Lạc quan về ông Chung, lo cho ông Park
Một người về làm thuyền trưởng các ĐTQG Việt Nam, đấy là ông Park Hang Seo, người còn lại - Chung Hae Seong, sẽ dẫn dắt CLB HAGL kể từ sau ngày ký hợp đồng (18/10). Món Kim chi có vẻ đã, đang và sẽ là thực đơn chính của bóng đá Việt Nam?
Trở lại với vấn đề mà chúng tôi đặt ra ở đầu bài viết. Một trong những chuyên gia ngoại quốc khi đến làm việc ở một nền bóng đá ở đẳng cấp thấp hơn, thường phải gánh khá nhiều thiên chức. Cái này gọi là tận thu chất xám.
Ví như tân HLV trưởng Park Hang Seo, sẽ không chỉ "cầm" đội tuyển Việt Nam, mà kiêm luôn cả U22 Việt Nam và đội tuyển Olympic quốc gia. Cụ thể, sau lượt trận vòng loại ASIAN Cup 2019 gặp Afghanistan vào tháng 11/2017 tới đây, ông Park sẽ ngay lập tức bắt tay vào chuẩn bị cho U23 Việt Nam đánh giải U23 châu Á 2018 ở Trung Quốc.
Rất tất bật. Về lý thuyết, ông Park được quyền chọn trợ lý, nhưng chắc chắn phải có dăm ba vị người bản địa cấy vào. Khi Guus Hiddink đến Hàn Quốc vào năm 2002, ngoài nhiệm vụ chính là dẫn dắt đội tuyển nước chủ nhà World Cup tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, ông còn có nghĩa vụ kèm cặp các HLV người bản địa.
Cả Park Hang Seo và Chung Hae Seong đều đã lên tuyển theo cách này, như đào tạo một thế hệ HLV nguồn, dùng dần. Lẽ đương nhiên, "CV" (lý lịch trích ngang) của họ cũng được làm dầy lên, sau các khoảng thời gian làm trợ lý cho các chuyên gia ngoại quốc.
Ở Việt Nam, không thể nói là Mai Đức Chung, Phan Thanh Hùng, Nguyễn Văn Sỹ, Huỳnh Đức..., không học được gì sau quá trình cộng tác với Alfred Riedl, Henrique Calisto và Falko Goetz.
Tuy nhiên, từ việc làm trợ lý cho chuyên gia nước ngoài trên Tuyển quốc gia và việc cầm cương đội tuyển quốc gia, là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.
Với kinh nghiệm và một lý lịch hoành tráng, ông Chung Hae Seong có lẽ không gặp vấn đề gì quá lớn ở HAGL, dù trước đó, một đôi đồng nghiệp đồng hương của ông đã thất bại ở phố Núi. Mối nghi ngại lúc này đổ dồn về phía ông Park Hang Seo, với bề bộn công việc tại các đội tuyển nam.
Ông Tuấn 'tổng' nói gì?
"Không phải ông Park kém hơn ông Chung Hae Seong, và còn đắt hơn, mà quan trọng là tính thời điểm thôi. Tìm HLV cũng tựa như sàn chuyển nhượng cầu thủ vậy", Phó CT VFF, Trần Quốc Tuấn chia sẻ với Thể thao & Văn hoá.
Theo đó, lương của ông Park Hang Seo không cao đến mức 22 ngàn USD/tháng, tức là không vượt ngưỡng và vẫn trong tầm kiểm soát. Tổng cục TDTT hỗ trợ phần chính lương cơ bản, còn lại VFF tự xoay sở. Đương kim Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF, Đoàn Nguyên Đức, cũng không "chống lưng" trả lương cho ông Park như đồn đoán.
Ông Đức xuất hiện trong các buổi ra mắt và ký hợp đồng với Park Hang Seo, với tư cách người phụ trách tài chính cao nhất của Liên đoàn. Còn mối hợp tác giữa HAGL của bầu Đức và HLV Chung Hae Seong, là chuyện riêng của CLB. Việc CLB sở hữu HLV nổi tiếng hơn và giỏi hơn thuyền trưởng đội tuyển quốc gia, được xem là chuyện bình thường.
Tất nhiên là lãnh đạo VFF và chịu trách nhiệm chính thành bại của thương vụ ký kết với Park Hang Seo, ông Tuấn "tổng" phải bảo vệ quan điểm.
Còn chuyện ông Đức có cố tình "chơi khăm" Liên đoàn hay không, bằng việc ký hợp đồng với một ông thầy có "CV" tốt hơn nhiều thuyền trưởng đội tuyển quốc gia, có lẽ chỉ ba Đức mới biết rõ. Ở góc độ khách quan, chúng ta cũng nên rành mạch các vấn đề, bởi bóng đá là thành tích, và thành bại mới mong luận được anh hùng, chứ khó nói hay được.