Sự tích về hoa anh đào
Truyền thuyết kể lại rằng hoa sakura (hay còn gọi là hoa anh đào) được lấy tên từ một nữ thần có nhan sắc tuyệt trần trong văn học cổ của Nhật Bản - Konohara Sakura. Nàng là người đã gieo hạt giống hoa anh đào lên núi Phú Sĩ, để rồi từ đó loài hoa đã phát triển và nở rộ như bây giờ.
Nhưng bên cạnh đó cũng có một sự tích khác, nơi hoa anh đào mang cả một câu chuyện sâu sắc về tinh thần và cốt cách sống cao đẹp của các võ sĩ đạo samurai.
Câu chuyện bắt đầu tại một ngôi làng nọ, có một cậu bé khôi ngô, tuấn tú, tài giỏi hơn người.
Khi cậu vừa tròn 1 tuổi, một vị đạo sĩ ghé qua và để lại một thanh kiếm đen bóng với lời nhắn nhủ rằng số phận đã an bài bé trai trong gia đình sẽ trở thành một võ sĩ đạo kiệt xuất.
Đến năm 14 tuổi, cậu bé được mẹ mình trao lại cho cây kiếm và kể từ đó, có một sức mạnh thôi thúc trong cậu trở thành một kiếm sĩ lừng danh. Chàng thiếu niên nhận một đạo sĩ samurai có tiếng làm thầy và chăm chỉ tập luyện với tất cả niềm đam mê của mình.
Ảnh minh họa
Năm 18 tuổi, mặc dù tài năng đã đạt đến độ người người kiêng nể nhưng chàng thanh niên ngày nào vẫn chưa thể trở thành một samurai đúng nghĩa bởi thanh kiếm trên tay vẫn chưa bao giờ dính máu.
Chàng không có kẻ thù, cũng không một ai dám chiến đấu với chàng.
Nhìn chàng buồn bã vì ước mơ chưa thành hiện thực, con gái của thầy dạy - cũng là người yêu chàng - đã tự nguyện đâm kiếm vào tim mình để giúp người yêu được toại nguyện.
Từ đó, dù ước mơ đã thành sự thực, nhưng chàng samurai vẫn mãi buồn đau và cô đơn. Chàng đến bên mộ người thương và tự sát cũng chính bằng thanh kiếm của mình. Từ đó, ở nơi chàng ngã xuống mọc lên một cây hoa lạ với màu hồng thắm mong manh. Đó là hoa sakura.
Cũng chính từ câu chuyện này, người Nhật có một câu nói nổi tiếng: "Nếu làm hoa, xin hãy làm hoa anh đào. Nếu làm người, xin hãy là một võ sĩ đạo".
Hoa anh đào và khả năng dự đoán mùa hoa nở của người Nhật
Hàng năm, vào dịp từ tháng 3 - tháng 5, người dân Nhật Bản và khách du lịch khắp nơi trên thế giới đều hướng đến lễ hội hoa anh đào - hay còn gọi là Hanami.
Vào những ngày này, mọi người thường tụ hội dưới gốc cây anh đào đang nở hoa, vừa thưởng thức vẻ đẹp của mùa xuân, vừa uống rượu và trò chuyện. Đây là một truyền thống văn hóa đã có từ rất lâu ở Nhật Bản.
Cục khí tượng và thủy văn mỗi năm đều có trách nhiệm dự báo thời điểm hoa anh đào nở và thông tin này được người dân Nhật Bản theo dõi rất nghiêm túc và sát sao.
Nguyên nhân là bởi mùa hoa anh đào tại từng vùng trung bình chỉ kéo dài khoảng 10 ngày, hoặc nhiều nhất là hai tuần.
Để dự báo được thời điểm hoa nở, người Nhật phải tính toán đến rất nhiều yếu tố như nhiệt độ trung bình của cả năm, nhiệt độ vào mùa thu và đông.
Điều kiện thời tiết cũng như độ nở hoa của các năm trước đó ảnh hưởng tới tình trạng phát triển của từng cây anh đào.
Thông thường, hoa anh đào sẽ bắt đầu nở từ miền Nam ấm áp và tiến dần lên phía Bắc.
Những địa điểm ngắm hoa được người dân Nhật Bản và khách du lịch yêu thích nhất gồm có công viên Ueno (Tokyo), đảo Okinawa, bờ hồ Kawaguchiko với hướng nhìn ra đỉnh núi Phú Sĩ, hay con đường Triết gia ở Kyoto.
Và cũng chẳng mấy ai biết rằng hoa anh đào cũng đóng góp vào nền ẩm thực đặc sắc của đất nước Mặt trời mọc. Cánh và lá hoa anh đào sau khi trải qua quy trình sơ chế và ngâm muối sẽ được ăn cùng với bánh mì.
Hoặc, cánh hoa được bọc quanh chiếc bánh sakura mochi - một loại bánh nhân đậu đỏ để thưởng thức mỗi dịp hoa đang nở. Người ta cũng thường cho 2 đến 3 cánh hoa anh đào vào chén nước nóng để được một tách trà anh đào thơm ngon và đẹp mắt trong mỗi dịp lễ trang trọng.
Ngoài ra, các đầu bếp còn sáng tạo ra rất nhiều những món ăn phong phú như mứt anh đào, bánh hoa anh đào, mì lạnh và kem hoa anh đào.