Theo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, sau khi các đơn vị liên quan kiểm tra hiện trường đã xác định tĩnh không thực tế từ mặt đường lên đáy dầm cầu vượt bộ hành số 1 là 4,44m.
Theo tiêu chuẩn thiết kế, tĩnh không cầu vượt bộ hành tại đây từ mặt đường đến đáy dầm là 4,75m. Như vậy, chiều cao tĩnh không thực tế thấp hơn thiết kế tiêu chuẩn là 0,31m.
Theo thiết kế ban đầu, cầu vượt bộ hành này trước đây được thiết kế ở một vị trí khác, trong đó đơn vị tư vấn thiết kế đã có thiết kế chi tiết và được Sở Giao thông Vận tải phê duyệt.
Nhưng trong quá trình xây dựng, do vị trí cầu nằm trước nhà dân nên UBND quận Thủ Đức đã yêu cầu dời vị trí cầu này dịch đi gần 14m về hướng Đồng Nai. Vị trí mới được dịch chuyển này nằm theo hướng đi lên dốc đường.
Hồ sơ thiết kế đã được chỉnh lại, chủ đầu tư đã trình trình Sở Giao thông Vận tải đầu năm 2019 và được Sở Giao thông Vận tải thẩm định, chấp thuận cho dịch chuyển vị trí. Nhưng trong quá trình thi công, đơn vị tư vấn thiết kế chủ quan không kiểm tra kỹ cao độ, còn đơn vị giám sát thì không kiểm tra số liệu một cách kỹ càng.
Khi đơn vị thi công lắp dầm cầu xong thì không đo lại mà cho thông xe luôn nên chỉ 3 tiếng sau khi dầm cầu được lắp, xảy ra sự cố, rất may không gây thương von về người.
Cầu vượt bộ hành nhánh số 1 thuộc thuộc Dự án xây dựng nút giao thông hoàn chