Theo báo Financial Times (Anh), đây là dấu hiệu bất bình mới nhất trong lòng công chúng Trung Quốc trước tham vọng gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế của chính phủ.
Trước các đại diện từ 54 quốc gia châu Phi tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi hồi đầu tuần này, Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ: "Chỉ có người dân Trung Quốc và châu Phi mới có quyền đánh giá sự hợp tác hai bên có tốt hay không. Những người khác không nên nhận xét dựa trên tưởng tượng hoặc giả thuyết".
Sau những phát biểu này, trên mạng xã hội Trung Quốc lan truyền nhiều ý kiến chất vấn tại sao chính phủ không dùng số tiền đó cho nhu cầu trong nước, chẳng hạn chi cho Bộ Giáo dục đang cạn kinh phí trong 3 năm.
Theo Financial Times, đây không phải lần đầu tiên người dân Trung Quốc bất mãn về các khoản viện trợ nước ngoài của chính phủ.
Dư luận từng nổi sóng hồi năm 2011 khi Bắc Kinh quyên tặng 23 xe buýt trường học cho Macedonia. Hành động này được thực hiện không lâu sau vụ tai nạn của một chiếc xe tải được chuyển đổi thành xe chở học sinh - phương tiện đưa đón phổ biến ở vùng nông thôn Trung Quốc - khiến 19 trẻ thiệt mạng.
Tranh cãi tương tự bùng nổ hồi tháng 5 vừa rồi sau khi một bức thư lan truyền trên mạng cáo buộc nền kinh tế thứ hai thế giới chi nhiều học bổng cho sinh viên nước ngoài hơn là đầu tư cho giáo dục tiểu học và trung học nước nhà.
Trung Quốc tăng kinh phí hỗ trợ sinh viên nước ngoài trong những năm gần đây như một phần của chiến lược "quyền lực mềm".
Trong nửa đầu năm 2018, theo truyền thông Trung Quốc, Bắc Kinh chi hơn 40 triệu USD cho chương trình "Học bổng Con đường Tơ lụa" dành cho các sinh viên đến từ những nước đang phát triển.
Trước những chỉ trích trên, tờ Thời báo Hoàn cầu đáp lại: "Người dân Trung Quốc nên biết rằng các cường quốc phải hoàn thành nghĩa vụ. Nếu không thì vị trí hiện tại cũng khó giữ chứ đừng nói là tiến về phía trước".