Đảng Cộng hòa đang “đuối lý” trước cơn bão luận tội Tổng thống Trump?

Hoàng Phạm |

Phe Dân chủ cho rằng, việc liên tục thay đổi lý lẽ bảo vệ Tổng thống Trump trước cơn bão luận tội là bằng chứng về sự “đuối lý” của đảng Cộng hòa.

Những cáo buộc của đảng Dân chủ ở trọng tâm yêu cầu luận tội rất đơn giản: Donald Trump đã sử dụng quyền lực Tổng thống để gây sức ép với chính phủ nước ngoài nhằm điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden.

Ngược lại, Đảng Cộng hòa phản ứng lại ít thẳng thắn hơn. Trong nhiều tuần kể từ 24/9, khi mà Nhà Trắng công bố bản ghi thô về cuộc điện đàm của Tổng thống Trump với Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky ngày 25/7, những lý lẽ bảo vệ của đảng Cộng hòa đã thay đổi đáng kể, từ việc thẳng thừng bác bỏ cáo buộc “có trao đổi”, sang việc chỉ trích các nhân chứng, bằng chứng và tấn công quá trình luận tội.

Phe Dân chủ cho rằng, việc thay đổi lý lẽ bảo vệ là bằng chứng về sự “đuối lý” của đảng Cộng hòa.

Dưới đây là cái nhìn về sự thay đổi chiến lược bảo vệ Tổng thống của đảng Cộng hòa kể từ khi quá trình luận tội bắt đầu.

Khẳng định không có chuyện “có qua, có lại”

Kể từ lúc công bố bản ghi cuộc điện đàm, ông Trump vẫn khẳng định không có chuyện “có qua, có lại” trong việc giữ khoản viện trợ quân sự từ Ukraine để thúc đẩy nước này điều tra Joe và Hunter Biden. Trong một dòng tweet tuyên bố quyết định công khai cuộc điện đàm, ông Trump nói rằng cuộc đối thoại giữa ông với Tổng thông Zelensky là “hoàn toàn phù hợp”, rằng ông đã không gây áp lực và rằng “không có sự trao đổi”.

Ông Trump vẫn tiếp tiếp tục quan điểm này ở các cuộc vận động, trên Twitter và trong các cuộc trả lời phỏng vấn. Giọng điệu này được các quan chức cấp cao khác trong chính quyền “hưởng ứng”.

“Bản ghi cuộc điện đàm giữa Tổng thống [Trump] với Tổng thống Zelensky… chẳng có gì là gây sức ép”, Phó Tổng thống Mike Pence nói ngày 3/10. “Chẳng có sức ép nào”. Kellyanne Conway, Cố vấncủa Tổng thống, Cố vấn kinh tế Larry Kudlow, Bộ trưởng tài chính Steve Mnuchin cùng các đồng minh hàng đầu của ông Trump đều nhiều lần khẳng định tương tự.

Tuy nhiên, lập trường này ngày càng trở nên phức tạp khi mà các nhân chứng khẳng định một cách dứt khoát với các nhà điều tra của Hạ viện rằng, thực tế là có “sự trao đổi”.

“Đó là điều tôi hiểu rất rõ. Khoản tiền hỗ trợ an ninh sẽ không được chuyển đi cho tới khi Tổng thống [Ukraine] cam kết theo đuổi cuộc điều tra”, Bill Taylor, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở Ukraine khai hồi tháng 10.

Ngày 5/11, Đại sứ Mỹ tại EU, Gordon Sondland, cũng đã sửa lại lời khai ban đầu của mình trong đó bổ sung thêm việc ông đã chuyển thông điệp như vậy tới một cố vấn của Tổng thống Ukraine Zelensky. “Tôi đã nói rằng, việc khôi phục khoản viện trợ sẽ không xảy ra cho đến khi Ukraine đưa ra những tuyên bố chống tham nhũng mà chúng tôi đã thảo luận từ nhiều tuần trước đó”, Sondland tiết lộ trong một tuyên bố bằng văn bản.

Một số trợ lý sau đó đã điều chỉnh chiến lược “bảo vệ” Tổng thống Trump. Ví dụ ngày 3/11, Cố vấn Conway đã thay đổi giọng điệu trong một chương trình trên CNN. Ban đầu bà không ngừng nói rằng chẳng có sự “trao đổi” nào. Nhưng khi bị người dẫn chương trình Dana Bash hỏi vặn thì Conway nói rằng: “Tôi không biết khoản viện trợ có bị giữ lại hay không và giữ lại bao lâu”.

Chỉ trích quy trình luận tội

Khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố bắt đầu yêu cầu luận tội chính thức ngày 24/9, đảng Cộng hòa ngay lập tức chỉ trích quy trình này và đặt câu hỏi về tính pháp lý của cuộc điều tra.

Trong các cuộc luận tội Tổng thống Mỹ trước đây, các yêu cầu luận tội đều được đưa ra bỏ phiếu tại Hạ viện, tuy nhiên với trường hợp của Tổng thống Trump, bà Peloso không tổ chức cuộc bỏ phiếu nào. Dù không theo truyền thống, nhưng không có điều khoản nào trong Hiến pháp nói rằng Hạ viện cần phải bỏ phiếu để bắt đầu một cuộc điều tra luận tội.

Tuy nhiên, đảng Cộng hòa và các luật sư Nhà Trắng đều nhấn vào việc bỏ qua thủ tục này để bảo vệ ông Trump. Họ đã chỉ trích thực tế rằng rất nhiều phiên lấy lời khai đều được tổ chức kín.

Ngày 8/10, Cố vấn Nhà trắng Pat Cipollone gửi lá thư tới các lãnh đạo Dân chủ tại Hạ viện trong đó nói rằng họ [phe Dân chủ tại Hạ viện] “đã thiết kế và thực hiện một yêu cầu [luận tội] theo cách vi phạm những điều công bằng cơ bản và quy trình dựa trên cơ sở hiến pháp”, đặc biệt viện dẫn tới việc Hạ viện không tiến hành bỏ phiếu.

Chủ tịch Ủy ban tư pháp Thượng viện Lindsey Graham đã ra một nghị quyết hồi tháng 10 chỉ trích yêu cầu luận tội, cho rằng đảng Dân chủ đang ruồng bỏ truyền thống và tiền lệ hơn 100 năm qua trong các thủ tục luận tội.

Tuy nhiên, ngày 31/10, Hạ viện đã bỏ phiếu về việc chính thức hóa quy trình luận tội và các phiên lấy lời khai công khai sẽ bắt đầu trong tuần tới.

Dù thường gọi cuộc điều tra luận tội là “cuộc săn phù thủy” – tương tự như mô tả mà ông đã dùng để nói về cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller – ông Trump đã kêu gọi đảng Cộng hòa tránh chỉ trích về quy trình, khi mà Hạ viện đã tiến hành cuộc bỏ phiếu chính thức.

Công kích các nhân chứng

Ông Trump và các đồng minh đã công kích một số nhân chứng nhất định cũng như lời khai của họ.

Sau khi Alexander Vindman, một quan chức trong Hội đồng an ninh quốc gia khai trong một cuộc thẩm vấn kín ngày 29/10, ông Trump đã nói trên Twitter rằng ông ta “Không bao giờ là nhân chứng ủng hộ Trump”.

Sondland, mặt khác, là một nhà tài trợ của Trump và không thể bị chỉ trích “Không bao giờ là người ủng hộ Trump”. Khi ông Sondland bổ sung lời khai của mình rằng ông từng là người truyền thông điệp “trao đổi”, Thư ký báo chí Nhà trắng Stephanie Grisham đã ra tuyên bố nói rằng “Đại sứ Sondland đã thành thực nhấn mạnh rằng, ông ấy ‘không biết, (và đến nay vẫn không biết) khi nào, vì sao và do ai mà khoản viện trợ bị hoãn’. Ông ấy cũng đoán là có sự liên hệ với khoản viện trợ - nhưng không thể xác minh bất cứ nguồn cơn chắc chắn nào cho giả định đó”.

Dù “có qua có lại”, nhưng không thể luận tội điều đó

Ngày 17/10, quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney đã tổ chức một buổi họp báo trong đó thừa nhận Tổng thống Trump trì hoãn viện trợ để gây sức ép buộc Ukraine điều tra đảng Dân chủ.

Khi một phóng viên đặt câu hỏi với ông Mulvaney rằng đó có phải là hành động “có qua, có lại” không, ông Mulvaney trả lời rằng “Sẽ luôn có ảnh hưởng chính trị trong chính sách ngoại giao”.

Tuy nhiên, ông Mulvaney đã nhanh chóng đính chính lại tuyên bố của mình khi chỉ vài giờ sau: “Hoàn toàn không có sự trao đổi nào giữa khoản viện trợ quân sự với cuộc điều tra nào nhằm vào cuộc bầu cử 2016”.

Trong khi đó, một số thành viên của đảng Cộng hòa giờ đây lại cho rằng thể có chuyện “có qua, có lại”, nhưng đó không phải là điều có thể luận tội. Xu hướng này nổi lên khi một số nhân chứng (trong đó có Sondland và Taylor) đã khai về việc trao đổi.

“Nếu điều kiện để nhận khoản viện trợ là một cuộc điều tra nhằm vào một đối thủ chính trị, thì đó là điều không phủ hợp”, Mac Thornberry, thành viên hàng đầu của đảng Cộng hòa tại Ủy ban Quân vụ Hạ viện nói với NPR ngày 28/10. “Tuy nhiên điều này có thể đưa ra luận tội hay không thì lại là một vấn đề khác”, ông Thornberry nói thêm.

Tổng thống Trump không phải là người thích chiến thuật này, bởi ông vẫn luôn khẳng định rằng, không có chuyện “có qua, có lại”.

“Họ đã đưa những câu chuyện không đúng sự thật khi nói rằng, một số Thượng nghị sỹ Cộng hòa đang nói rằng Tổng thống Trump có thể đã thực hiện một việc trao đổi, nhưng đó không phải là vấn đề và rằng điều đó chẳng có gì sai, đó là điều không thể luận tội. Có thể vậy, nhưng hãy đọc bản ghi. Không có chuyên ‘có qua, có lại’”, ông Trump tuyên bố trên Twitter ngày 4/11./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại