Đằng sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản

Hồng Nhung |

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày mai (13/1) sẽ bắt đầu chuyến thăm Mỹ. Đây được xem là trọng tâm trong hành trình thăm một loạt nước thành viên G7 của Thủ tướng Kishida.

Chuyến thăm Mỹ lần này được kỳ vọng sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản sau khi Nhật Bản vừa công bố chiến lược an ninh mới.

Chuyến thăm Mỹ là điểm cuối trong chuyến công du lần này của Thủ tướng Kishida, song lại là chuyến thăm đầu tiên của ông tới Mỹ kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 10/2021. Trọng tâm của chuyến thăm là cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Kishida với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày mai (13/1).

Theo dự kiến, hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Mỹ sẽ thảo luận về các vấn đề khu vực và toàn cầu như các chương trình hạt nhân của Triều Tiên, cuộc xung đột ở Ukraine, hợp tác trong lĩnh vực chuỗi cung ứng và an ninh kinh tế…

Đằng sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản - Ảnh 1.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters

Cuộc hội đàm chính là cơ hội để hai bên tăng cường hơn nữa sức mạnh của liên minh Nhật - Mỹ, cũng như thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, sau khi Nhật Bản công bố chiến lược an ninh và quốc phòng mới.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm qua (11/1) trước thêm chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản, Thư ký Nhà Trắng Karine Jean Pierre nói:

“Tổng thống Biden mong được chào đón Thủ tướng Kishida của Nhật Bản tới Nhà Trắng để làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa chính phủ, nền kinh tế và người dân hai nước. Trong năm qua, hai nhà lãnh đạo đã hợp tác chặt chẽ để hiện đại hóa liên minh Mỹ - Nhật Bản, mở rộng hợp tác về các vấn đề, từ biến đổi khí hậu đến các công nghệ quan trọng, bao gồm thông qua Nhóm Bộ tứ, và thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Trong cuộc gặp tới đây, Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida sẽ xây dựng dựa trên những nỗ lực này”.

Trước khi thăm Mỹ, vào tháng 12 vừa qua, nội các Nhật Bản đã thông qua các cải cách quan trọng về an ninh và quốc phòng, trong đó khẳng định Nhật Bản cần sở hữu năng lực “thực hiện các cuộc phản công hiệu quả vào lãnh thổ như một biện pháp tự vệ tối thiểu”. Đây được xem là điểm mới trong Chiến lược An ninh Quốc gia của Nhật Bản nhằm phá vỡ nguyên tắc chỉ tự vệ hoàn toàn mà nước này đã duy trì từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Với các chiến lược an ninh mới, Nhật Bản có kế hoạch bắt đầu triển khai các tên lửa hành trình tầm xa vào năm 2026, tăng gần gấp đôi ngân sách quốc phòng trong vòng 5 năm tới, cũng như nâng cao năng lực không gian mạng, tình báo của nước này.

Chiến lược mới này của Nhật Bản đã ngay lập tức được sự ủng hộ của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Trước thềm chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Kishida đã diễn ra cuộc đối thoại an ninh 2+2 giữa quan chức quốc phòng và ngoại giao Mỹ - Nhật ở Washington hôm qua (11/1). Theo đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và Bộ trưởng Quốc phòng Yasukazu Hamada của Nhật Bản cùng những người đồng cấp Mỹ Antony Blinken và Lloyd Austin đã nhất trí tối ưu hóa liên minh Nhật - Mỹ nhằm đối phó với các thách thức an ninh nghiêm trọng mà hai nước đang phải đối mặt. Phía Mỹ cũng ủng hộ mạnh mẽ việc tăng cường quân sự lớn mà Nhật Bản đã công bố tháng trước.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau đối thoại an ninh 2+2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh: “Chúng tôi hoan nghênh cam kết của Nhật Bản tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng vào năm 2027. Các chiến lược của Nhật Bản phù hợp chặt chẽ với chiến lược an ninh quốc gia của chúng tôi cũng như thách thức chủ chốt mà chúng tôi đã xác định cách giải quyết hiệu quả”.

Các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của hai nước cũng nhất trí có thể sẽ kích hoạt Điều 5 của Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ, điều khoản phòng thủ chung của hiệp ước trong trường hợp có các cuộc tấn công tới, từ hoặc trong không gian, cũng như nhất trí việc triển khai một đơn vị thủy quân lục chiến cơ động mới của Mỹ tại đảo Okinawa, miền Nam Nhật Bản. Dự kiến kế hoạch chi tiết về hợp tác an ninh quốc phòng của Nhật Bản và Mỹ sẽ được công bố sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nhật Bản Kishida và Tổng thống Mỹ Joe BIden vào ngày mai (13/1)./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại