Một số nhà quan sát cho rằng, có yếu tố địa chính trị phía sau, nhất là vì căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng trong hàng loạt lĩnh vực.
Nghị sĩ đối lập Thái Lan Yuttapong Charasathien nói đảng Pheu Thai (được sự ủng hộ của cựu lãnh đạo lưu vong Thaksin Shinawatra) đã chất vấn vì sao tư lệnh hải quân Thái Lan và hãng chế tạo tàu ngầm Trung Quốc China Shipbuilding & Offshore International có thẩm quyền ký hợp đồng này vào năm 2017. Ông Yuttapong nói rằng cần có sự chấp thuận của người đứng đầu chính phủ Thái Lan và Trung Quốc để hợp đồng này được coi là hợp lệ. Ông Yuttapong là một trong 24 nghị sĩ đối lập trong một tiểu ban của quốc hội đang kiểm tra lại ngân sách dành cho hải quân trong năm tài chính 2021-2022. Tiểu ban này đã chấp thuận cho mua 2 tàu ngầm S26T lớp Nguyên trị giá 22,5 tỷ baht (726 triệu US). Hợp đồng mua 1 tàu ngầm như vậy được ký năm 2017 và dự kiến tàu sẽ được bàn giao vào năm 2023.
Từ khi cựu tướng Prayuth Chan-ocha lên điều hành chính phủ sau cuộc đảo chính năm 2014, quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Thái Lan và Trung Quốc được đẩy mạnh, đưa Bắc Kinh trở thành một nhà cung cấp vũ khí quan trọng của Bangkok. Sau cuộc bầu cử năm ngoái, ông Prayuth tiếp tục nắm quyền, sau đó lục quân Thái Lan lên kế hoạch mua 14 xe tăng hạng nặng VT4 của Trung Quốc, sau khi đã mua 28 chiếc vào năm 2016. Thái Lan còn có những hợp đồng mua vũ khí đáng kể khác từ Trung Quốc và thể hiện quan tâm đến việc tập trận và huấn luyện chung.
SCMP dẫn lời nhà bình luận quân sự Song Zhongping ở Hong Kong suy đoán rằng có thể có “nhân tố Mỹ” trong việc hoãn thương vụ mua 2 tàu ngầm lần này, sau sự phản đối của dư luận tạo nên một xu hướng trên Twitter mang tên “Người dân không muốn tàu ngầm”.
“Mỹ và Thái Lan là đồng minh theo hiệp ước. Khi đối đầu Trung - Mỹ tiếp diễn, bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra. Hơn nữa, Mỹ còn là một nhà cung cấp vũ khí lớn cho Thái Lan. Nhân tố Mỹ có thể đóng vai trò quan trọng ở đây”, ông Song nhận định.
Lý do không thoả đáng
Phe chỉ trích cho rằng chính phủ Thái Lan chưa đưa ra lý do rõ ràng nào để giải thích chuyện ký hợp đồng mua tàu ngầm Trung Quốc ngay từ đầu, hay liệu họ có xem báo giá từ các nước khác hay không.
Tuần trước, hải quân Thái Lan họp báo, nói rằng việc mua tàu ngầm sẽ giúp tăng “năng lực răn đe” cho nước này, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến biển Đông, nhưng giới quan sát cảm thấy không thuyết phục lắm. “Không chỉ vì Thái Lan không có đòi hỏi chủ quyền trên biển Đông, mà Bắc Kinh chắc chắn không muốn bất kỳ tàu ngầm nào của Thái Lan ra biển Đông... Cách giải thích đó không thuyết phục”, ông Paul Chambers, giảng viên tại Trung tâm Nghiên cứu cộng đồng ASEAN thuộc ĐH Naresuan của Thái Lan, đánh giá.
Dư luận Thái Lan cho rằng hải quân nước này không giải thích được vì sao nên chi nhiều tiền như vậy để mua tàu ngầm, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn vì ngành du lịch và thương mại liên quan chịu thiệt hại nặng nề vì đại dịch COVID-19.
Tuần này, Thủ tướng Prayuth, người kiêm chức bộ trưởng quốc phòng, ngụ ý rằng ông chưa chính thức thông báo với Bắc Kinh về việc hoãn kế hoạch mua. Ông thông báo hai bên sẽ đàm phán về vấn đề này mà không cho biết cụ thể, nhưng báo Bangkok Post dẫn một nguồn tin nói rằng Trung Quốc đã đồng ý hoãn 1 năm.
Hôm 31/8, phát ngôn viên chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri khẳng định kế hoạch cuối cùng sẽ được thực hiện. Phát ngôn viên hải quân trước đó nêu lý do là Myanmar (nước giáp Thái Lan về phía tây), mua tàu ngầm đầu tiên từ năm ngoái, nghĩa là hải quân Thái Lan cần phải “đối phó với tình hình mới”. Myanmar mua 1 chiếc tàu ngầm Kilo cũ (do Nga sản xuất) từ Ấn Độ.
Nhà nghiên cứu Sek cho rằng các lợi ích an ninh chính của Thái Lan trên vịnh Thái Lan và biển Andaman chủ yếu là an ninh phi truyền thống, như đánh bắt trái phép, buôn lậu ma tuý, buôn người, cướp biển, cũng như tranh chấp biên giới biển với Myanmar và Campuchia. “Những đe doạ đó không cần đến vai trò của tàu ngầm”, ông Sek nói.