Chuyển nhà lên núi để có nhiều thời gian bên con
Trước guồng quay cuộc sống với nhiều áp lực nơi phố thị, nhiều người ôm giấc mơ "bỏ phố về quê" nuôi cá, trồng rau. Vài năm gần đây, xu hướng này nở rộ và lan tỏa trong cộng đồng, đặc biệt là với người trẻ.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa mong muốn này, cần không ít điều kiện thực tế. Đó là điều mà chị Mạnh Thị Phước Ngọc (35 tuổi) và chồng đúc kết được sau hơn 1 năm rời phố thị lên vùng đồi núi sinh sống.
Được biết, năm 2022, thời điểm sau đại dịch, chị Ngọc cùng chồng có quyết định bỏ phố lên núi sống một cách khá chóng vánh.
Thời điểm đó, anh chị đang là chủ một quán cơm khá đông khách tại thành phố Vinh (Nghệ An). Công việc thuận lợi, thu nhập tốt, nhưng điều khiến chị Ngọc băn khoăn nhất là vợ chồng chị cả ngày tất bật ở quán, không có thời gian dành cho hai con nhỏ.
Mong muốn lên núi ở vì yêu thích nhịp sống chậm rãi giữa thiên nhiên chan hòa, đồng thời để có nhiều thời gian chăm sóc, dạy dỗ con cái, chị Ngọc có quyết định khiến nhiều người bất ngờ.
"Thực ra vợ chồng mình dự định lâu rồi, lên kế hoạch cố gắng làm việc, dành dụm kiếm chút tiền. Định là ít năm nữa con lớn sẽ về vườn.
Nhưng càng ngày mình càng nhận ra, con cái lớn rất nhanh, tuổi thơ con trôi đi sẽ không thể lấy lại được. Chờ bố mẹ rảnh rang thì con đã không cần mình nữa rồi, nên kế hoạch được đẩy nhanh khi tình cờ mình đi chơi gặp được mảnh đất này.
Vợ chồng mình vốn yêu thiên nhiên và cây cỏ. Trong một lần lên đây (một đồi chè ở huyện Thanh Chương, Nghệ An - PV) chơi, mình có cảm giác như muốn ở lại, gắn bó với mảnh đất này, kiểu như hợp với năng lượng vậy.
Từ lúc đến thăm đất lầu đầu đến khi dọn về ở hẳn chỉ trong vòng 3 tháng. Chúng mình quyết định khá chóng vánh khiến người thân và khách quen khá bất ngờ" - chị Phước Ngọc nhớ lại.
Sau khi bán nhà ở phố, trả một số món nợ kinh doanh, số tiền còn lại, vợ chồng chị Ngọc mua khu vườn ở khu vực đồi chè của huyện Thanh Chương và dựng căn nhà sàn làm tổ ấm mới.
Căn nhà sàn vỏn vẹn 30m2 nhưng vẫn đủ cho gia đình 4 người sinh hoạt. Đôi vợ chồng 8x ưu tiên tối giản không giản, vật dụng trong gia đình và đặc biệt không sử dụng nhiều thiết bị điện tử.
Họ không sắm tivi, điều hòa... vì mong muốn các thành viên sống gần nhất với thiên nhiên và có nhiều thời gian dành cho nhau.
Ngôi nhà gỗ nhỏ ấm áp và siêu "chill" nằm giữa đồi chè, vườn cây ăn trái là nơi gia đình nhỏ quây quần sau một ngày đi học và làm việc. Mỗi sáng, mở cánh cửa bước ra, chị Phước Ngọc đều cảm thấy như đang ở một khu du lịch sinh thái nào đó.
Chị Phước Ngọc thường dậy từ sớm để chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả nhà, sau đó đưa con đến trường rồi hai vợ chồng bắt tay vào làm vườn, nấu nướng...
Các thành viên trong gia đình có nhiều thời gian chuyện trò, nấu nướng, chăm vườn cây cùng nhau. Theo bà mẹ hai con, nếu sống ở thành thị, gia đình chị chắc hẳn khó có những giây phút yên bình như vậy.
Tránh xa những nhu cầu tốn kém, thu nhập dành hết cho các chuyến từ thiện
Sau khi mua mảnh vườn trên đồi chè, vợ chồng chị Phước Ngọc tiếp tục chăm sóc vườn chè và trồng thêm rau, cây ăn trái. Hành trình trở thành nông dân thứ thiệt lấy đi của họ nhiều mồ hôi, công sức.
Thu nhập khi về vườn cũng không đáng bao nhiêu so với lúc kinh doanh ở thành phố. Nhưng đôi vợ chồng Nghệ An lại hoàn toàn thoải mái, không áp lực về kinh tế vì nhu cầu chi tiêu giảm đáng kể.
Gia đình chị ăn chay trường, chủ yếu sử dụng nông sản sạch ngay từ vườn nhà. Dù vậy, thời gian đầu mới chuyển lên núi sống, gia đình nhỏ gặp không ít khó khăn, vất vả để làm quen với nhịp sống khác xa chốn thành thị.
Cuộc sống ở vùng núi kém tiện nghi hơn thành phố. Muốn ăn món gì cũng phải tự vào bếp nấu. Tuy nhiên, đổi lại, gia đình chị tiết kiệm được rất nhiều khi sống tự cung tự cấp.
Họ tránh xa được những "cám dỗ" từ việc mua sắm, ăn uống hàng quán và dịch vụ giải trí: "Thu nhập từ vườn chưa có nhiều. Thi thoảng mình làm mấy món ăn chay mang xuống phố cho khách quen đặt, hoặc vườn có dư cây trái gì thì lại bán lấy tiền xăng xe đi lại.
Tiền bạc không có đâu, nhưng cũng không phải lo nghĩ nhiều vì chi phí giảm đáng kể so với ở phố. Nhà mình hầu như không cần đi chợ. Do đó, buôn bán cũng không quá nặng nề. Có dư thì để dành cho những chuyến từ thiện"
Ý tưởng đi làm từ thiện xuất phát từ cơ duyên tình cờ, khi chị Phước Ngọc đưa các con đi đây đó và bắt gặp những mảnh đời kém may mắn. Để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, dạy cho các con biết sống yêu thương, sẻ chia, vợ chồng chị Phước Ngọc dành khoản tiền tích cóp được cho các chuyến thiện nguyện.
Đôi vợ chồng Nghệ An tâm sự:"Tiền bạc không có nhiều, nhưng vợ chồng mình quyết định khoẻn tiền dư ra dành cho du lịch sẽ để làm từ thiện.
Chủ yếu là góp công, tiền xe cộ đi lại. Tụi mình tặng quà cho Trung tâm bảo trợ Nghệ An, nơi đang nhận nuôi rất nhiều hoàn cảnh khó khăn và bệnh tật, thiếu thốn rất nhiều.
Mấy tháng gần đây thì quyên góp quần áo ấm cho bà con bản nghèo tại huyện Thanh Chương. Mình là người kêu gọi quyên góp và vận chuyển đồ từ Vinh về Thanh Chương. Bữa giờ cũng hơn chục chuyến rồi nhưng vẫn chưa đủ cho bà con. Chương trình này vẫn còn kéo dài lâu nữa."
Gia đình nhỏ dành toàn bộ số tiền tích cóp được cho các chuyến từ thiện
Lựa chọn cuộc sống an yên, gần gũi với thiên nhiên là quyết định mà vợ chồng chị Phước Ngọc cảm thấy rất đúng đắn, khi các thành viên có nhiều hơn thời gian bên nhau, con cái học hành không quá áp lực. Sức khỏe thể chất, tinh thần cũng nâng lên rõ rệt khi ăn uống và hít thở bầu không khí sạch, lành.
Chị Phước Ngọc cho rằng việc để bản thân có cơ hội về với thiên nhiên, cảm nhận sự tĩnh lặng từ bên trong tâm hồn là rất cần thiết. Nhưng để làm được điều đó, mỗi người cần xác định mục đích "về vườn" và có sự chuẩn bị về kinh tế, tinh thần từ trước.
"Mình muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ đang có ý định "bỏ phố về vườn": Hãy xác định mục đích về vườn làm gì, định hướng được thu nhập từ đâu?
Mặc dù nhà mình quyết định chóng vánh nhưng đã có sự chuẩn bị từ trước, chứ không thể về vườn theo phong trào, bởi thực tế cuộc sống không hề nên thơ như trong tưởng tượng", chị cảnh báo.