Hầu hết với mọi người, cuối năm luôn là một khoảng thời gian đặc biệt nhất trong năm bởi có nhiều dịp lễ, Tết. Cũng vì vậy mà công việc trở nên bận rộn hơn, nhiều người cũng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn để sắm sửa cuối năm. Một trong những hoạt động cũng xuất hiện nhiều vào dịp này đó chính là những buổi tụ tập, liên hoan giữa các hội nhóm, bạn bè.
Trong môi trường công sở, những buổi liên hoan cuối năm chắc chắn sẽ không thể thiếu, thậm chí còn diễn ra thường xuyên từ đầu tháng 12. Tuy nhiên, cũng giống như team building, các hoạt động mang tính tập thể luôn nhận nhiều phản ứng khác nhau từ hội làm văn phòng.
Ít nhất cũng tốn khoảng 200k - 400k cho một buổi liên hoan
Thực chất, liên hoan không phải hoạt động bắt buộc, song, hầu hết từ sếp đến đồng nghiệp đều muốn mọi người trong công ty có mặt đầy đủ. Hơn nữa, tâm lý của nhiều người khi đi làm văn phòng cũng đều cho rằng: “Ai cũng đi không lẽ mình không đi”.
Minh Tân (23 tuổi) đang làm thiết kế đồ họa cho biết công ty thường có văn hóa liên hoan vào mỗi cuối tuần. Tuy theo mức độ kinh tế của các thành viên trong văn phòng, có hôm sẽ chi mạnh để ra hàng ăn hoặc nếu không sẽ gọi đồ ăn vặt về công ty. “Vào những dịp lễ hội thông thường công ty cũng sẽ tổ chức những buổi tiệc quy mô, đắt tiền hơn. Do vậy hầu hết mọi người sẽ đều tham gia cả nên mình cũng không ngoại lệ”, Minh Tân nói.
Công ty của Minh Tân thường có văn hóa liên hoan vào mỗi cuối tuần, mỗi buổi sẽ tốn mức chi phí khác nhau (Ảnh: NVCC)
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người ái ngại mỗi khi tụ tập ăn uống chính là các khoản chi phí đắt đỏ. Với một số người, khoản chi tiêu này nằm ngoài dự kiến nên họ thường lo lắng cho hầu bao mỗi khi đi liên hoan.
Công Thành (25 tuổi) đang làm nhân viên văn phòng cho biết: “Không hẳn là quá hao hụt nhưng mình cảm thấy chi tiêu trong tháng cũng bị ảnh hưởng vì phải đi liên hoan quá nhiều. Trung bình một buổi đi ăn, chơi cùng đồng nghiệp nếu ít cũng đã tốn khoảng 200k. Còn hôm nào “sang xịn” hơn cũng phải mất đến 400k. Chưa kể, còn tăng 2, tăng 3 nên mình thường khá ngại đi vì hơi tốn kém. Nhưng có nhiều dịp tất cả công ty đều đi, làm tập thể, mình cũng không thể cứ tách ra suốt được”.
Là nhân viên hành chính nhân sự, Nguyễn Hoài (28 tuổi) thường là người tổ chức ra những buổi liên hoan này. Cô cũng cho rằng trung bình một buổi không được công ty tài trợ khoản chi phí nào thì sẽ tốn từ 300k - 400k/người. Tuy nhiên, Nguyễn Hoài cho biết đối với bản thân cô, mức giá là phù hợp, không quá ảnh hưởng đến chi tiêu trong tháng.
Nguyễn Hoài chia sẻ: “Mức chi cho những buổi liên hoan chiếm khoảng 15% thu nhập của mình. Mình thường chia rõ các khoản tiền cần chi trong tháng nên mình sẽ để ra khoảng 2 triệu cho những buổi tụ tập, ăn uống như thế này. Và đương nhiên, mình cũng sẽ cân đối để không vượt quá hạn mức đã đặt ra”.
