Một phần đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) đang trở thành một đại công trường ngổn ngang phương tiện thi công, mặt đường được nâng lên cao hơn so với trước đó.
Đây là công trình thuộc dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương. Hai bên vỉa hè, một bức tường cao trên nửa mét được xây chắn trước nhà dân, chỉ trừ một lối nhỏ để người dân ra vào nhà.
Nhiều cột trụ, bể cống nước, trụ điện cũng được xây dựng cao hơn cả mét so với mặt đường.
Một số hộ dân đang cấp tập để nâng cao nền nhà, phần lớn còn lại tỏ ra lo lắng vì nếu dự án hoàn thành thì nhà sẽ có nguy cơ biến thành hầm vì có nhiều đoạn mặt đường mới sẽ cao hơn nền nhà cả mét.
Được biết, dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (đoạn từ vòng xoay An Lạc đến vòng xoay Mũi Tàu) dài hơn 3,5 km, rộng 48 m, hệ thống cống và công trình ngầm đã hoàn tất.
Hiện Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước đang thi công nâng cao mặt đường. Cao độ đường Kinh Dương Vương được nâng trung bình 0,7 m, vỉa hè nâng từ 0,4-1,2 m, dẫn đến việc nhà dân thấp hơn vỉa hè từ 0,6-1m.
Dự án ảnh hưởng đến 539 hộ dân hai bên mặt tiền đường, 27 cơ quan hành chính và 44 tuyến đường hẻm nối ra con đường này.
Ông Quỳnh, một người dân sống trên con đường này cho biết, dự án thi công đã gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân cũng như hoạt động kinh doanh buôn bán.
“Mặt đường sau khi nâng cao hơn rất nhiều so với nền nhà hiện tại buộc người dân phải nâng nhà lên theo. Tuy nhiên, kinh phí để nâng nhà là rất lớn”, ông Quỳnh nói.
Có mặt tại hẻm 574, (đường Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân) hàng chục ngôi nhà cũng đang nằm sâu so với mặt đường.
Một người dân cho biết, trước đây khi đường chưa nâng thì vẫn còn thấp hơn nhà nhưng khi nâng lên thì mặt đường nằm ngang với cửa sổ của căn nhà.
Mặc dù biết đường nâng lên nhà thấp di chuyển khó khăn nhưng nhiều người dân vẫn phải cam chịu chứ không thể tu sửa.
“Nhà tôi bây giờ mặt đường đã nằm cao bằng cả nửa căn nhà, sát ngay cửa sổ, nâng lên cũng không được, cái này chỉ còn các đập phá đi rồi nâng nền bằng đường sau đó lại xây dựng lại mới lại nhưng như thế thì tốn kém lắm hiện chúng tôi không kham nổi”.
Vì mặt đường cao hơn nhà nên nhiều hộ dân phải dùng gạch, đá dăm để vây thành bờ bao phía trước cửa nhà hạn chế đất đá tràn vào.
Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra lo lắng khi mùa mưa, cuộc sống của họ sẽ gặp nhiều khó khăn khi những căn nhà có nguy cơ bị biến thành “hầm” chứa nước mưa.
Không bị biến thành hầm nhưng nhà của nhiều hộ dân hai bên đường Bạch Đằng (quận Tân Bình) lại bỗng cao hơn mặt đường cả mét sau khi con đường này được nâng cấp, hạ cốt nền. Nhiều hộ dân phải bắc cầu thang để di chuyển vào nhà.
Tại TP.HCM, tình trạng nhà thấp hoặc cao hơn mặt đường sau khi sửa chữa không hiếm. Nhiều con đường cũng rơi vào tình cảnh tương tự như đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), Quốc Lộ 50 (huyện Bình Chánh), dọc theo đường kênh Tân Hóa….
Mới đây, trong cuộc thị sát tại dự án thoát nước đường Kinh Dương Vương, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã phê bình các cơ quan chức năng và đơn vị thị công dự án đã làm chưa tốt việc công bố quy hoạch, lấy ý kiến của người dân và lựa chọn thời điểm thi công trúng vào mùa mưa gây nhiều khó khăn cho người dân.
Chủ tịch thành phố cũng đã yêu cầu thống kê thiệt hại và có phương án hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dự án.
Trước đó, Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường đã có kiến nghị UBND TP.HCM xem xét về chính sách hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng từ những dự án xây dựng hạ tầng như nâng đường, hẻm khiến mặt đường cao hơn nền nhà được vay ưu đãi để nâng nền, sửa chữa nhà.
CafeLand ghi nhận một số hình ảnh “khó tin” tại một số con đường sau khi được cải tạo, nâng cấp:
Mặt đường Kinh Dương Vương đang nược cải tạo nâng cao.
Những ống trụ được xây cao vượt mặt đường.
Bức tường chắn trước nhà gây nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh buôn bán của người dân.
Nhiều ngôi nhà nằm sâu dưới mặt đường tại hẻm 574, đường Kinh Dương Vương.
Kinh phí để sửa nhà, nâng nền đang là khó khăn lớn với nhiều hộ dân.
Cách đối phó tạm thời ngăn không cho nước tràn vào nhà khi trười mưa.
Đường Bạch Đằng (quận Tân Bình) sau khi cải tạo nằm thấp hơn so với nền nhà của người dân.
Kinh doanh buôn bán của các cửa hàng trên con đường này gặp nhiều bất lợi.