Địa vị của phụ nữ Qatar đang ngày càng được cải thiện
Qatar là quốc gia có nhiều nam giới hơn phụ nữ và có sự chênh lệch nam nữ rất lớn. Tính đến năm 2021, Qatar có 2,93 triệu cư dân thường trú, trong đó hơn 370 ngàn là công dân có quốc tịch Qatar, còn lại chủ yếu là lao động đến từ Pakistan, Ấn Độ, Ai Cập và các quốc gia khác. Theo dân số thường trú, Qatar có khoảng 2,19 triệu cư dân nam, chiếm 75% và 730.000 cư dân nữ, chiếm khoảng 25% tổng số. Tỷ lệ giới tính nam và nữ ở Qatar đã lên tới 3:1, nam nhiều gấp 3 lần nữ, vì thế trở thành quốc gia có sự chênh lệch nam nữ nhiều nhất thế giới.
Qatar là một quốc gia Ả Rập, tổ tiên chủ yếu sống bằng du mục và hái lượm. Xã hội Ả Rập truyền thống gắn kết với nhau bằng huyết thống, hình thành các gia đình, thị tộc và bộ lạc. Nam giới là lực lượng lao động quan trọng nhất và họ cũng là nguồn binh lính để bảo vệ lợi ích của bộ tộc trong chiến tranh. Trong gia đình, phụ quyền và phu quyền cũng chiếm ưu thế chủ đạo, còn phụ nữ được coi là “tài sản” có thể lấy chồng, sinh con. Những người dân du mục Ả Rập, thế hệ tổ tiên người Qatar là những người như vậy. Ngày nay, ngay cả khi cuộc sống đã trải qua quá trình đô thị hóa, các đặc tính bộ lạc còn sót lại của người Qatar vẫn còn ảnh hưởng. Ở Qatar, một số lượng đáng kể phụ nữ kết hôn trong độ tuổi từ 14 đến 17 và sống cuộc đời thờ chồng nuôi con.
Mặc dù luật pháp Qatar công nhận phụ nữ có thể học đại học và đi làm, nhưng phụ nữ Qatar cũng thường có thu nhập ít hơn nam giới dù ở vị trí tương đương. Nam giới cũng được ưu tiên hơn phụ nữ trong vấn đề quyền thừa kế tài sản. Trong hoàn cảnh đó, người Qatar thích sinh con trai để thừa kế tài sản của gia đình và tiếp nối thế hệ. Sự lựa chọn chủ quan này rõ ràng có ảnh hưởng nhất định đến tỷ lệ giới tính.
Tình trạng nam nhiều hơn nữ cũng ảnh hưởng đến hôn phối bình thường. Để đàn ông Qatar được kết hôn thuận lợi, phụ nữ Qatar rất khó kết hôn với đàn ông nước ngoài. Bởi vì con cái của phụ nữ Qatar và đàn ông nước ngoài không thể có quốc tịch Qatar, cũng như không được thừa kế tài sản của người mẹ.
Nếu đối tác là người không theo đạo Hồi, cuộc hôn nhân sẽ bị chính phủ Qatar coi là bất hợp pháp. Điều này chắc chắn đặt ra một cái ngưỡng vô hình cho việc phụ nữ Qatar lấy chồng người nước ngoài. Lại thêm thực tế là người Qatar thường coi trọng hôn nhân nội tộc, hầu hết các gia đình hy vọng kết hôn với người trong bộ lạc hay thị tộc và coi phụ nữ lấy chồng bên ngoài là một sự tổn thất. Do đó, quyền tự do kết hôn của phụ nữ Qatar đã bị hạn chế và chỉ giới hạn trong phạm vi đất nước của họ.
Vì nam nhiều hơn nữ, đàn ông Qatar phải đối mặt với tình thế khó khăn chi phí hôn nhân cao, bởi vì, đàn ông các nước Ả Rập khi kết hôn phải trả một khoản tiền sính lễ cho nhà gái. Vào năm 2010, để kết hôn với một cô dâu Qatar cần phải chi phí khoảng 100.000 riyals (khoảng 665 triệu VND). Ngày nay, giá món sính lễ nói chung đã tăng lên 150.000, thậm chí 300.000 riyals (khoảng 1,05 đến 2,1 tỷ VND).
Mặc dù Qatar nổi tiếng về sự giàu có, nhưng thu nhập bình quân hàng năm của người dân bình thường ở nước này chỉ là 274.600 riyals (75.400 USD/năm). Nhiều gia đình Qatar có không chỉ một con trai và phải trả tiền mỗi khi họ kết hôn, món tiền sính lễ đắt đỏ như vậy rõ ràng sẽ khiến họ choáng ngợp. Tuy nhiên, không ai có thể từ chối trả món tiền sính lễ cao, xét cho cùng, khi có nhiều đàn ông hơn phụ nữ thì gia đình người phụ nữ có nhiều sự lựa chọn hơn.
Không phải chính phủ Qatar không biết đến vấn đề nam nhiều hơn nữ. Trong những năm gần đây, họ đã thực hiện hàng loạt cải cách và đề ra chính sách ủng hộ hôn nhân nhằm giảm bớt áp lực. Ví dụ, chính phủ Qatar sẽ cung cấp “khoản vay đính hôn” lên tới 300.000 riyals cho những người đàn ông đã đến tuổi kết hôn và tổ chức đám cưới miễn phí cho các cặp đôi có quốc tịch Qatar.
Trong khi đó, đàn ông Qatar cũng dấy lên làn sóng kết hôn với cô dâu nước ngoài, các cô dâu đến từ các quốc gia vùng Caucasus ở châu Âu được hoan nghênh nhất. Tuy nhiên, pháp luật Qatar yêu cầu đàn ông Hồi giáo chỉ được kết hôn với phụ nữ Hồi giáo, còn các phụ nữ nước ngoài nếu kết hôn với đàn ông Qatar phải cải đạo. Cộng thêm bầu không khí “trọng nam khinh nữ” mạnh mẽ và việc Qatar công nhận tính hợp pháp của chế độ đa thê, không có nhiều cô dâu nước ngoài thực sự sẵn sàng kết hôn với đàn ông Qatar.
Điều đáng chú ý là trong những năm gần đây, tỷ lệ giới tính của trẻ vị thành niên trong độ tuổi từ 0 đến 15 ở Qatar ngày càng thu hẹp và dần trở nên cân bằng hơn, đang tiến gần tới 1:1. Điều này có nghĩa là, ở thế hệ sau, tình trạng mất cân bằng giới tính của Qatar sẽ được cải thiện rất nhiều.