Bên dưới lớp băng tuyết tại Nam Cực - lục địa lạnh nhất thế giới - hàng trăm người có thể đã bị chôn vùi mãi mãi. Mỗi nạn nhân kể một câu chuyện về mối quan hệ giữa nhân loại với lục địa khắc nghiệt này.
Bí ẩn xương người Chile
Là vùng đất ảm đạm và gần như nguyên sơ ở rìa trái đất, Nam Cực vẫn bị xem là mối đe dọa chết người ngay cả khi nhân loại nắm đầy đủ công nghệ và kiến thức về những hiểm họa ở đó. Đi sâu vào bên trong lục địa này, nhiệt độ có thể giảm xuống gần -90 độ C. Ở một số nơi, gió có thể đạt vận tốc 322 km/giờ.
Theo đài BBC, nhiều thi thể các nhà khoa học và thám hiểm đã nằm lại vĩnh viễn tại đây, không thể thu hồi. Một số thi thể được tìm thấy nhiều thập kỷ hoặc hơn một thế kỷ sau đó. Đằng sau những cái chết bí ẩn là không ít câu chuyện chưa có lời giải đáp.
Cách đây 175 năm, một hộp sọ và xương đùi người được phát hiện trên bờ biển đảo Livingston, ngoài khơi bán đảo Nam Cực. Đây là những bộ phận cơ thể người lâu đời nhất từng được tìm thấy ở khu vực này.
Các nhà nghiên cứu Chile xác định chúng thuộc về một phụ nữ tử vong khi mới 21 tuổi, đến từ miền Nam Chile, cách đảo Livingston khoảng 1.000 km. Kết quả phân tích xương cho thấy cô thiệt mạng giai đoạn 1819-1825.
Hiểm họa luôn rình rập người thám hiểm ở Nam Cực Ảnh: BBC
Câu hỏi đặt ra là người phụ nữ đến đó bằng cách nào bởi những chiếc thuyền truyền thống của người Chile bản xứ không thể vượt qua một quãng đường dài như vậy. Nhà tư vấn về di sản Nam Cực Michael Pearson cũng khẳng định người phụ nữ không thể thực hiện cuộc hành trình chỉ bằng một chiếc thuyền làm từ vỏ cây.
Theo giải thích ban đầu của các nhà nghiên cứu Chile, người phụ nữ có thể là một hướng dẫn viên bản xứ cho những người đi từ bán cầu Bắc đến các đảo ở Nam Cực mới được nhà thám hiểm William Smith phát hiện vào năm 1819. Tuy nhiên, người ta hầu như không biết gì về chuyện phụ nữ tham gia thám hiểm đến Nam Cực trong thời gian đó.
Dù sao đi nữa, việc phát hiện những mảnh xương của người phụ nữ Chile này đã đánh dấu sự khởi đầu hoạt động của con người tại Nam Cực và những tổn thất khó tránh trong nỗ lực chinh phục lục địa giá băng này.
Những chuyến đi tử thần
Nhóm thám hiểm người Anh do ông Robert Falcon Scott đứng đầu đến Nam Cực vào ngày 17-1-1912. Tại đây, ông Scott và hơn 60 thành viên trong nhóm phải đối mặt nhiều khó khăn, nổi bật là thời tiết khắc nghiệt.
Tất cả họ mắc kẹt trong lều do những trận bão tuyết dữ dội. Sau khoảng 1 tháng, thành viên Edgar Evans qua đời, sau đó tới lượt một người khác là Lawrence Oates.
Thi thể 2 người này không bao giờ được tìm thấy nhưng thi thể của ông Scott cùng 2 thành viên Edward Wilson và Henry Bowers được một nhóm tìm kiếm phát hiện vài tháng sau khi họ qua đời vào ngày 29-3-1912, theo nhật ký của ông Scott để lại.
Bi thảm không kém là chuyến đi của một nhóm nghiên cứu do ông John Ross đứng đầu từ ngày 14-10-1965. Chiếc xe kéo Muskeg chở 3 người gồm Jeremy Bailey, David Wild và John Wilson bị rơi xuống một khe nứt sâu khoảng 30 m khiến họ thiệt mạng gần dãy núi Heime Front, phía Đông Nam Cực.
Nhà thám hiểm Rod Rhys Jones đã thắc mắc liệu nhóm của ông Ross có được huấn luyện đầy đủ để đương đầu với những nguy hiểm ở Nam Cực hay không. Họ đều còn trẻ, mới tốt nghiệp đại học, ít có kinh nghiệm hoạt động trong điều kiện khí hậu cực đoan.
Phần lớn thời gian họ chuẩn bị cho cuộc thám hiểm Nam Cực là học cách sử dụng các thiết bị khoa học cần thiết chứ không phải cách tránh tai nạn trên băng.
Ông Robert Falcon Scott Ảnh: WIKIPEDIA
Bất chấp những người thám hiểm sau này ngày càng được huấn luyện bài bản, một số người vẫn gặp phải kết cục bi thảm. Trong chuyến thám hiểm đảo Petermann ở Nam Cực vào tháng 8-1982, 3 người đàn ông Ambrose Morgan, Kevin Ockleton và John Coll đã bị mắc kẹt do bão lớn.
Trong chiếc lều mà họ trú ẩn có đủ thức ăn trong hơn 1 tháng. Vì tín hiệu vô tuyến được truyền theo lịch trình định sẵn nên việc tiếp xúc với thế giới bên ngoài của nhóm bị hạn chế.
Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi họ bị tiêu chảy do thức ăn để lâu ngày.
Những người đàn ông đành giết thịt chim cánh cụt để có thêm năng lượng, duy trì sự sống. Ngày 13-8-1982, nhóm nghiên cứu nhìn thấy băng biển tái hình thành, mở ra hy vọng giúp họ rời khỏi hòn đảo.
Nhưng một cơn bão lớn xuất hiện, đánh tan mọi hy vọng trở về của 3 người đàn ông. Thi thể của họ vẫn chưa được tìm thấy cho đến bây giờ.
Đối với những người có đồng nghiệp và bạn bè nằm lại ở Nam Cực, đó là một điều khó có thể chịu đựng, nhất là khi thi thể các nạn nhân không thể tìm thấy.
"Khi bạn chờ đợi và chờ đợi nhưng không nhận được gì, bạn thấy tuyệt vọng" - nhà địa vật lý người Anh Clifford Shelley chia sẻ sau khi bị mất 3 người bạn leo núi Geoffrey Hargreaves, Michael Walker và Graham Whitfield trong một trận lở tuyết năm 1976.
Trong khi đó, ông Ron Pinder, quản lý một đài phát thanh ở quần đảo South Orkney, không thể nào quên được cái chết của người bạn Roger Filer trên đảo Signy vào năm 1961. Người này trượt khỏi vách đá khi thám hiểm tại đó và thi thể được chôn ngay trên hòn đảo.
Những cái chết nói trên khiến người ta thay đổi cách làm việc ở Nam Cực, nhờ đó chúng ta hiện có thể sống an toàn hơn tại lục địa nguy hiểm và biệt lập này. Mặc dù mối đe dọa vẫn còn đó nhưng con người ít nhiều đã rút ra được bài học từ những cái chết trong quá khứ.