Dân chấm điểm cán bộ, nạn nhũng nhiễu, 'vòi vĩnh' sẽ giảm

VĂN KIÊN |

Xây dựng các cơ chế độc lập để người dân giám sát và phản hồi về chất lượng dịch vụ hành chính công sẽ là động lực mạnh mẽ tạo ra thay đổi trong suy nghĩ và ứng xử của cán bộ hành chính công theo hướng, đơn vi cung cấp dịch vụ phải làm hài lòng người dân thay vì áp đặt quyền lực như trước.

Sáng 29/8, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã phối hợp Tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định về cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Chính phủ kiến tạo cần tập trung xây dựng thể chế, cải cách thủ tục hành chính, thay dần tư duy quản lý sang một nhà nước lấy người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu phục vụ, nỗ lực tháo gỡ mọi rào cản, khó khăn.

Ông Dũng lấy ví dụ từ việc Thủ tướng cho mở trang web kết nối Chính phủ với doanh nghiệp, Chính phủ với người dân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ do người đứng đầu Văn phòng Chính phủ chủ trì để tiếp nhận mọi vấn đề liên quan đến kiến nghị của DN, người dân, sàng lọc và chuyển ý kiến đến các đơn vị, địa phương để giải quyết.

Theo đó, website "Chính phủ với người dân" thì đã có công cụ thể hiện sự đánh giá, cho điểm của người dân với kết quả giải quyết của các cơ quan, website "Chính phủ với doanh nghiệp" cũng đang được yêu cầu viết lại phần mềm theo hướng này.

"Như thế, nếu việc giải quyết các kiến nghị không tốt, người dân sẽ cho điểm kém, điểm xấu, điểm zero với cơ quan quản lý nhà nước.

Đó là động lực thúc đẩy chất lượng giải quyết công việc. Thủ tướng vẫn luôn nhắc chúng tôi, người ngứa đầu lại chỉ được gãi… chân sẽ cho điểm rất xấu với cơ quan nhà nước",Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh,

Bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cao cấp Chương trình Quản trị của Oxfam tại Việt Nam cho rằng, việc người dân được phản hồi về chất lượng dịch vụ hành chính công sẽ trở thành động lực mạnh mẽ giúp thay đổi thái độ, hành vi của cán bộ hành chính và chất lượng dịch vụ.

Điều này cũng tạo ra thay đổi theo hướng là đơn vị cung cấp dịch vụ thì phải làm hài lòng khách hàng, thay vì là đơn vị áp đặt quyền lực như trước đây.

"Cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm trong cải cách hành chính công là tư duy hiện đại, phù hợp với vai trò và chức năng của một "chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động", chuyển từ nền hành chính mang nặng tư duy quản lý kiểu cũ sang tư duy phục vụ", bà Hương nói và cho rằng việc này sẽ loại bỏ mọi chi phí không chính thức.

Từ đó bà Hương kiến nghị, Nghị định cần quy định các cơ chế khách quan, độc lập với các phương pháp và tiêu chỉ để người dân và doanh nghiệp tham gia giám sát dịch vụ hành chính công; trong đó có tính đến các điều kiện phù hợp để các nhóm yếu thế như người dân tộc thiểu số và người khuyết tật tham gia phản hồi và giám sát.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại