Đàm Vĩnh Hưng luôn tự nhận mình là một trường hợp rất lạ của showbiz Việt. Trong mắt nhiều người, Đàm Vĩnh Hưng sẵn sàng xù lông phản pháo bất cứ ai đụng chạm đến quyền lợi, danh tiếng của anh.
Dẫu đối phương lớn hay bé, nổi tiếng hay còn vô danh, cứ gây chuyện với Đàm Vĩnh Hưng là anh chẳng ngại ngần đối đầu trực tiếp.
Cách sống của Đàm Vĩnh Hưng khiến không ít người phiền lòng, nhưng họ chỉ dám trách thầm trong bụng chứ đứng ra cãi tay đôi với anh lại là điều mà đa phần những người làm trong showbiz né tránh.
Đàm Vĩnh Hưng khẳng định anh chưa từng muốn dây vào scandal. Tất cả những thị phi, ồn ã đến với anh đều là "từ trên trời rơi xuống".
Đàm Vĩnh Hưng không quan tâm chuyện có bao nhiêu người ghét mình, Đàm Vĩnh Hưng chỉ biết ngoài kia vẫn còn hàng triệu khán giả quan tâm và hâm mộ mình. Chỉ bấy nhiêu đấy là đủ.
Đàm Vĩnh Hưng thú nhận, anh là một đạo diễn chèo lái con thuyền số phận đại tài.
Chưa có bất cứ một ai lợi dụng hay đánh lừa được anh. Sự lọc lõi, khôn ngoan, thậm chí là "cáo già" trong suy nghĩ khiến Đàm Vĩnh Hưng tỉnh táo hầu như trước mọi quyết định.
Nhưng, ở tận cùng sâu thẳm tâm hồn, vẫn có những nỗi đau, những tiếng thở dài thườn thượt mỗi khi vô tình chạm đến điều thiêng liêng nhất của Đàm Vĩnh Hưng: Gia đình.
Tôi quê gốc ở Quảng Nam, ông nội là người mang hai dòng máu Việt - Pháp. Mẹ tôi cũng là người Quảng Nam, bà là vợ lẽ của ba.
Ba tôi thời trẻ rất đẹp trai, tôi thừa hưởng vẻ ngoài và niềm đam mê âm nhạc từ ông. Nhưng tôi đảm bảo mình không đẹp như ông. Nhìn những bức ảnh ông để lại, tôi thấy mình kém ba nhiều lắm.
Ba tôi cũng thuộc loại đào hoa, nhiều cô mê ba tôi lắm. Ba có đến 4 bà vợ chứ không riêng gì mỗi mình mẹ tôi. Hồi bé, tôi được tiêm nhiễm vào đầu nhiều thứ độc địa về ba.
Đó là chuyện bình thường, vì việc làm này xuất phát từ sự oán giận của người phụ nữ. Mẹ tôi hận ba, bà và ông có những lần xung đột, cãi vã căng thẳng.
Nên khi xa ba, mẹ tôi chỉ muốn tôi cũng ghét ông như bà. Nhưng tôi không làm thế, càng hiểu về ba, tôi càng thương hơn. Khi ông mất, tôi thấy tiếc thương và chỉ ước sao có thể làm cho ba sống lại.
Hồi ba tôi còn chưa sa cơ thất thế, gia đình sống rất đầy đủ. Tôi được đi học, được dùng nhiều đồ đạc mắc tiền. Đến năm 10 tuổi, mọi thứ đổi thay, ba tôi mất tất cả, chẳng còn điều kiện lo cho các bà vợ và con cái nhiều như trước.
Tôi trải qua quãng đời khó khăn, cơ cực. Dưới tôi còn có một đứa em. Để kiếm tiền mưu sinh, tôi đi cắt tóc, làm thuê, bất cứ thứ gì kiếm ra tiền tôi cũng làm hết.
Hỏi tôi có hận ba mẹ vì đã để mình cực khổ thế không? Tại sao tôi phải hận?! Ba thương tôi lắm, nhìn cảnh ông vất vả đạp xích lô để chắt chiu từng đồng, tôi xót lắm.
Ba tôi buồn vì thất thế, ông uống rượu rất nhiều, rồi ít lâu sau, ông qua đời vì bệnh gan. Tôi cứ ân hận mãi, nếu hồi xưa mình nổi tiếng, có nhiều tiền thì đã cứu sống được ba.
Nhưng vì tôi nghèo, tiền không có mà ăn, sống chật vật, lay lắt nên mới phải chứng kiến cảnh ba qua đời vì bệnh.
Ngày ba đi, nhà tôi nghèo đến mức không có tiền mua quan tài cho ba. Ngay cả đám tang của ba cũng chỉ có 7 người thôi. Đó là một buổi sáng mưa tầm tã rất buồn.
Tôi không biết làm sao có tiền mua quan tài nữa, chỉ biết làm liều, mua thiếu rồi trông chờ vào tiền phúng điếu. Nhưng may mắn, lúc đó có ông cậu từ nước ngoài về cho tiền mua quan tài. Vậy là cũng làm xong đám tang trong túng thiếu.
Bất cứ đứa con nào, cũng mong ba mẹ tự hào về mình. Còn tôi, chẳng biết mong ba mẹ sẽ biết tới mình bởi điều gì. Tôi không còn giận mẹ vì món nợ 20 tỷ đồng kia. Tôi là người dễ quên, người ngoài mà biết lỗi tôi còn bỏ qua, huống hồ lại là mẹ mình.
Chỉ là tôi tránh nói chuyện với mẹ. 365 ngày trong năm, hầu như ngày nào tôi cũng đi làm, sáng tôi đi, tối đến mới về.
Nhà tôi giống như khách sạn, mỗi người một phòng, ai cũng có không gian riêng. Khoảnh khắc sum họp, ăn với nhau một bữa cơm chắc chỉ có đêm Giao thừa.
Tôi không có cha, có mẹ mà cũng như không. Bởi mẹ thường không ở gần bên. Ký ức, trải nghiệm hay cảm giác được người cha già, râu tóc bạc phơ, gương mặt in hằn vết nhăn quan tâm, chăm sóc là điều tôi không có.
Tôi chưa từng có cảm giác được sống trong sự đủ đầy cả ba lẫn mẹ như mọi người!
Từ ngày ba mất, tôi phải gánh trên vai nhiều điều. Tôi thương ba, khi ông không còn, tôi tự nhận lấy trách nhiệm phải giúp đỡ những người vợ của ông. Tôi xây nhà cho má lớn, lo cho các con của má.
Đứa em nào lập gia đình hay cần vốn làm ăn, tôi cũng nhúng tay vào lo liệu. 16 năm đi hát, chẳng những trả nợ cho mẹ ruột, tôi còn giúp đỡ tất cả những đứa em hay anh chị cùng chung huyết thống.
Tôi cho đi nhiều, nhưng sẽ có ngày tôi nhận lại. Khán giả yêu thương, tổ nghề cho tôi vị trí như bây giờ, đó là nhân quả. Hỏi tôi có nặng gánh và hy sinh quá nhiều không à? Tôi làm gì có lựa chọn khác?
Có một lần đi hát ở phòng trà, nhìn xuống sân khấu thấy một người mẹ đang ôm con của mình. Bà ta cưng nựng, âu yếm con mình đến mức, chứng kiến cảnh này tôi không thể hát được nữa. Tôi dừng lại, rơi nước mắt nghĩ đến số phận mình.
Có phải là tôi đáng thương không?
Tôi không phủ nhận mình đã đạp gãy rất nhiều mũi gai sắc nhọn để tồn tại đến bây giờ. Người tôi bị thương chi chít, nhưng từ những chỗ bị thương, da liền lại và chai sạn.
Tôi mạnh mẽ hơn xưa. Đàm Vĩnh Hưng yếu đuối nhất là tình cảm, nhưng không ai dùng yếu điểm này để lợi dụng tôi được.
Tôi đã trải qua quá nhiều đến mức trở nên "cáo già". Tôi là một vị đạo diễn đại tài cho cuộc đời mình. Người ta chỉ có thể bị tôi "điều khiển" chứ ai mà điều khiển được tôi!
3 năm rồi, năm nào cứ giáp Tết tôi cũng đến các trại giam ca hát. Nhìn những phạm nhân, tôi thấy một phần quá khứ đớn đau của mình.
Tôi từng trải qua cảm giác mang cơm đi thăm tù, nên tôi hiểu khao khát được tự do, được làm lại cuộc đời nó lớn lao đến mức nào.
Em tôi từng ở trong tù, mẹ tôi cũng thế. Họ mắc sai lầm vì những lý do khác nhau. Mẹ tôi gây nợ nần, dùng tên tôi để vay mượn khắp nơi.
Đến một ngày, bà bị bắt. Ngày nào tôi cũng mong gặp mẹ hết. Hồi xưa ở trại giam Chí Hòa, người ta chỉ cho gặp mỗi tuần một lần. Nhưng tôi biết thủ thuật để được gặp mẹ nhiều hơn. Tôi gọi đây là "biết cách", nhưng tôi không khuyến khích mọi người làm theo mình.
Đường vào trong trại giam tôi rành như đường về nhà mình. Nhưng đến lần nọ, mẹ tôi chuyển trại giam về Bố Lá, để đi đến đây phải di chuyển bằng xe máy. Mà hồi đó còn nghèo khổ, tôi chẳng biết chạy xe máy luôn.
Tôi lại càng không có tiền để đi ô tô như mọi người. Vậy là tôi mượn chiếc xe máy từ một bà chị, tôi tập chạy xe trong một đêm duy nhất để ngày mai kịp giờ đi thăm mẹ.
Chiếc xe ấy là Suzuki 100, gọi nôm na là 100 năm về trước, chiếc xe này cũ kỹ lắm rồi!
Vì không biết chạy, lại thêm phần xe đời cũ, tôi phải mất rất nhiều thời gian để đến được trại giam. Có lúc tắt máy giữa đường, tôi đẩy xe từ dốc cầu lên đến đỉnh, giữa trời mưa tầm tã tôi đã nghĩ đây là kỷ niệm mình sẽ nhớ suốt đời…
Tôi có một vỏ bọc xù xì bên ngoài để không ai thấy Đàm Vĩnh Hưng yếu đuối và thất bại.
Không bao giờ ai được thấy! Mỗi lần đương đầu với dư luận, tôi phải tính toán thật kỹ, nếu mình lùi bước, khóc lóc, sợ hãi, họ sẽ được nước lấn tới và nuốt chửng tôi.
Chỉ có duy nhất một con đường để tồn tại là mạnh mẽ. Còn tất cả những đau thương, tôi không cần ai khám phá hay nhìn thấu nó. Một mình tôi chịu đựng là đã quá đủ rồi!