Với những tuyên bố cứng rắn trước đó của cả hai bên, kết quả cuộc đàm phán Niger lần này được cho là sẽ tiếp tục phủ bóng đen lên tình hình tại đây.
Các sĩ quan quân đội Niger. Ảnh: Facebook.
Theo hãng tin AP, cuộc gặp kéo dài khoảng gần 2 giờ đồng hồ đã không đạt được bất kỳ kết quả đáng kể nào do lập trường và quan điểm khác biệt giữa hai bên. Ngay sau khi kết thúc hội đàm, phái đoàn ECOWAS, do cựu Tổng thống Nigeria Abdulsalami Abubakar làm trưởng đoàn, đã rời Niamey.
Cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa ECOWAS và phe đảo chính quân sự tại Niger thất bại khiến dư luận lo ngại về nguy cơ can thiệp quân sự của khối ECOWAS vào Niger trong tương lai gần. Khi trước đó, tại cuộc họp của giới tướng lĩnh ECOWAS hôm 18/8, ông Abdel-Fatau Musah, Ủy viên phụ trách các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh ECOWAS cho biết, thời điểm can thiệp đã được thông qua. Tuy nhiên, ông này cũng nhấn mạnh, các phái đoàn hòa giải vẫn sẵn sàng, cánh cửa giải pháp hòa bình vẫn chưa bị đóng lại và giải pháp quân sự sẽ là lựa chọn cuối cùng của khối.
“Chúng tôi đã thống nhất và điều chỉnh những gì cần thiết cho sự can thiệp: năng lực, mục tiêu, thiết bị cần thiết, cam kết của các quốc gia thành viên - điều này là rất đáng khích lệ. Tất cả các quốc gia thành viên của ECOWAS có mặt tại cuộc họp đều có tất cả các yếu tố đã cam kết. Vì vậy, tôi có thể khẳng định, chúng tôi sẵn sàng hành động, bất cứ khi nào có lệnh”.
Về phía phe đảo chính Niger, tướng Abdourahamane Tchiani - Chủ tịch Hội đồng quốc gia bảo vệ tổ quốc Niger sau cuộc họp với phái đoàn ECOWAS cho biết, lập trường của phe đảo chính không phải là nắm quyền và sẵn sàng tham gia vào các cuộc đối thoại miễn là có lợi cho người dân Niger, đồng thời khẳng định sẽ đáp trả bất kỳ sự can thiệp quân sự nào từ bên ngoài.
Tướng Tchiani nói: “Bất kỳ cách tiếp cận cưỡng chế và thiếu hiểu biết đối với việc thay đổi chủ quyền, an ninh và quản trị tốt được người dân mong muốn đồng nghĩa với việc thách thức tất cả chúng tôi. Cả Hội đồng quốc gia bảo vệ tổ quốc lẫn người dân Niger đều không muốn chiến tranh và vẫn sẵn sàng đối thoại. Nhưng không nên hiểu lầm, nếu hành động gây hấn được thực hiện chống lại chúng tôi, thì đó sẽ không phải là điều dễ dàng mà một số người tin là như vậy. Họ sẽ phải đối mặt với 26 triệu người dân Niger”.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, trong bối cảnh phe đảo chính quân sự từ chối trả tự do và khôi phục đầy đủ quyền lực cho Tổng thống Niger bị lật đổ Mohamed Bazoum, còn khối ECOWAS tuyên bố sẵn sàng can thiệp quân sự vào nước này thì tình hình hiện nay tại Niger như “chỉ mành treo chuông”. Bất cứ động thái mất kiểm soát nào giữa các bên cũng sẽ dẫn đến hậu quả khó lường tại đây. Việc sử dụng vũ lực sẽ gây bất ổn hơn nữa cho khu vực Sahel nghèo khó của Tây Phi, nơi cuộc chiến kéo dài với các nhóm vũ trang đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người.
Hiện cả Liên Hợp Quốc, Mỹ, Nga… đều kêu gọi các bên kiềm chế, tiến hành đàm phán. Mới đây Giáo hoàng Francis cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục các nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Niger: “Tôi quan tâm theo dõi những gì đang xảy ra ở Niger. Tôi đồng hành với những nỗ lực của cộng đồng quốc tế để tìm ra một giải pháp hòa bình vì lợi ích của tất cả càng sớm càng tốt. Chúng ta hãy cầu nguyện cho người dân Niger”.