Đi liên hoan thì vui nhưng nếu “rỗng ví” vẫn có thể thẳng thừng từ chối
Cũng theo Nguyễn Hoài, đặc thù công việc của công ty khá căng thẳng và mệt mỏi do vậy những buổi liên hoan này là dịp để mọi người giải trí, thư giãn. Cô cũng cho biết việc này sẽ giúp đồng nghiệp gắn kết hơn hoặc nếu có thêm sự góp mặt của sếp sẽ là cơ hội để mọi người giãi bày, đôi bên hiểu nhau và hiệu quả công việc cũng thế đi lên.
Nguyễn Hoài cảm thấy các hoạt động liên hoan sẽ giúp mọi người gắn kết hơn (Ảnh: NVCC)
“Ở công ty mình, thường mọi người sẽ cùng rủ nhau đi. Nếu ai cảm thấy có gì đó khó hoặc không muốn tham dự có thể khéo léo từ chối. Nhưng hiện tại thì chưa có ai mà hầu hết mọi người đều vui vẻ gia nhập. Hơn nữa, công ty mình không có thói quen 'ép' mà sẽ để mọi người thoải mái quyết định, như vậy sẽ không khiến ai bị khó xử”, Nguyễn Hoài bày tỏ.
Ngược lại, Công Thành không ít lần rơi vào tình huống khó vì mọi người xung quanh ai cũng “ép” anh phải tham dự những buổi liên hoan. Công Thành cho hay: “Mình biết mọi người muốn vui nên luôn thích tất cả nhân viên phải có mặt đông đủ. Nhưng mình cũng có những kế hoạch chi tiêu riêng nên thường sẽ thẳng thừng từ chối nếu không muốn góp mặt”.
Tuy nhiên dù đã từ chối để tiết kiệm tiền nhưng Công Thành vẫn nhận được những lời rủ rê từ đồng nghiệp như: “Cứ đi đi chị cho vay”, “Một buổi thôi mà nếu cậu thiếu thì tôi ứng trước”,... Điều này khiến Công Thành cảm thấy không thoải mái và có phần khó xử. “Tùy từng hôm nữa, nếu dịp đó thực sự đặc biệt mình sẽ cố gắng, còn nếu không mình vẫn nhất quyết từ chối. Dù hôm sau mọi người cũng có nói thêm, chỉ là trêu vui thôi nhưng mình cũng bỏ ngoài tai vì dù sao tiết kiệm cũng là cho bản thân nên mình phải cứng rắn”, Công Thành nói thêm.
Tuy nhiên nên thẳng thừng từ chối nếu cảm thấy việc liên hoan triền miên ảnh hưởng đến chi tiêu (Ảnh minh họa: Pinterest)
Còn Minh Tân lại đưa ra các cách từ chối khác nhau nếu như không muốn tham dự cuộc vui nào đó. Anh cho biết, nếu là người mới vào công ty có thể đưa ra các lý do như bận việc gia đình, đang ăn kiêng,... Còn nếu là đồng nghiệp thân thiết lâu năm, nên thẳng thắn bày tỏ để mọi người cũng hiểu.
“Cũng có những lần mình mua sắm đồ trong tháng nhiều nên không còn dư chi phí để giao lưu ăn uống. Mỗi lúc như vậy mình đều nói thẳng rằng đang 'rỗng ví' nên xin phép hẹn lần sau”, Minh Tân chia sẻ.
Dù mỗi người sẽ có một cách ứng xử khác nhau, song hầu hết đều cho rằng những buổi liên hoan thường hướng đến niềm vui, sự thư giãn do vậy không nên bắt buộc hay ép ai đó nhất định phải tham gia. Ngoài ra, tùy vào nhu cầu chi tiêu của từng người nhưng vẫn nên để ra một khoản để gắn kết hội nhóm. Có thể tham gia 1 - 2 lần trong tháng chứ không nên từ chối toàn bộ, như vậy sẽ thiếu tính tập thể và khó giữ được mối quan hệ.