Dân thích thú khi nhận tin nhắn từ chính quyền

LÊ THOA |

Ở quận Bình Tân (TP.HCM), nhiều tin cảnh giác về tội phạm, giải quyết hồ sơ, phòng cháy chữa cháy… đã được đưa đến nhanh nhất cho người dân qua tin nhắn.

Khoảng 110.000 số điện thoại từ 110.000 hộ dân trên địa bàn quận Bình Tân, TP.HCM những ngày qua đã được nhận tin nhắn tuyên truyền phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, cháy nổ, trật tự lòng lề đường và rất nhiều thông tin hữu ích khác.

Cách tuyên truyền mới làm dân thích thú

Cụ Nguyễn Văn Duyên (84 tuổi, ngụ phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân) cho biết vừa nhận được tin nhắn của UBND phường thông báo về nhiều lĩnh vực như phòng cháy chữa cháy, phòng chống tội phạm, trật tự lòng lề đường…

Dù đã hơn 80 tuổi và chỉ dùng một điện thoại “cục gạch” nhưng cụ Duyên vẫn không bỏ sót tin nhắn nào từ UBND phường Bình Trị Đông B.

“Lần đầu tiên nhận được tin nhắn từ UBND phường có nội dung thông báo phường sẽ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ ngoài giờ hành chính, tôi ngạc nhiên lắm, bèn mang đi hỏi tổ trưởng khu phố xem sự tình thế nào.

Nghe tổ trưởng giải thích rằng từ nay có chính sách, thông tin gì cần tuyên truyền đến người dân sẽ được thông báo qua điện thoại thì tôi thấy hay và lạ quá” - cụ Duyên hào hứng kể.

Cụ Duyên cho biết thời gian qua phường có tuyên truyền về các thủ đoạn của tội phạm để người dân cảnh giác.

Từ đó cụ và con cái trong nhà đề cao cảnh giác, mỗi ngày đều ra trước nhà ngó giùm cho các hộ đi vắng xem có trộm lảng vảng hay không, nhắc nhau đề phòng.

“Hoặc vừa rồi phường gửi tin nhắn về công tác phòng chống cháy nổ ở chung cư, qua đó mình nắm bắt, suy nghĩ cách phòng cháy trong nhà mình, xem điện đóm, nhang lửa như thế nào, cố gắng không để xảy ra sự cố” - cụ Duyên nói.

Anh Nguyễn Văn Lượm (ngụ phường Bình Trị Đông B) cũng nhìn nhận việc nhắn tin tuyên truyền qua điện thoại đến tận tay người dân tạo được sự quan tâm và đồng thuận.

Anh Lượm cho biết do phải đi làm cả ngày nên việc đi họp tổ dân phố, khu phố để nắm thông tin đôi khi phải nhờ người khác đi hộ hoặc không đi. Bây giờ mọi tin tức đều được chuyển đến điện thoại của chủ hộ nên yên tâm phần nào.

“Đợt trước phường tuyên truyền trật tự lòng lề đường, nhắn nhiều tin liên tục nên bà con ai cũng nắm chủ trương” - anh Lượm thông tin.

Một người dân khác trên địa bàn phường Bình Trị Đông B cũng cho biết mới đây, sau khi nhận tin nhắn cảnh báo từ UBND phường rằng phải cảnh giác với người lạ đến khu dân cư thì phải báo ngay cho cảnh sát khu vực, công an phường, nhiều người cũng nơm nớp lo sợ.

Sau đó, cứ thấy bóng người lạ quanh quẩn gần nhà họ liền gọi điện thoại báo cho công an xuống xác minh ngay.

“Luôn muốn làm bà con hài lòng”

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết từ đầu năm 2017 quận đã yêu cầu công an quận thực hiện thu thập khoảng 110.000 số điện thoại của hộ dân nhằm phục vụ công tác nhắn tin tuyên truyền phòng chống tội phạm , đảm bảo an ninh trật tự ….

Từ kho số điện thoại đó, quận và 10 phường chủ động soạn nội dung theo tiêu chí “mùa nào thức đó” để gửi đến người dân.

Theo đó, vào các ngày lễ lớn sẽ nhắc bà con treo cờ, dọn vệ sinh môi trường; khi có cao điểm về dịch bệnh, chống ngập, chống cháy nổ, trật tự lòng lề đường … thì sẽ nhắn tin tuyên truyền người dân.

Hoặc khi phát hiện những thủ đoạn mới của tội phạm thì lập tức gửi tin cảnh báo người dân.

“Quả thật, thời gian qua những cách tuyên truyền cũ bằng văn bản, loa, tờ rơi, pano… mặc dù đã áp dụng rất tích cực nhưng cũng có một phần hạn chế. Khi họp tổ dân phố, khu phố, người dân cũng không còn quan tâm như trước.

Vì vậy việc thêm một hình thức tuyên truyền mới sẽ giúp việc tuyên truyền thông tin đến người dân hiệu quả hơn. Dù sao khi có một tin nhắn mới báo đến điện thoại cá nhân thì chắc chắn người dân sẽ đọc” - ông Thiện phân tích.

Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết thời gian tới, công an quận sẽ thường xuyên rà soát để cập nhật những số điện thoại mới hoặc những hộ dân mới đến cư trú.

Ủy ban MTTQ Việt Nam quận cũng sẽ tiến hành giám sát, lắng nghe phản hồi từ phía người dân đối với hình thức mới này, từ đó sẽ có những điều chỉnh để bà con hài lòng hơn.

Tại quận Bình Thạnh (TP.HCM), từ tháng 11-2017 đến nay, công an 20 phường đã tạo lập gần 450 nhóm trên Facebook, Zalo với gần 5.300 người tham gia.

Trên các nhóm này sẽ cập nhật thông tin về hình ảnh, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm cùng với biện pháp phòng ngừa để người dân tự ý thức bảo vệ bản thân và an ninh ở khu vực mình sinh sống như cướp giật, trộm cắp, lừa đảo.

Các nội dung tuyên truyền được soạn thảo cẩn thận, dễ hiểu gửi vào nhóm để người dân dễ đọc, dễ lưu lại.

Đặc biệt, thông qua các nhóm này nhiều đối tượng trộm cắp đã bị phát hiện, bắt giữ.

Mới đây Công an quận Bình Thạnh đã đề xuất khen thưởng 18 quần chúng nhân dân, 12 bảo vệ dân phố, ba dân phòng và hai dân quân đã xuất sắc tham gia phát hiện và bắt giữ tội phạm thông qua các nhóm này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại