Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiễm Covid-19 là một thông tin gây chấn động truyền thông thế giới. Tuy nhiên, ông chỉ phải nhập viện đúng 3 ngày - từ ngày 3/10 và xuất viện vào cuối ngày 5/10. Và chỉ 1 ngày sau đó, các bác sĩ cho biết ông thậm chí đã hết hoàn toàn triệu chứng bệnh.
Có thể đánh giá, khả năng phục hồi của Tổng thống Trump là thần tốc. Tuy nhiên, cái giá đằng sau khả năng phục hồi này có lẽ cũng không hề nhỏ - theo tờ New York Times ghi nhận.
Cụ thể, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dành 3 ngày ở trong bệnh viện - cụ thể là Trung tâm Quân y Walter Reed. Ông đến và đi bằng trực thăng, được xét nghiệm rất nhiều lần, được thở oxy, truyền steroid, và điều trị bằng một phương pháp kháng virus đang thử nghiệm.
Tổng thống Trump rời chiếc trực thăng Marine One để tới Trung tâm Quân y Walter Reed
Với một người bình thường không phải tổng thống, các ưu tiên đặc biệt trên sẽ ngốn của họ ít nhất là hơn 100.000 USD theo biểu giá của hệ thống chăm sóc sức khỏe Mỹ. Sau khi xuất viện, bệnh nhân gần như chắc chắn sẽ sốc vì hóa đơn viện phí khổng lồ, kể cả khi được bảo hiểm chi trả một phần. Trong đó, chi phí lớn nhất không hẳn đến từ thời gian nằm viện, mà vì những dịch vụ kèm theo như vận chuyển bằng trực thăng và làm xét nghiệm virus corona.
Sau khi trở về Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã ca ngợi chất lượng chăm sóc sức khỏe cực tốt mà ông được nhận tại Trung tâm Quân y Walter Reed, đồng thời động viên nước Mỹ: "Đừng sợ Covid-19. Đừng để nó kiểm soát cuộc đời bạn," - trích trong đoạn tweet của ông vào ngày 5/10.
Nhưng sự thật là trên khắp nước Mỹ, nhiều bệnh nhân sau khi nhiễm virus đã phải vật lộn với những biến chứng về sức khỏe lẫn gánh nặng tài chính sau đó. Nửa triệu người đã phải nhập viện, mỗi lần xét nghiệm có thể tiêu tốn tới hàng ngàn đô. Thậm chí có trường hợp sau khi xuất viện chỉ muốn ngất luôn với khoản viện phí lên tới 400.000 USD.
Tổng thống Trump thì không cần phải lo về những chi phí ấy, bởi nó do chính quyền liên bang chi trả. Nhưng với đa số người Mỹ - bao gồm cả những người có bảo hiểm y tế, họ chắc chắn phải lo về những khoản chi phí mà bản thân không thể đáp ứng.
Chi phí xét nghiệm khổng lồ
Với một số người Mỹ, số tiền viện phí tăng lên đến từ các xét nghiệm cần thiết. Bảo hiểm thường sẽ chi trả cho các xét nghiệm do bác sĩ yêu cầu, nhưng không cần nếu đó là điều kiện của chủ doanh nghiệp.
Tổng thống Trump hồi tháng 6 đã ban hành văn bản hướng dẫn hết sức rõ ràng, trong đó nêu các công ty bảo hiểm không phải chi trả cho các xét nghiệm "dùng để sàng lọc và đảm bảo an toàn cho môi trường làm việc." Với dạng xét nghiệm này, bệnh nhân sẽ phải tự thanh toán.
Một số có thể được xét nghiệm miễn phí tại các điểm xét nghiệm công cộng, hoặc nếu được chủ doanh nghiệp chấp nhận trả. Nhưng số khác lại phải đối mặt với khoản nợ lớn nếu làm xét nghiệm tại bệnh viện hoặc các trung tâm cấp cứu.
Dành cho những ai chưa biết, xét nghiệm Covid-19 có thể tốn rất nhiều tiền. Dù thường chỉ tốn khoảng 100 USD, nhưng như một phòng cấp cứu tại Texas đã từng tính phí lên tới 6480 USD đối với xét nghiệm nhanh trong xe hơi. Với việc có 2,4% các xét nghiệm do công ty bảo hiểm đứng ra bảo lãnh yêu cầu bệnh nhân phải chi trả 1 phần, nghĩa là có rất nhiều xét nghiệm tính tiền cho bệnh nhân.
Marta Bartan - một nhân viên làm tóc tại Brooklyn cần phải có giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19 để có thể quay trở lại làm việc vào mùa hè. Và cô nhận được hóa đơn trị giá gần 1400 USD trong một lần làm xét nghiệm nhanh trong ô tô.
"Tôi đã rất hoang mang," - Bartan cho biết, với thái độ phản đối ra mặt. "Tôi vào để làm xét nghiệm tưởng là miễn phí. Họ tính 1400 USD là vì cái gì chứ?"
Tiếp đến là tiền thuốc
Chi phí cho một bệnh nhân Mỹ điển hình sẽ tiếp tục tăng lên tại bệnh viện, tùy theo quá trình theo dõi và thuốc dùng để điều trị. Remdesivir - loại thuốc điều trị Covid-19 của công ty Gilead sẽ tiêu tốn khoảng 3120 USD khi được mua bởi các công ty bảo hiểm tư nhân, và khoảng hơn 2300 USD nếu mua qua các chương trình cộng đồng.
Tổng thống Donald Trump còn được điều trị bằng kháng thể thử nghiệm từ công ty Regeneron. Ở thời điểm hiện tại, loại thuốc này dành cho những người tham gia thử nghiệm lâm sàng, hoặc theo diện sử dụng khẩn cấp. Và với cả 2 trường hợp thì nó đều là miễn phí. Tuy nhiên điều này chắc chắn sẽ thay đổi sau khi kết thúc thử nghiệm. Nếu thuốc có hiệu quả và được tung ra thị trường, chi phí cũng sẽ lên tới hàng ngàn USD.
Hiện tại, các nhà kinh tế mới chỉ ước tính được tổng chi phí dành cho một bệnh nhân điều trị Covid-19. Theo đó, một bệnh nhân trên 60 tuổi sẽ mất khoảng gần 62.000 USD - theo số liệu từ FAIR Health. Con số này bao gồm mọi chi phí trong thời gian lưu viện, như phí tổn cấp cứu hoặc sử dụng thuốc từ bệnh viện cung cấp.
Đối với các bệnh nhân có bảo hiểm, mức giá này có thể giảm xuống dựa trên mức bảo hiểm mà họ tham gia, nhưng trung bình cũng phải mất trên 30.000 USD, và sẽ khác biệt rất lớn với từng bệnh nhân. Theo số liệu của FAIR Health trên các bệnh nhân ngoài 60 tuổi, 1/4 sẽ phải trả dưới 26.800 USD trong thời gian nhập viện. Nhưng bên cạnh đó, 1/4 lại có viện phí lên tới hơn 193.000 USD, do thời gian lưu viện lâu hơn.
Và đó là trong trường hợp họ có bảo hiểm. Với các bệnh nhân không tham gia bảo hiểm, họ sẽ bị mắc kẹt với những khoản chi phí khổng lồ. Dù chính quyền Tổng thống Trump có đặt ra quỹ hỗ trợ xét nghiệm và điều trị dành cho họ, nhưng trang New York Times ghi nhận nhiều người Mỹ đang phải đối mặt với một hóa đơn hết sức đáng sợ.
Dịch vụ đưa đón bằng trực thăng
Đây chính là yếu tố gây rủi ro tài chính lớn nhất với các bệnh nhân được điều trị như Tổng thống Trump. Trực thăng cấp cứu là một dịch vụ đắt đỏ, và không nằm trong danh sách được chi trả từ phần lớn các công ty bảo hiểm.
Chi phí cho một lần vận chuyển bằng trực thăng cấp cứu sẽ rơi vào khoảng 38.770 USD. Kể cả khi có bảo hiểm, chi phí cũng rơi vào tầm 22.000 USD. Với Tổng thống Trump, ông được vận chuyển 2 chiều, nên sẽ mất khoảng 40.000 USD.