Chuyện vui kể rằng, có vợ chồng nhà hàng xóm chuyên đánh chửi nhau. Mỗi lần họ đánh nhau, dân làng nghe giọng ông chồng hét rất to "mày chết chưa, mày chết chưa" sau mỗi cú đấm huỳnh huỵch.
Làng xóm sợ lão chồng đánh chết cô vợ liền sang can ngăn. Thật lạ lùng, họ thấy bà vợ to béo đang ngồi trên bụng chồng và đấm tới tấp vào mặt trong khi ông chồng quát tháo như đang đánh vợ.
Đó là nỗi xấu hổ của đàn ông khi bị vợ đánh, không dám kêu toáng lên "ối làng nước ơi, vợ tôi nó đánh tôi này". Để vợ đánh là một nỗi nhục, thua vợ là nỗi nhục khác, kêu làng tới giúp thì không còn nỗi nhục nào hơn.
Nếu còn kêu la, ối giời ơi, vợ tôi nó hiếp tôi, thì cả làng sẽ nghĩ Chí Phèo say rượu gặp Thị Nở trong vườn chuối.
Như một định kiến cả thế giới chấp nhận, đàn ông mới hiếp dâm đàn bà, chứ đàn bà thì không thể. Chuyện này xảy ra khắp thế giới, không riêng gì châu Á mà đàn ông thấp bé nhẹ cân. Đàn ông Âu Mỹ to cao cũng bị vợ đánh, vợ hiếp, mới cần có luật chống hiếp dâm áp dụng cho cả hai giới.
Tự cho mình là phái mạnh nên không thể thua và cũng vì thế mà các ông hay chọn các bà thấp bé nhẹ cân hơn mình, phòng khi nàng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, hay đè ra giường.
Các câu chuyện về lạm dụng tình dục hầu hết liên quan đến ông già dụ dỗ các cháu gái trẻ, trong khi có nhiều trường hợp các bà lạm dụng các bé trai mới lớn thì ít được biết đến hơn.
Mấy năm trước báo của Úc rộn lên tin anh Aaron Gilmore ở tuổi teen 12 bị bà bạn của mẹ lạm dụng tình dục. Khi báo cảnh sát thì được nghe câu trả lời "không biết đó là loại tội gì". Cô giáo thấy trò chểnh mảng học hành và tìm ra nguyên nhân. Người đàn bà lạm dụng bị phạt vì tội hiếp dâm vị thành niên và ngồi tù 5 năm.
Chuyện của anh Gilmore chỉ là một trong hàng triệu trường hợp trên thế giới, có khi biết được, có khi chả bao giờ được nói đến bởi đơn giản, đàn ông ai lại yếu thế, để đàn bà hiếp.
Thống kê ở Anh cho biết, trong thực tế có tới 40% đàn ông bị đánh, bị sỉ nhục và bị lạm dụng tình dục, kể cả hiếp dâm tại gia đình so với 60% phụ nữ là nạn nhân, vì đàn ông xấu hổ không dám gọi cảnh sát hay đưa ra tòa.
Cứ 5 người bị lạm dụng trong gia đình thì có hai người thuộc giới nam, nhưng với dư luận bên ngoài, người ta chỉ nhìn thấy ba người phụ nữ là nạn nhân.
Đàn ông, đàn bà sinh ra đều có quyền bình đẳng, trong đó có quyền bình đẳng trước pháp luật. Quy định bình đẳng về tội hiếp dâm cũng là điều cần thiết.
Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã bắt đầu có hiệu lực, có quy định về tội hiếp dâm.
Khoản 1, Điều 141, Bộ luật Hình sự 2015 quy định "Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm".
Quy định này kế thừa nguyên vẹn Khoản 1 Điều 111, Bộ luật hình sự 1999.
"Người nào" nghĩa là bất kể nam hay nữ cũng đều có thể trở thành tội phạm hiếp dâm nếu có hành vi ép người khác quan hệ tình dục.
Điều này cho thấy, đã từ lâu, pháp luật Việt Nam không hề phân biệt giới tính trong việc xác định chủ thể và nạn nhân của hành vi hiếp dâm, lạm dụng tình dục. Chỉ có trên thực tế, xã hội vẫn có tâm lý cho rằng phụ nữ không thể, hoặc khó có thể, phạm loại tội này.
Đàn ông cũng như đàn bà cần được đối xử công bằng trước luật pháp. Không thể có chuyện đàn bà ngoại tình bị đối xử tàn nhẫn và đàn ông được tha thứ. Đàn ông hiếp dâm bị phạt nặng như thế nào thì đàn bà hiếp đàn ông cũng phải xử y chang một khung hình phạt. Cả hai giới đều có công cụ để thực hiện hành vi hiếp dâm thì họ phải bị xử như nhau về cùng một tội
Xã hội phương Đông cần phải thay đổi. Nếu còn chuyện trọng nam khinh nữ, đàn ông tự trọng quá không dám lên tiếng, coi thường phụ nữ, thì chuyện một bà ngồi trên bụng chồng đánh tới tấp mà lão chồng lại hét như đang tẩn vợ "Mày chết chưa" sau mỗi cú đấm của vợ sẽ vẫn còn tiếp diễn.