Đàm phán suýt đổ vỡ: Trưởng đoàn Mỹ mắng mỏ gay gắt, đoàn Trung Quốc mới chịu ngồi lại

Hải Võ |

Vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc tại Washington hồi cuối tháng 2 vừa qua suýt bị đổ vỡ, trước khi có sự can thiệp kịp thời của Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow tiết lộ, vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung tại Washington vào cuối tháng 2 đã có thời điểm đổ vỡ bởi tình trạng bế tắc xảy ra trong cuộc đối thoại cấp phó.

"Ngày đầu tiên của các phiên thảo luận cấp phó đã diễn ra hết sức nghèo nàn," Kudlow nói với CNBC, đề cập các cuộc gặp giữa phái đoàn hai nước ngày 19/2, với phía Mỹ do Phó đại diện thương mại Jeffrey Gerrish dẫn đầu.

"Ngày [đàm phán] thứ hai đã bị hủy bỏ vì lý do trên."

Ông Kudlow cho biết, sau khi xảy ra tình trạng gián đoạn và rạn nứt nói trên, ông Robert Lighthizer đã chỉ trích và cảnh cáo gay gắt người Trung Quốc (nguyên văn: "read them the riot act").

Sau đó, Phó thủ tướng Lưu Hạc, quan chức cao nhất của đoàn Trung Quốc, "có phản hồi... và bất ngờ mọi chuyện được khôi phục".

Larry Kudlow, giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Mỹ, là thành viên tham dự các cuộc đối thoại cấp cao Mỹ-Trung. Sự kiện đã kéo dài từ 2 ngày như dự kiến lên thành 4 ngày, trong đó hai bên đạt nhận thức chung trong hàng loạt vấn đề.

"Phó thủ tướng Lưu Hạc và các cấp dưới của ông làm việc rất tốt với chúng tôi."

Lighthizer được đánh giá là người theo chủ trương cứng rắn trong lĩnh vực thương mại. Ông được giới chức cả hai đảng khen ngợi nhờ lập trường mạnh mẽ với Bắc Kinh trong phiên điều trần tại Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện.

Trưởng đoàn đàm phán Mỹ đã "phát triển một tầm nhìn mà nhiều người trong số thành viên Ủy ban này sẽ ủng hộ mạnh mẽ" - trích lời Hạ nghị sĩ Dân chủ Richard Neal, chủ tịch Ủy ban.

Cập nhật tiến triển đàm phán Mỹ-Trung tại phiên điều trần ở Quốc hội Mỹ ngày 27/2, ông Lighthizer nói "vẫn còn nhiều công tác cần làm cả trước khi một thỏa thuận đạt được, và quan trọng hơn là sau khi thỏa thuận đạt được, nêu như có một thỏa thuận."

Ông xác nhận song phương đã đạt đồng thuận về một cơ chế thực thi thỏa thuận thương mại.

Kudlow cũng bày tỏ lạc quan về viễn cảnh hai nước đạt thỏa thuận thương mại. Ông dự đoán ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ đồng ý với các điều khoản do Mỹ đưa ra.

"Phía Trung Quốc sẽ phải trở lại và đồng ý [với thỏa thuận thương mại," ông nói. "Tôi tin họ sẽ làm như vậy."

Theo ông Kudlow, các tài liệu đã được phía Mỹ chuẩn bị sẵn sàng, trong đó nêu chi tiết thỏa thuận trong các vấn đề như ăn cắp sở hữu trí tuệ và cưỡng ép chuyển giao công nghệ, cũng như hàng rào phi thuế quan.

Bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm 28/2 đã làm việc trên một văn kiện 150 trang, gồm "thỏa thuận rất chi tiết đối với những cam kết hết sức quan trọng".

"Chúng tôi kỳ vọng... đạt được tiến triển trong tháng này, và nếu được như vậy thì sẽ có một hội nghị thượng đỉnh giữa hai nguyên thủ."

Kudlow cũng nói ông kỳ vọng sẽ có một cuộc gặp cấp cao được tổ chức vào cuối tháng 3 giữa tổng thống Donald Trump với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Các nhà đàm phán Mỹ-Trung tái khởi động vòng thương thuyết ở Washington từ hôm 21/2. Ngày 22, tổng thống Trump gặp phó thủ tướng Lưu Hạc và tỏ thái độ lạc quan vào thỏa thuận thương mại.

Ngày 24/2, ông Trump tuyên bố hoãn tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc - theo lịch trình ban đầu vào ngày 1/3, sau khi hai nước kết thúc 90 ngày đàm phán thương mại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại