Dân Mỹ sợ tới bể bơi vì "sát thủ" bé nhỏ này, chuyên gia Việt cảnh báo

Bình Minh Xanh - Hoa Hướng Dương |

Công bố của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC) về vi khuẩn bể bơi đăng trên tạp chí nổi tiếng Business Insider khiến chúng ta không thể không lưu tâm.

Người Mỹ e sợ

Theo tạp chí hàng đầu thế giới về khoa học công nghệ Business Insider, tắm ở bể bơi công cộng dễ mắc nguy cơ nhiễm trùng bào tử Cryptosporidium hay còn được gọi là Crypto.

Năm 2016 đã có hơn 30 điểm bùng phát dịch Crypto ở Mỹ, tăng gấp đôi so với năm 2014.

Chỉ cần tiếp xúc với phân người bệnh (như nước hồ bơi) cũng có thể nhiễm vi khuẩn này. CDC cảnh báo, nhiễm trùng Crypto có thể khiến "người bơi bị bệnh tiêu chảy kéo dài đến 3 tuần, cùng các biểu hiện khác như buồn nôn, hoặc nôn mửa, mất nước".

Việc kiểm soát và cấm người bị các căn bệnh truyền nhiễm hay tiêu chảy đến hồ bơi là điều bất khả thi, hơn nữa thống kê chỉ ra hơn 25% người đến hồ bơi thường xuyên có các hành động mất vệ sinh ngay trong bể bơi!

Đây cũng là tỷ lệ người cho rằng họ sẽ bơi một giờ sau khi bị tiêu chảy, trong đó hơn một nửa thừa nhận không tắm trước khi xuống nước (theo kết quả của một cuộc khảo sát mới thực hiện của Hội đồng Chất lượng và Y tế về nước của Mỹ - WQHC ).

Vì thế, hạn chế uống nước hồ bơi, tắm rửa sạch sẽ trước khi xuống hồ bơi, nhất là người bị bệnh tiêu chảy là những gì các chuyên gia khuyến cáo nhằm hạn chế việc lây lan Crypto.

Hơn nữa, Crypto rất khó tiêu diệt dù bể bơi có thường xuyên được thay nước hay khử trùng bằng clo (chúng có thể sống tới 10 ngày trong điều kiện nước chứa clo trong khi các vi khuẩn khác gần như bị diệt sạch sau vài phút).

Dân Mỹ sợ tới bể bơi vì sát thủ bé nhỏ này, chuyên gia Việt cảnh báo - Ảnh 1.

Hồ bơi đông người khiến các bệnh truyền nhiễm càng dễ lây lan. Ảnh Internet.

Từ chuyện ở Mỹ, người muốn đi bể bơi ở Việt Nam cần lưu ý điều gì?

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Đại học khoa học Tự Nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Cryptosporidium parvum là một loại vi khuẩn khá phổ biến thường gặp ở các bể bơi. Đây là một loài ký sinh đơn bào gây ra hội chứng cryptosporidiosis, một bệnh ký sinh tại ống ruột con người.

Triệu chứng chính khi nhiễm Cryptosporidium parvum cấp tính là chảy nước, tiêu chảy không ra máu. Các triệu chứng khác có thể bao gồm chán ăn, buồn nôn/nôn và đau bụng. Nếu vi khuẩn ở vị trí ngoài đường ruột bao gồm phổi, gan và túi mật, có thể gây ra viêm gan và viêm túi mật.

Nguy cơ nêu trên đặt ra đòi hỏi về quy trình thau rửa để loại bỏ vi khuẩn của các bể bơi hiện nay.

Về vấn đề này, PGS Trần Hồng Côn cho rằng, bể bơi đạt chất lượng phải đảm bảo thay nước, cọ rửa và khử trùng nước theo quy định, ít nhất 1 lần/tuần nếu bể bơi dùng nước giếng khoan, không có hệ thống lọc tuần hoàn và xử lý bằng hóa chất.

Đối với các bể bơi có hệ thống lọc tuần hoàn thì tối thiểu 1 lần/ngày phải làm vệ sinh thành bể và hút cặn, bơm bù đủ nước. Nước bể bơi phải đáp ứng được chỉ tiêu chất lượng nước sinh hoạt theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt.

Tuy nhiên, cũng theo PGS Côn hiện nay chất lượng các bể bơi còn là dấu hỏi lớn, bởi thực tế cho thấy qua kiểm tra cơ quan chức năng phát hiện có những bể bơi không đảm bảo chất lượng quy định.

Ngoài ra, theo PGS Côn, hiện các bể bơi chủ yếu dùng dung dịch Zavel hoặc Clorua vôi để tẩy rửa bể bơi. Bên cạnh đặc tính khử vi khuẩn rất hữu ích của hai hóa chất này, nó cũng có một số tác dụng phụ có thể gây tác hại. Hai loại dung dịch hóa chất này có mùi rất đặc biệt khá khó chịu, thậm chí với nồng độ cao gây khó thở.

Dân Mỹ sợ tới bể bơi vì sát thủ bé nhỏ này, chuyên gia Việt cảnh báo - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Hồng Côn.

Ngoài ra, Clorua vôi còn có thể gây kích ứng cho một số loại da gây ngứa, rát.

Chính vì vậy, ngày nay, một số công ty đã phát triển một số loại hóa chất khác là Nano bạc để thay thế cho Zavel và Clorua vôi.

"Cụ thể tại Mỹ và Anh, tỷ lệ bể bơi dùng Nano bạc lên tới 70-80% song tại Việt Nam tỷ lệ số bể bơi ứng dụng công nghệ Nano bạc chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Sở dĩ có điều này là nước ta chưa có quy chuẩn kỹ thuật cho việc dùng công nghệ Nano bạc nên Zavel và Clorua vôi vẫn là giải pháp cho việc khử trùng tại bể bơi", PGS, TS Trần Hồng Côn cho biết.

Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh tật qua bể bơi, theo PGS.TS Trần Hồng Côn, các bể bơi cần yêu cầu khách hàng thực hiện nghiêm quy định tắm nước sạch trước khi lên, xuống bể bơi để hạn chế nguy cơ lây lan bệnh.

Bản thân mỗi người đi bơi cũng nên nâng cao ý thức cộng đồng bằng việc nếu phát hiện bản thân mắc bệnh, nhiễm khuẩn thì tuyệt đối không nên đi bơi. Khi đi bơi không nên "ngại lên bờ" mà đi vệ sinh trong bể bơi, như vậy vừa không tốt cho bản thân vừa gây nguy hiểm tới những người xung quanh.

"Ngoài ra, khi đi bơi người dân cần sử dụng kính bơi chặt, tránh nước bể xâm nhập vào mắt, cũng như vệ sinh cơ thể bằng thuốc nhỏ mắt, bông tai sau khi đi bơi để tránh lây nhiễm các bệnh tiêu chảy, viêm kết mạc…".

PGS Trần Hồng Côn chỉ ra cách nhận biết bể bơi đảm bảo chất lượng: Nước trong khi nhìn bằng mắt thường và không có mùi hóa chất. Nếu bể bơi nước vẩn đục hoặc có mùi gây sốc đặc trưng đó là bể bơi xử lý nước chưa tốt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại