không có đơn xin vắng mặt nên HĐXX quyết định xét xử vắng mặt bị đơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại