Kỳ chốt hóa đơn tiền điện tháng 4 ở TP.HCM chiều 2/5, loạt bà nội trợ than "nhức đầu, chóng mặt" khi cầm hóa đơn thanh toán. Nhà dùng nhiều thì hóa đơn vọt lên một vài triệu, nhà dùng ít cũng bị cộng thêm vài trăm nghìn đồng. Không ít gia đình tiền điện tháng 4 tăng gấp đôi, gấp 3 so với mức tiêu thụ bình thường. Nhiều người ví von "tiền điện nhảy vọt như giá vàng", "đóng tiền điện mất gần nửa tháng lương".
Tiền điện "thâm" tiền chợ
Chị Mai, làm việc tại một ngân hàng ở Quận 1, cho biết, nhà chị vốn dùng nhiều, tháng nào cũng chi 3 - 4 triệu đồng trả tiền điện. Nhưng tháng này chị thực sự sốc với hóa đơn gần 7,7 triệu đồng.
Chị Thảo (ngụ quận Bình Thạnh) than đã trả thâm một phần tiền chợ tháng này cho hóa đơn điện 3,5 triệu đồng. Hóa đơn điện tháng 4 đã chiếm mất 1/3 tháng lương của chị. Bình thường nhà chị chi khoảng 2 triệu đồng cho điện, nhưng tháng này phải chi thêm 1,5 triệu, cũng vì “nóng quá cả nhà trốn vô phòng bật máy lạnh”.
Trong khi đó, chị Trầm Hương ở TP Thủ Đức cho biết, nhà chị đã có điện mặt trời, nhưng tháng 4 cũng phải trả gần 5,3 triệu đồng tiền điện. Thời điểm này năm trước, cũng mức xài tương tự như vậy mà chưa có điện mặt trời hỗ trợ, chị trả quanh mức 4 triệu đồng.
Suốt chiều 2/5, câu chuyện tiền điện trở thành thời sự của nhiều nhân viên văn phòng ở TP.HCM. Mạng xã hội sục sôi với những chia sẻ hài hước “khoe độ giàu có qua hóa đơn tiền điện”, “dân chơi bây giờ là nói thật hóa đơn điện tháng 4”, “tiền điện lấy mất nửa tháng lương”… Loạt hóa đơn tiền điện phải trả từ 2 - 5 triệu đồng được chị em chia sẻ, kèm ví von “điện tháng 4 nhảy vọt như giá vàng”.
Một số người còn cẩn thận in cả hóa đơn tháng 2, tháng 3 để nhìn thấy mức tăng. Anh Tuấn Nguyễn ở Quận 7, cho biết, tiền điện nhà anh tăng dần đều, với tháng 2 là hơn 1,2 triệu đồng, tháng 3 lên gần 1,4 triệu đồng và tháng 4 vừa thanh toán hơn 1,86 triệu đồng, dù cả nhà vẫn đi làm, đi học, chủ yếu sử dụng nhiều từ sau 17h đến sáng hôm sau.
Gia đình chỉ có 3 người đi làm cả ngày, chị Hà Lê cũng “khoe” hóa đơn điện nhà chị tháng 2 khoảng 688.000 đồng, tháng 3 lên 852.000 đồng và tháng 4 hơn 1,1 triệu đồng.
Có người còn cẩn thận nhìn chỉ số điện trên đồng hồ mỗi ngày. Anh Thành Khải cho biết anh quan sát những ngày cuối tháng 4 chỉ số điện tăng vọt. Bình thường mỗi ngày nhà anh xài 12-15kWh, nhưng tháng 4 mỗi ngày vọt lên 18-20kWh.
Đặc biệt 10 ngày cuối tháng 4 gần như ngày nào cũng ở mức 30kWh dù gia đình đã ý thức tiết kiệm, hạn chế bật đèn, không xài nước nóng và thường tập trung một nơi để sử dụng quạt, máy lạnh.
Lượng điện tiêu thụ cao chưa từng có ở TP.HCM
Thông tin về lượng điện tiêu thụ của nhiều gia đình tăng cao trong tháng 4, đại diện ngành điện TP.HCM, cho biết theo quy luật thời tiết, quý 2 hàng năm khu vực TP.HCM sẽ bước vào giai đoạn cao điểm nắng nóng, nhiệt độ có thể trên 37 độ C. Số giờ nắng nóng trong ngày cũng nhiều hơn, thậm chí cả thời gian ban đêm. Do vậy, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng tăng lên.
Thống kê của Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cho thấy, tỷ lệ khách hàng sử dụng từ bậc thang giá điện bậc 6 tăng cao hơn 30%, trong khi đó những tháng trước chỉ có khoảng 20% trong tổng số hơn 2,6 triệu khách hàng ở thành phố sử dụng đến bậc giá này. Khi sử dụng điện ở bậc 5 và bậc 6 tăng tỷ lệ cao, lượng sử dụng điện tăng sẽ dẫn đến hóa đơn tiền điện cao hơn.
Cũng theo đại diện EVNHCMC, ngay trong những ngày đầu tháng 4, sản lượng điện tiêu thụ của thành phố đã tăng vọt và vượt đỉnh năm 2023, tương đương 94,8 triệu kWh (mốc ngày 6/5/2023).
Trong đó, ngày 3/4, sản lượng điện tiêu thụ của thành phố vượt mốc đỉnh 95,12 triệu kWh; ngày 4/4 lập đỉnh 95,17 triệu kWh; ngày 5/4 lên đến 96,89 triệu kWh và ngày 9/4 hơn 97,87 triệu kWh, tức tăng trên 3 triệu kWh so với mốc đỉnh năm 2023. Đây cũng là sản lượng điện tiêu thụ cao nhất, chưa có trong lịch sử tại TP.HCM. Còn 2 ngày 10 và 11/4 đều xấp xỉ 97 triệu kWh.
Còn riêng 3 tháng đầu năm, sản lượng điện tiêu thụ tại TP.HCM đã tăng 10,79%, và đây cũng là mức tăng cao nhất hơn 10 năm qua.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc EVNHCMC, cho biết dự báo quý 2 lượng điện tiêu thụ ở TP.HCM sẽ đạt mức kỷ lục "chưa từng có trong lịch sử", có ngày vượt lên 100 triệu kWh.
Theo lý giải của ông Kiên, quý II tại TP.HCM thường là cao điểm nắng nóng nhất trong năm, đặc biệt nắng nóng nhất là những ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5. Năm nay, hầu hết các ngày từ sáng sớm thời tiết đã oi bức và kéo dài đến đêm nên nhu cầu sử dụng điện tăng rất cao.
Dự báo sản lượng điện tiêu thụ trong cả tháng 5 này tiếp tục tăng đến 30 - 40% so với tháng 3. Tổng sản lượng điện tiêu thụ cực đại toàn thành phố dự báo có thể từ 99 - 100 triệu KWh/ngày; xác lập kỷ lục mới trong mùa khô năm 2024. Điều đó có nghĩa hóa đơn tiền điện của các gia đình sẽ vẫn cao trong tháng 5.
Ngành điện khuyến nghị người tiêu dùng sử dụng các giải pháp giảm lượng tiêu hao điện không đáng có, như tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, thường xuyên vệ sinh thiết bị điện; chỉ sử dụng máy lạnh khi thật cần thiết và ở chế độ, mức nhiệt phù hợp; hạn chế tối đa việc sử dụng bóng đèn sợi đốt...