Chờ về bờ sau hơn 1 năm
Hạnh Linh (sinh năm 1998, nhân viên văn phòng) đã bắt đầu đầu tư chứng khoán vào đầu năm 2021. Thời điểm đó, thị trường tăng trưởng khá tốt, trong vòng 1 năm cô bạn đã kiếm lời khá tốt.
“Ban đầu, mình chỉ đầu tư 20 triệu và mua 2 mã cổ phiếu. Tất nhiên thị trường có lúc lên lúc xuống song khoảng năm 2021, mình gần như lúc nào cũng có lời. Mình mua cổ phiếu thường sẽ nắm giữ khoảng 2-3 tháng rồi bán ra, thu lời về khoảng 20%. Mình dùng toàn bộ tiền lãi gộp với tiền vốn gốc rồi lại tiếp tục đầu tư vòng mới”.
Trong khoảng thời gian đó, Hạnh Linh chỉ có 1 mục tiêu duy nhất đó là đầu tư chứng khoán sinh lời nhanh và trong tương lai có khoản tiền tích luỹ lớn từ đầu tư. Vì luôn sinh lời nên bắt đầu từ tháng 6/2021, hàng tháng thay vì trích gửi tiền tiết kiệm như trước, cô bạn chuyển hết tiền vào tài khoản chứng khoán để đầu tư.
Đầu tư năm 2022, Hạnh Linh đã rút tiền gửi tiết kiệm gộp vào số tiền sẵn có để tiếp tục đầu tư chứng khoán, tổng gần 85 triệu đồng, 1 con số rất lớn với nhân viên văn phòng lương 12 triệu/tháng.
“Sau đó thị trường biến động trong khoảng 3 tháng đầu năm, mình thua lỗ dần, không tìm được thời gian phù hợp để bán ra. Và đó cũng là dấu hiệu cho đà giảm mạnh, có thời điểm mình đã thua lỗ đến 35-40%. Mình giữ toàn bộ cổ phiếu và không bán ra với mong muốn “về bờ”, nhưng trên thực tế cho đến nay mình vẫn đang phải gánh chịu khoản lỗ 25%, hơn 21 triệu đồng”. Từ lúc đó đến bây giờ, Hạnh Linh không giao dịch cổ phiếu vì cảm thấy khá sợ hãi trước thị trường chứng khoán.
Hạnh Linh hiện tại vẫn thua lỗ gần 25%
Cũng giống như Hạnh Linh, Đức Tuấn (sinh năm 1996, Graphic Designer) cũng đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong thị trường chứng khoán. Lần kiếm được nhiều nhất là lúc lợi nhuận bằng 50% so với lương từ công việc chính. Còn khoảnh khắc cảm thấy khó khăn nhất là khi thị trường chứng khoán trong đà giảm sâu vào năm ngoái, tài khoản của cậu bạn đã giảm gần 70%, chỉ còn ⅓ số vốn ban đầu.
“Mình không dám đầu tư nữa bời vì cảm thấy thị trường chứng khoán rất hấp dẫn nhưng cũng chứa nhiều rủi ro. Có 1 cụm từ khá đúng là mình cảm giác như đang bị thao túng. Chứng khoán khiến mình bị “nghiện” khi kiếm lời nhanh và nhiều trong một khoảng thời gian ngắn.
Hơn thế nữa, mình không phải người may mắn, cũng không có đủ kiến thức để lựa chọn cổ phiếu đầu tư bền vững. Do vậy, đến bây giờ mình đã ngừng đầu tư chứng khoán và chọn gửi tiết kiệm, mua vàng - an toàn cũng như ổn định hơn rất nhiều”.
Rút kinh nghiệm từ những vấp ngã
Theo Đức Tuấn, trong khoảng thời gian mới tập đầu tư chứng khoán, cậu bạn khá xao nhãng trong công việc chính. Điều này dẫn đến chất lượng công việc không còn hiệu quả như trước, nếu kéo dài có thể ảnh hưởng đến thu nhập cũng như cơ hội thăng tiến trong tương lai.
Do đó, lời khuyên đầu tiên cho dân văn phòng là nên rạch ròi giữa thời gian đầu tư chứng khoán cũng như làm việc. Bởi vì thời điểm mở cửa đầu tư là 9 giờ và kết thúc phiên giao dịch vào 15 giờ, mọi người có thể sẽ rất dễ “chìm sâu” vào chứng khoán và quên đi công việc chính.
Bên cạnh đó, có thể sẽ có những khoảng thời gian thị trường giảm sâu, chỉ nên đầu tư bằng số tiền nhàn rỗi, 100% không dính đến những khoản tiền khác đặc biệt hạn chế vay nợ. Như vậy, tâm lý lúc đầu tư cũng sẽ thoải mái hơn.
Ảnh minh họa
Còn đối với Hạnh Linh, một tay ngang trong thị trường chứng khoán, cô bạn cho rằng trước khi đầu tư cần phải hiểu những thuật ngữ chứng khoán cơ bản. Hơn thế nữa, mỗi người cũng cần hiểu về mức độ rủi ro khi đầu tư cổ phiếu, bởi nó có thể đem lại lợi nhuận cao thì cũng dễ dàng khiến bạn thua lỗ nặng nề.
“Mình nghĩ rằng dân văn phòng chỉ nên xem đầu tư chứng khoán như một nguồn thu nhập thụ động. Đầu tư vào những cổ phiếu giá trị thay vì lướt sóng. Như vậy sẽ không ảnh hưởng đến thời gian làm việc, đồng thời nguồn thu nhập cũng bền vững hơn rất nhiều. Đầu tư dài hạn cũng không yêu cầu bạn phải xem bảng điện hàng ngày. Hơn thế nữa, đừng FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ) khi giao dịch chứng khoán cũng như cần cân nhắc trước mọi lời khuyên đầu tư”.