Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, doanh số bán hàng của toàn thị trường từ đầu năm, đến hết tháng 11/2016 đạt hơn 271.000 xe, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh số xe con tăng 26%, xe thương mại tăng 25% so với cùng kỳ.
Các dự báo cũng cho biết, ước tính năm 2016, doanh số bán xe cả nước sẽ đạt con số khoảng 300.000 ô tô các loại, mức tăng trưởng khoảng 25% so với 2015. Mặc dù vẫn đạt mức tăng trưởng cao về doanh số bán, nhưng lợi nhuận của nhiều DN ô tô không bằng năm trước.
Buôn xe con vẫn lãi to
Báo cáo kết quả kinh doanh của Công ty cp ô tô Trường Hải, đến quý 2/2016 cho thấy doanh thu đạt gần 27.000 tỷ đồng, tăng 51,2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của công ty là 3.709 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2015. Trong 6 tháng đầu năm, doanh số bán xe của Trường Hải đạt 53.100 chiếc, tăng 18.500 xe, tương ứng 54% so với cùng kỳ.
Dựa vào những con số trên, một số tính toán cho rằng, như vậy mỗi chiếc xe ôtô, Trường Hải thu lãi khoảng 58 triệu đồng. Bình quân, mỗi ngày Trường Hải bán ra thị trường 295 xe ôtô, thu lãi 20,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, với các DN ô tô không chỉ bán xe mà còn kinh doanh cả phụ tùng thay thế, dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng. Nếu tính lợi nhuận thu về từ dịch vụ này, thì lợi nhuận bán xe bình quân sẽ không lớn như thế.
Thông thường lợi nhuận thu từ kinh doanh phụ tùng, dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng chiếm khoảng 25%. Nếu trừ đi số này thì lợi nhuận bình quân 1 chiếc xe Trường Hải bán ra, ước khoảng gần 50 triệu đồng.
Trong khi các DN kinh doanh xe tải lợi nhuận giảm mạnh thì các DN kinh doanh xe cá nhân vẫn đạt lợi nhuận khá cao.
Tuy nhiên, nhìn vào con số trên có thể thấy lợi nhuận bình quân của DN đã giảm nhiều so với 2015. Nếu như 2015 Trường Hải có lãi khoảng 80 triệu đồng/xe, nay giảm còn gần 50 triệu đồng. Năm 2016, Trường Hải đặt mục tiêu doanh thu 71.315 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 8.212 tỷ đồng.
Con số lợi nhuận của khối DN ô tô có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì vẫn hoàn toàn trong vòng "bí mật", vì không đơn vị nào chịu công bố. Tuy nhiên, qua số liệu tổng hợp từ Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM), một đối tác trong liên doanh với Toyota Việt Nam, có thể thấy phần nào lợi nhuận của các DN FDI.
Toyota Việt Nam năm 2015, có doanh số bán đạt 52.428 xe các loại, với lợi nhuận 5.000 tỷ đồng. Nếu trừ đi phần lợi nhuận từ kinh doanh phụ tùng thay thế, dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng, thì ước tính năm 2015 Toyota Việt Nam cũng có lợi nhuận bình quân khoảng 80 triệu đồng/xe.
Năm 2016 lợi nhuận bình quân của DN này dự báo giảm, do chi phí bán hàng tăng và giá xe giảm mạnh. Nhưng nhờ doanh số bán vẫn tăng trưởng, nên lợi nhuận chung vẫn tăng. Toyota Việt Nam đã bán 50.703 xe trong 11 tháng năm 2016, ước tính doanh số cả năm sẽ vượt qua con số 52.428 xe của năm 2015.
Theo tính toán của giới chuyên môn, lợi nhuận bình quân của các DN ô tô, thuộc phân khúc xe con, từ 9 chỗ trở xuống, năm 2016 tuy giảm, nhưng vẫn nằm trong khoảng từ 35 triệu đồng - 70 triệu đồng/xe (không tính các loại xe sang và siêu sang).
Như vậy, với doanh số bán toàn thị trường đạt 300.000 xe, trong đó chiếm trên 50% xe con, cũng có nghĩa các DN ô tô kinh doanh trong phân khúc này, năm 2016 vẫn duy trì lợi nhuận lớn.
Tốc độ tăng trưởng thị trường ô tô Việt Nam hiện dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, nhiều nhận định cho thấy sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những năm tới, nhất là phân khúc xe con. Kinh tế khởi sắc, thuế giảm dần và quá trình xã hội hóa xe hơi sẽ diễn ra. Kinh doanh ô tô được cho vẫn là ngành sẽ thu lợi nhuận lớn.
Xe tải lợi nhuận giảm mạnh
Báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất, của Công ty cp ô tô TMT cho thấy, doanh số bán xe trong quý 3/2016 đạt 527 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với cùng kỳ 2015. Lợi nhuận sau thuế chỉ còn hơn 500 triệu đồng, giảm gần 99%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, TMT đạt hơn 2.000 tỷ đồng doanh thu, giảm 828 tỷ (29%) so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 48 tỷ đồng, giảm 74%.
Trong khi đó, kế hoạch năm 2016 TMT đặt mục tiêu bán 10.560 xe, doanh thu 5.804 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 256 tỷ đồng. Qua 9 tháng đầu năm, TMT mới chỉ đạt 34% kế hoạch về doanh thu và gần 19% về lợi nhuận. Ước tính cả năm TMT cũng không đạt 50% kế hoạch đặt ra.
Một DN khác là Công ty cp Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy. Theo báo cáo, quý 3/2016 doanh thu kinh doanh ô tô chỉ đạt hơn 298 tỷ đồng, giảm đến 60%, lợi nhuận sau thuế chỉ còn 28,4 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Hoàng Huy đạt 1.248 tỷ đồng doanh thu, giảm 55%, lợi nhuận sau thuế chỉ còn 110 tỷ đồng, giảm hơn 73% so với cùng kỳ năm trước và chỉ bằng 27% kế hoạch năm 2016.
Công ty cp ô tô Trường Long cũng tương tự. DN này mới có báo cáo tài chính qúy 2/2016, chỉ đạt hơn 316 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó lãi ròng giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm trước, còn đạt gần 13 tỷ đồng. Đây là quý thứ 5 liên tiếp doanh thu và lợi nhuận của Trường Long suy giảm.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2016, Trường Long đạt hơn 691 tỷ đồng doanh thu, giảm 12% so với nửa đầu năm 2015, bằng 47% kế hoạch cả năm 2016. Lãi ròng đạt gần 40 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ.
Công ty cp ô tô Trường Hải không có báo cáo cụ thể trong lĩnh vực kinh doanh xe tải, nhưng cũng nằm trong tình hình chung, kinh doanh xe tải giảm sút và lợi nhuận giảm.
Lĩnh vực kinh doanh xe tải giảm mạnh về doanh số và lợi nhuận được lý giải là do năm 2016, thị trường bão hòa, nhu cầu giảm mạnh nhất là phân khúc xe tải nặng và xe đầu kéo, không còn bùng nổ như năm 2015.