Đằng sau chuyện ông Biden ‘hắt hủi’ Thái tử Ả-rập Xê-út

Thu Loan |

Ở khu vực đề cao sự tôn kính và trật tự, thư ký báo chí của Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa giáng một “cú đấm” vào mặt người kế vị của hoàng gia Ả-rập Xê-út.

Hôm 16/2, khi trả lời câu hỏi rằng khi nào ông Biden sẽ trao đổi trực tiếp với Thái tử Mohammed bin Salman, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói: “Chúng tôi đã nói rõ từ đầu rằng chúng tôi sẽ điều chỉnh quan hệ với Ả-rập Xê-út”.

“Và một phần trong đó sẽ là quay lại với kênh trao đổi chính thức, theo cơ chế ngang cấp. Người đồng cấp của Tổng thống là Quốc vương Salman, và tôi kỳ vọng Tổng thống sẽ có cuộc nói chuyện với Quốc vương. Tôi không dự đoán về lịch trình của việc đó”, bà Psaki nói.

Dù là tuân thủ chặt chẽ quy tắc lễ tân hay cố ý giảm thứ hạng của Thái tử bin Salman, cách nói này cho thấy chính quyền Biden không ủng hộ người sẽ kế vị của Ả-rập Xê-út. CIA nói rằng Thái tử bil Saman đã biết trước kế hoạch sát hại nhà báo của tờ Washington Post Jamal Khashoggi vào tháng 10/2018.

Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Avril Haines cho biết sẽ công bố báo cáo về vụ sát hại man rợ nhà báo Khashoggi với bàn tay của các đặc vụ Ả-rập Xê-út trong lãnh sự quán của nước này ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Bà Psaki cũng ngụ ý báo hiệu Thái tử bin Salman sẽ không còn giữ được quan hệ nồng ấm và bất chấp lễ tân với Mỹ như dưới thời chính quyền Trump. Vị Thái tử này thường bỏ qua Bộ Ngoại giao Mỹ để thực hiện các cuộc gọi thẳng tới ông Jared Jushner, con rể của ông Trump và cũng là cố vấn đặc biệt về Trung Đông.

Thái tử bil Salman đang là người nắm quyền của hoàng gia Ả-rập Xê-út và là người định hình tương lai của nước này.

Một ví dụ thể hiện quyền lực sau ngai vàng của Thái tử bil Salman là việc xảy ra vào giữa tháng 11 năm ngoái. Các nguồn tin từ Israel tiết lộ rằng Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã gặp Thái tử bil Salman ở Ả-rập Xê-út để sau đó tạo nên bước chuyển ngoại giao đáng kể trong quan hệ giữa hai nước. Các nhà quan sát kỳ cựu về Ả-rập Xê-út tin rằng Thái tử bil Salman đã không nói với Quốc vương về chuyến thăm cực kỳ nhạy cảm này.

Nhưng điều Tổng thống Mỹ Biden quan tâm không phải là một cuộc khủng hoảng ngoại giao với Ả-rập Xê-út, mà tác động của nó đối với thế giới.

Chủ đề trung tâm trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại của ông Biden đầu tháng này là duy trì các giá trị về quyền con người, và sức mạnh từ đó mà ra.

Giới quan sát cho rằng với sức mạnh đó, ông Biden tính sẽ tập hợp được ủng hộ của các đồng minh để kiềm chế Trung Quốc – thách thức đối ngoại lớn nhất mà ông phải xử lý.

“Chúng ta sẽ đối đầu với những hành vi lạm dụng kinh tế của Trung Quốc, chống lại hành động hung hăng và bắt nạt của họ để đầy lùi cuộc tấn công của Trung Quốc vào quyền con người, sở hữu trí tuệ và quản trị toàn cầu”, ông Biden nói.

Không lâu sau bài phát biểu đó, ông Biden tuyên bố không ủng hộ Ả-rập Xê-út trong cuộc chiến ở Yemen, bao gồm việc bán bom thông minh để hỗ trợ các chiến dịch quân sự của Ả-rập Xê-út.

Nhiều nguồn tin từ Ả-rập Xê-út cho rằng quan hệ lâu dài của quốc gia này với Mỹ sẽ vẫn tốt. Từ nhiều tháng trước, một số người trong cuộc nói đã nói rằng quan hệ với Mỹ sẽ gặp khó khăn nếu ông Biden vào Nhà Trắng, nhưng họ vẫn chờ đợi cơ hội khôi phục.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại