Còn sau vụ việc đàn chó cắn chết bé trai 7 tuổi ở Hưng Yên, thì nhiều người nghĩ đến và lo sợ tình cảnh một ngày nào đó, bản thân cũng như con em họ sẽ là nạn nhân của những vụ bị chó cắn tương tự. Bởi trong chung cư họ đang sống, chó đã và đang xuất hiện rất nhiều.
Theo ghi nhận của PV, việc nuôi chó trong các chung cư hiện nay rất phổ biến. Tại TP.HCM, có vô số người đang sống ở các chung cư nuôi chó như: Conic Garden (H.Bình Chánh), Ehome 3 (Q.Bình Tân, Screc (Q.Phú Nhuận), Ngô Gia Tự (Q.10), Phú Thọ (Q.11)... Tiếng chó sủa inh ỏi cả ngày lẫn đêm.
Nhiều người cảm thấy bất an vì chó được nuôi ở các chung cư (Ảnh: X.P)
"Chó nhà tôi hiền lắm"
Ngay sau khi vụ đàn chó cắn chết bé trai 7 tuổi ở Hưng Yên thì trên các trang Fan Page, Group của cư dân các chung cư lại sôi động hẳn lên. Nội dung chủ yếu tập trung bàn về việc không được nuôi chó trong chung cư, dễ gây ra những hậu quả bất ngờ, nhất là việc cắn người.
Tại đây, hai "phe" liên tục đưa ra những quan điểm để bảo vệ chính kiến của mình. Một bên cho rằng cần nói không với việc nuôi chó trong chung cư. Bên còn lại thì phản biện "nuôi chó không sao cả", "chỉ có những người không yêu động vật mới không nuôi chó" (!?)...
Theo chị Trần Huỳnh Như, nhà ở chung cư Screc (Q.Phú Nhuận), thì đã có những quy định của Chính phủ về việc chó thả rông hoặc khi ra đường phải rọ mõm; chủ phải đi kèm; chó nuôi gây hậu quả nghiêm trọng thì chủ chó có thể bị xem xét xử lý hình sự; chính quyền địa phương phải có trách nhiệm giám sát đàn chó nuôi trên địa bàn, yêu cầu chủ nuôi thực hiện việc đăng ký...
"Thế nhưng hàng ngày, tôi bắt gặp hầu hết các cư dân khi dẫn chó đi dạo trong chung cư đều không thực hiện những quy định ấy, không rọ mõm, có khi chó tự do chạy khắp các hành lang chung cư...", chị Như bức xúc.
Một lãnh đạo của P.An Lạc (Q.Bình Tân) thừa nhận chưa có sự quản lý gắt gao về vấn đề giám sát chó nuôi trên địa bàn, cũng như chưa xử lý vụ nào về việc chủ để chó thả rông, không đeo rọ mõm, không đăng ký khi nuôi chó.
Chính việc lơ là của cả những người chủ nuôi chó, lẫn việc lơ là trong công tác quản lý của chính quyền địa phương, càng khiến người dân ở các chung cư lo lắng hơn.
"Mới đây, vào ngày 4/4, khi vừa bước qua nhà bên cạnh, tôi đã bị con chó trong nhà ấy gầm gừ, định nhào ra cắn khiến tôi phải toang bỏ chạy. Đã rất nhiều lần phải "khóc dở mếu dở" như thế chỉ vì trong chung cư tôi ở có... quá nhiều người nuôi chó", chị Đặng Thụy Vy, nhà ở chung cư Ehome 3 (Q.Bình Tân), kể lại.
Chị Phan Thị Oanh, nhà ở chung cư Ngô Gia Tự (Q.10), thì cho biết con mình đã từng là bị chó cắn đến rách mặt.
"Nhiều lần phát hoảng vì hai bên căn hộ của mình có nuôi chó nên đã khuyên họ đừng nuôi chó, hoặc cần quản lý chó không được để chó chạy khắp nơi trong chung cư, ảnh hưởng đến người khác, cắn trẻ em trong chung cư... Đáp lại, họ chỉ nói "không sao đâu, chó nhà tôi hiền lắm", "chó nhà tôi không cắn người đâu, đừng lo"... Thế rồi chính con tôi lại bị chó của họ cắn", chị Oanh bức xúc.
Nhiều chung cư không cho các cư dân nuôi chó. Nhưng thực tế thì nhiều người vẫn làm ngơ nội quy (Ảnh: X.P)
Không chỉ cắn, chó ở chung cư còn gieo vô số phiền toái khác
Đại diện ban quản lý ở nhiều chung cư tại TP.HCM, thừa nhận việc nuôi chó trong chung cư dễ làm ảnh hưởng tới trật tự, mỹ quan, môi trường sống ở chung cư.
Hầu hết trong các nội quy của chung cư đều không cho nuôi chó, thế nhưng tình trạng này vẫn tồn tại và khá phổ biến. Nguyên nhân vì một số cư dân ngó lơ cũng như phản đối nội quy.
Đại diện ban quản lý chung cư Phú Thọ (Q.11), cho biết tại đây có nhiều hộ dân nuôi chó, và chưa thể cấm được.
"Chỉ có thể khuyên họ không được nuôi chó lớn. Còn chó cảnh thì phải trông coi cẩn thận, không để chó phóng uế làm ảnh hưởng đến môi trường sống", người này cho biết.
Vì chó vẫn còn xuất hiện, được nuôi ở nhiều chung cư. Thế nên bên cạnh mối lo bị chó cắn, nhiều người ở chung cư còn phản ánh cảm thấy bị phiền phức với những gì mà chó gây ra.
"Có khi 1, 2 giờ sáng, đang chìm vào giấc ngủ ngon thì lại bị "đánh động" bởi tiếng sủa ầm ĩ bởi chó đang được nuôi ở căn hộ đối diện. Cảm thấy bực không thể tả", anh Hoàng Anh Bình, ở chung cư Lê Thành (Q.Bình Tân), cho biết.
Cách đây không lâu, một thanh niên bị rớt từ lầu 3 chung cư Hoàng Diệu (Q.4) xuống đất tử vong. Mà nguyên nhân sau đó là được cho là do phải... né con chó hàng xóm.
Nhiều người còn cảm thấy e ngại việc nếu lỡ góp ý với người nuôi chó sẽ bị hù dọa. "Họ bực là họ xua chó ra sủa đề hù dọa mình. Chung cư chỗ tôi ở, từng có vụ chủ nhà kêu chó tấn công người khác", anh Nguyễn Hoàng Chung, nhà ở chung cư Ngô Gia Tự (Q.10), kể lại.
Việc để chó tự do chạy khắp nơi, tự tìm chỗ tiểu, đại tiện... cũng khiến các chung cư trở nên ô nhiễm hơn.
"Đã nhiều lần báo với ban quản lý chung cư về việc nhiều hộ dân để chó phóng uế bừa bãi trên lối đi, hành lang, cầu thang của chung cư... Thế nhưng đâu lại vào đấy. Ban quản lý thì không có động tĩnh gì, trong khi những người nuôi chó thì chưa có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung, không quản lý chó nuôi nên những hình ảnh xấu xí do chó gây ra xuất hiện khá nhiều", chị Trần Thảo Hoanh, ở chung cư Ehome 3 (Q.Bình Tân) cho biết.
Theo LS Trần Anh Tuấn (TP.HCM), thì khi chủ vật nuôi cẩu thả, không có biện pháp rào chắn súc vật, dẫn đến hậu quả chết người đối với người khác thì phải chịu trách nhiệm hình sự với hình phạt phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.