Cô tiểu thư Đà Lạt và vị giám đốc Sài Gòn
Những chuyện tình yêu của ông bà , bố mẹ luôn để lại cho người ta những cảm xúc khác nhau. Mới đây, cô cháu gái Khánh Anh đăng bài chia sẻ chuyện tình yêu của ông bà mình.
Ông cô là Đình Ân sinh năm 1944, bà tên Hồng Ân, sinh năm 1956. Ông bà cô hiện sống tại quận 12, TP Hồ Chí Minh. Đến bây giờ, ông bà Khánh Anh kết hôn được 46 năm. Họ quen nhau khi bà Khánh Anh từ Đà Lạt lên Sài Gòn học lớp 12.
“Từ bé đến lớn bà sống ở Đà Lạt. Khi lên Sài Gòn, bà học trường New London School. Lúc đó có một thầy giáo rất mê bà. Bà sợ quá nên chuyển trường mới. Lúc này bà mới 17 tuổi. Qua trường mới, bà lại gặp một người mê bà hơn cả thầy giáo cũ”, Khánh Anh kể.
Hồi đó, ông cô làm giám đốc một công ty địa ốc ngay cạnh trường của bà. Mấy lần gặp ở cổng trường, ông thích luôn cô gái Đà Lạt xinh đẹp và duyên dáng. Suốt 6 tháng trời tiếp đó, ngày nào ông cũng đứng ở cổng trường để nhìn bà tan học.
“Gia đình bà hồi đó khó lắm. Đi học bà có người đưa đón vì bà là con út trong gia đình 12 anh em nên rất được cưng chiều. Ông tìm mọi cách đến gần hơn và xin thi vào lớp bà học. Lúc ấy là lớp song ngữ tiếng Anh. Mỗi ngày học chung, ông viết cho bà 1 bức thư về thông điệp tình yêu mà bà vẫn không hề cảm động chút nào. Bà chỉ muốn chú tâm học hành mà thôi”, Khánh Anh kể tiếp.
Bà Hồng Ân năm 17 tuổi.
Sau 6 tháng ròng rã ấy thì một biến cố xảy đến. Ba của bà Khánh Anh qua đời. Bà phải nghỉ học mấy ngày lo tang. Mấy ngày ấy khiến cho ông hoảng loạn vì chẳng biết kiếm bà ở đâu nữa. Bà đi học lại, ông theo xe bà về đến nhà để biết nhà bà ở đâu. Ông cũng giả bộ vào mượn đồ sửa xe để được đến gặp vì nhà bà khó quá. Cảm động vì tấm lòng cũng như sự nhiệt thành đó, dần dần bà của Khánh Anh cũng chấp nhận quen nhau.
Gia đình bà Hồng Ân biết chuyện. Ông Đình Ân thì chìm đắm trong tình yêu, rất muốn cưới cô gái xinh đẹp này về làm vợ. Bởi vậy, gia đình đưa bà Hồng Ân rời Sài Gòn, về Đà Lạt (Thị xã Tùng Nghĩa).
Khánh Anh kể tiếp: “Buổi tối trước khi bà đi, ông qua gặp bà. Bà vẽ cho ông bản đồ hướng dẫn nhà ở Tùng Nghĩa để ông lên. Bởi vậy, ngay khi bà đi thì hôm sau ông đi mua vé xe liền nhưng mua 3 đêm liên tiếp không được. Thời ấy, muốn mua vé xe thì 11 giờ đêm phải xếp hàng. Ông chẳng biết làm cách nào nên cạo trọc đầu, bận bộ đồ nâu đi chân đất ra đường hướng xe chạy. Lơ xe tưởng ông là Phật tử nên cho quá giang đến Tùng Nghĩa”.
Hình ảnh cặp đôi hồi trẻ.
Đây là một hành trình đi theo chân vợ hết sức vất vả của ông Đình Ân. Đến được Đà Lạt rồi ông đợi đến tối mới dám đến nhà bà. Lúc ấy, trời tối quá nên gia đình bà tưởng là thầy chùa tới cảm ơn bởi trước đó cả nhà mới tặng trái cây.
“Lúc nhận ra đó là bạn trai của bà từ Sài Gòn lên thì trời đã khuya. Mẹ của bà bảo cho ông ở lại một đêm, sáng mai về Sài Gòn liền. Sáng hôm sau, ông không về mà ra gốc cây chờ bà. Cứ lâu lâu bà lại kiếm cớ chạy ra một lần gặp ông. Chiều tối ông lại đến nhà nói không mua được vé xe. Nhiều ngày như vậy, bà cố phải dẫn ông ra tận bến xe mua vé bắt đi bằng được”, Khánh Anh kể lại.
Đám cưới sang xịn năm 1975 và cuộc sống sau hôn nhân
Hồi đó, ông Đình Ân đã gần 30, bà Hồng Ân thì mới 17 tuổi. Cũng bởi vậy mà nhà gái chưa muốn con mình bắt đầu yêu đương. Ông Ân về Sài Gòn nhớ bà quá nên bảo ba rằng muốn lấy vợ. Ông dẫn ba lên Tùng Nghĩa gặp gia đình bà xin hỏi vợ nhưng nhà bà nhất quyết không chịu.
Khánh Anh chia sẻ: “Có mấy lý do như sau, thứ nhất ông là người Quảng Trị. Khi ấy người ta cứ nghĩ người miền Trung khó tính, bà được cưng chiều quen sợ không làm dâu được. Thứ hai ông lớn tuổi rồi, bà lại còn quá nhỏ. Bà là con út nên bà cố muốn bà ở nhà thêm một thời gian nữa. Tuy nhiên lúc ấy ông năn nỉ lắm, xin được lấy bà. May sao, lúc đó các anh của bà chuẩn bị đi học, nói đỡ giùm rằng ông rất tốt lại thương bà. Nếu bà gả cho ông thì các anh sẽ yên tâm hơn. Nhờ vậy mà chuyện cưới xin được tiến hành”.
Gia đình hai ông bà Ân đều thuộc dạng khá giả. Tuy vậy, vì nhà bà miễn cưỡng chuyện cưới xin nên yêu cầu ông lo đám toàn bộ. Từ xe hoa, áo cưới, đặt tiệc… vì muốn ông thấy khó mà lui. Nhưng ông làm sao mà lui được. Thời điểm ấy, nhà nước bắt đầu đổi tiền, ông đổi không kịp nên quyết định đi vay mượn bạn bè.
“Người cho ông mượn chiếc xe, người làm hiệu ảnh nên cho ông phim màu để chụp. Cuối cùng, ông cũng lấy được bà, lo được cho bà lễ cưới đầy đủ từ tráp cho đến trang sức, váy áo”, Khánh Anh chia sẻ.
Hình ảnh trong hôn lễ của cặp đôi.
Sau khi kết hôn, vì một biến cố mà cuộc sống của hai ông bà khá vất vả. Ông Đình Ân vô cùng buồn bã khi cưới vợ về mà lại để bà phải khổ. Họ bắt đầu buôn bán đủ thứ để có kinh tế lo cho 4 người con.
“Sau một thời gian, ông bà quyết định đi Úc định cư và bảo lãnh con cháu qua. Khi qua Úc rồi, ông bà nhận thấy để có thể mua nhà và lo cho các con qua hết rất khó. Ở Úc được 5 năm bà mắc bệnh về tuyến giáp nên ông bà quyết định về Việt Nam. Họ làm lại từ đầu với số vốn ít ỏi để bà yên tâm chữa bệnh. Dù khó khăn thế nào, ông bà cũng cố gắng vượt qua”, Khánh Anh kể thêm.
Cho đến bây giờ, câu chuyện tình yêu trải qua gần 47 năm của ông bà Khánh Anh vẫn khiến người thân, bạn bè trầm trồ.
Hai ông bà tận hưởng tuổi già bên nhau.
Họ dần dần có tuổi, già cả đi nhưng trong mắt nhau đối phương vẫn tuyệt vời nhất. Hai ông bà vẫn sử dụng facebook, đăng ảnh tình cảm, bày tỏ tình yêu với đối phương khiến con cháu cũng ghen tị.
Ông bà hạnh phúc gần nửa thế kỷ là nhờ tình cảm thật lòng, toàn tâm toàn ý dành cho nhau. Hơn nữa, ông bà rất biết tôn trọng, quan tâm và chia sẻ với đối phương.
“Ông bà hiểu rõ trong cuộc sống chẳng ai hoàn hảo, phải biết động viên và cảm thông cho nhau. Họ vì nhau mà bao dung, nhường nhịn và cố gắng mỗi ngày để cuộc hôn nhân ngày càng tốt đẹp”, Khánh Anh tâm sự.
Một vị đạo diễn, bạn của hai ông bà muốn làm một bộ phim dựa vào câu chuyện tình đẹp và cảm động này. Bà Hồng Ân cũng được mời góp một vai trong đó. Tuy nhiên, vì tình hình dịch bệnh nên dự án bị tạm hoãn.
Đúng là một câu chuyện tình đẹp và đặc biệt làm sao. Chúc cho ông bà ngày càng hạnh phúc và tận hưởng nhiều niềm vui bên nhau.