Ngày 26/7, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về một nữ công nhân làm việc tại một khu công nghiệp nhiễm HIV, sau đó khiến nhiều đồng nghiệp nam cùng nhiễm khiến dư luận xôn xao. Mặc dù thông tin này chưa hề được kiểm chứng, xác thực nhưng đã có rất nhiều người dùng mạng chia sẻ với mục đích câu tương tác trên MXH. Thậm chí, các bài đăng này còn đính kèm hình ảnh của người phụ nữ cùng danh sách những người có liên quan kèm kết quả xét nghiệm.
Việc đăng tải thông tin như trên để lại rất nhiều hệ lụy. Đầu tiên, nó ảnh hưởng trực tiếp tới những người liên quan khi thông tin tiêu cực về họ bị phát tán cùng hình ảnh và danh tính cũng như nơi làm việc. Hơn nữa, khi có yếu tố truyền nhiễm HIV, những thông tin này sẽ gây hoang mang lớn trong dư luận và đặc biệt là gia đình, vợ con những người liên quan, khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. Thậm chí, có trường hợp gặp rắc rối chỉ vì trùng tên với những người có trong bản danh sách chưa được kiểm chứng kia. Vì thế hành vi này cần phải lên án mạnh mẽ.
Hơn nữa, việc chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng, xác thực là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ khiến chính những người chia sẻ thông tin trên "lãnh hậu quả". Thông tin sai sự thật là những thông tin chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt hoặc là những thông tin không chính xác, không có thật. Bất kì một ai chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt hoặc chia sẻ những thông tin không chính xác ấy thì được xem là chia sẻ thông tin sai sự thật.
Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội nói riêng, hầu hết mỗi người dân đều có cho mình ít nhất một tài khoản mạng xã hội. Rất nhiều người, cho rằng tài khoản mạng xã hội chỉ là ảo, muốn nói gì, đăng gì cũng được vì sẽ không ai biết mình là ai, vì thế nhiều người vô tình, hoặc cố tình đã chia sẻ những thông tin thiếu kiểm chứng lên trang cá nhân hoặc các hội nhóm và gây ảnh hưởng tiêu cực lên cả xã hội. Nhưng trên thực tế, đã có rất nhiều người bị xử phạt về hành vi này. Tâm lý hiếu kỳ, sự ham muốn những tương tác ảo trên MXH cùng sự thiếu hiểu biết pháp luật đã khiến họ vi phạm pháp luật mà không hay.
Nút share, không vô hại như nhiều người vẫn nghĩ.
Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị xử lý thế nào?
Theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022), quy định “phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân,… thì tùy vào hành vi khách quan, khách thể, chủ thể của hành vi phạm tội cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra mà Bộ luật Hình sự 2015 điều chỉnh, quy định trong nhiều điều luật với các tội phạm cụ thể như: Tội vu khống (Điều 156); Tội làm nhục người khác (Điều 155); Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159); Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân (Điều 331); Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước (Điều 337); Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước (Điều 338); Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác (Điều 361); Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác (Điều 362)…
Khi có hành vi cụ thể xảy ra, dựa trên tính chất, mức độ và hậu quả, tác hại do hành vi đó gây ra, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự 2015, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Nghị định số 14/2022/NĐ-CP để đánh giá và có hình thức xử lý phù hợp.
Phát tán, chấm hóng xin link clip có thể bị phạt tù
Từng nhận định về hiện tượng xấu này, dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, đây là hành vi không thể chấp nhận được. Việc xin link, chấm hóng không khác gì tiếp tay cho việc truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.
Theo đó, luật sư Hùng phân tích, người phát tán những video nóng của người khác lên mạng xã hội có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm. Trong trường hợp bị xử phạt hành chính, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
"Tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, người chia sẻ clip nhạy cảm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Hùng nhấn mạnh.
Theo đó, trực tiếp tung clip nóng hay tiếp tay kiểu "xin link", "share link" cũng đều thuộc vào hành vi phát tán clip nóng.
Căn cứ Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định, người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB);
- Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh;
- Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị;
- Phổ biến cho từ 10 người đến 20 người;
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Bên cạnh đó, hành vi chia sẻ clip nóng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo điểm e khoản 2 Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt tù từ 03 tháng - 02 năm.