Cơ sở phơi sấy cá cơm nói trên có liên quan tới một người Trung Quốc tên là A Ngọc, người này đến Phú Quốc bằng visa du lịch.
Bà Trần Kim Dung, nhà ở cạnh cơ sở, cho biết trước đây nơi này là cơ sở chế biến mực tươi và vài tháng nay chuyển sang phơi sấy cá cơm.
Hằng ngày một lượng lớn cá cơm được xe tải chở tới để công nhân hấp rồi đem phơi trong khuôn viên cơ sở. Cá tươi, nước thải từ việc sơ chế cá bốc mùi hôi thối cả khu vực.
Có hôm nước thải từ bể chứa tràn ra đường rồi theo con dốc chảy tràn xuống nhà dân gần đó. Chịu không nổi với ô nhiễm, người dân đã phải dùng đá làm vật cản và dựng biển "cấm xe chở cá".
Con đường này trước đó do người dân tự góp tiền xây dựng.
Theo người dân, cách đây vài năm có một người đàn ông Trung Quốc tên là A Ngọc đến mua đất của bốn hộ dân ở đây và để cho một người tại địa phương đứng tên mở cơ sở thu mua hải sản.
Cơ sở phơi sấy cá cơm này do A Ngọc cùng với bà Ngô Thị Cẩm Nhung (ngụ tại thị trấn An Thới) điều hành.
Ông Phan Quốc Thới - chủ tịch UBND thị trấn An Thới - xác nhận có việc cơ sở phơi sấy cá cơm gây ô nhiễm và từng bị chính quyền địa phương lập biên bản.
Bà Nhung đứng ra đại diện xin được duy trì hoạt động đến cuối năm nhưng người dân xung quanh không đồng ý.
Theo ông Thới, trong tháng 7 có một đoàn kiểm tra môi trường của tỉnh ra kiểm tra tại thị trấn, ông đã đề nghị kiểm tra luôn cơ sở này nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi.
Ông Thới cũng xác nhận cơ sở phơi sấy cá cơm nói trên có liên quan tới một người Trung Quốc tên là A Ngọc, người này đến Phú Quốc bằng visa du lịch.