Nhìn qua những hình ảnh Đàm Vĩnh Hưng trò chuyện cùng chủ nợ vào những ngày đầu năm mới, nhiều người dễ hình dung nam ca sĩ đang bị siết nợ tận nhà với món nợ đỏ đen mà mẹ anh gây ra trước đó. Tuy nhiên, Đàm Vĩnh Hưng xác nhận, chính anh chủ động mời chủ nợ đến nhà để cùng giải quyết và mọi chuyện đã ổn thỏa với lời nhắn cuối anh dành cho mẹ: "Mẹ ơi, con đã già rồi"!.
Sau ồn ào "tố" mẹ nợ nần năm ngoái, tuyên bố lần cuối cùng trả nợ của Đàm Vĩnh Hưng mới đây nhận được nhiều chia sẻ, cảm thông khi cho rằng anh đã có cách xử sự hợp tình, hợp lý. Nhưng ngẫm kĩ, dường như vẫn có gì đó "sai sai" phía sau hình ảnh tưởng rất cần được cảm thông ấy.
Với khoản nợ vài chục tỷ đồng của mẹ ruột, Đàm Vĩnh Hưng đứng trước những lựa chọn khác nhau. Hoặc nhờ cơ quan chức năng phối hợp can thiệt theo chữ "lý", hoặc nương vào chữ "tình". Và với tất cả những gì đã từng diễn ra cho đến thời điểm hiện tại có vẻ như Đàm Vĩnh Hưng thiên về chữ "tình": Lụy tình!
Vì thiếu thốn tình cảm từ nhỏ, hoàn cảnh gia đình đặc biệt nên Đàm Vĩnh Hưng hết lần này tới lần khác, hết tháng này qua năm nọ trả nợ cho mẹ. Tuy nhiên, cái chữ "tình" của Đàm cũng... khác người! Nhiều người vì lụy tình mà im lặng, không "vạch áo", "tố" người thân trước thiên hạ trong khi Đàm Vĩnh Hưng phải tuyên ngôn, không chỉ "live stream" mà còn công khai hình ảnh dàn xếp với chủ nợ để thiên hạ biết anh đang giải quyết bởi chữ "tình". Chẳng biết anh có trăn trở rằng, một khi đã là chữ "tình" thì khó có lần cuối...
Những chủ nợ chuyên cho vay nặng lãi có cần Đàm Vĩnh Hưng bảo lãnh đâu mà họ vẫn cho mẹ anh vay để trục lợi? Cuối cùng, gốc gác câu chuyện là người mẹ cần tỉnh ngộ đã không thể giải quyết. Chính Đàm Vĩnh Hưng đã thừa nhận, kể từ thời điểm chia sẻ trực tiếp trên trang cá nhân của mình về người mẹ nghiện cờ bạc, anh và mẹ mình đã không nói chuyện, anh cũng không ăn cơm bà nấu và không khí trong gia đình luôn nặng nề, khó nhìn mặt nhau.
Có vẻ Đàm Vĩnh Hưng đã bất lực trong bi kịch gia đình. Nam ca sĩ không thể đối thoại với mẹ hay họp kín gia đình lớn đành chia sẻ cho cả nước biết để "cạch mặt bà ấy ra". Mẹ Đàm Vĩnh Hưng không đáng được bênh vực nhưng hãy thử nghĩ mà xem, món nợ "khổng lồ" vài chục tỷ đáng bao nhiều % so với khối gia tài kim cương, hàng hiệu, nhà lầu của Đàm Vĩnh Hưng?
Trong gia đình, nếu người thân của bạn lầm lỗi lâm nợ, tính ra món nợ bằng một... cái tủ giày, bộ sưu tập khăn... bạn có trả không? Trả hay không cũng tùy tình huống, hoàn cảnh, đối tượng kể cả đó là ruột thịt. Nhưng nếu trả, hãy im lặng hoặc nói một lần. Bằng không, đã có pháp luật giải quyết. Khi những giọt nước mắt "online" của bạn đang ngập tràn trên thế giới ảo, dù một người mẹ lỗi lầm, cũng khó tránh khỏi nước mắt chảy vào trong.
Mỗi cuộc Đàm Vĩnh Hưng biểu diễn, nam ca sĩ thuê cả "rừng" vệ sĩ theo sát từng bước chân, hạn chế từng va chạm nhỏ, "truy" bằng được fan cuồng nào lên tặng hoa rồi tiện tay rút luôn cái khăn hàng hiệu làm kỉ niệm... vậy cớ gì anh không dùng "tai mắt" để bảo vệ, ngăn chặn mẹ mình tiếp tục dấn sâu vào nợ nần, đen đỏ? Nếu giữa anh và mẹ có một khoảng cách khó hòa giải, đối diện vậy những thành viên khác trong gia đình thì sao?
Chắc hẳn, đến nông nỗi phải công khai, đẩy một người mẹ nợ nần ra đám đông đang sẵn sàng phỉ báng, chế nhạo... Đàm Vĩnh Hưng đã chịu nhiều bất hạnh, dằn vặt riêng mà nếu không phải người trong cuộc không dễ dàng thấu hiểu. Tuy nhiên, thực tế là, nước mắt "online" thường chỉ làm dấy lên những nỗi cảm thông "online" mà món nợ tiền bạc và tình nghĩa giữa những con người vẫn còn mãi đó...