Chiều 19/9, trên MXH xuất hiện những hình ảnh về một đám mây lạ trên bầu trời Sapa (Lào Cai). Theo đó, trên bầu trời xuất hiện một đám mây màu đỏ rực, hình dáng giống chim phượng hoàng đang dang rộng đôi cánh.
Hình ảnh này khiến nhiều người tò mò nguyên nhân. Có ý kiến cho rằng, đám mây "phượng hoàng lửa” là cảnh báo những đợt mưa lớn sắp kéo đến. Nhưng cũng không ít người đồn đoán đám mây mang ý nghĩa tâm linh, phong thủy,...
Tuy nhiên, trên báo Thanh Niên, ông Vũ Thế Hoàng, Hội Thiên văn Hà Nội cho biết những đám mây nói trên không phải hiện tượng lạ.
Ông Hoàng lý giải, đây thực chất là hiện tượng tán xạ, khúc xạ ánh sáng. Khi ánh nắng mặt trời xuyên qua các lớp khí quyển, lớp mây bị tán xạ vào thời điểm ráng chiều đã khiến đám mây tạo thành màu đỏ rực khi mắt nhìn thấy.
Do bầu khí quyển có nhiều lớp tinh thể băng mỏng hoặc lớp bụi, hơi nước sẽ phản xạ hoặc tán xạ ánh hướng. Tán xạ, khúc xạ ánh sáng vào những thời điểm, thời tiết đặc biệt, mỗi khi mặt trời mọc hoặc lặn sẽ dễ xảy ra hiện tượng ráng chiều dẫn đến bầu trời rực đỏ hoặc cam. Màu mây càng đỏ thì độ ẩm càng cao, có nhiều hơi nước hơn
Những bước sáng có bước sóng ngắn như màu tím hoặc xanh da trời sẽ tán xạ hết, chỉ còn cam, đỏ (bước sóng dài) ít bị tán xạ và truyền đến mắt người. Lúc này, những đám mây hoặc cả vùng trời có màu đỏ, vô tình có những đám mây có hình thù độc đáo xuất hiện, tạo nên hình ảnh đẹp của tự nhiên.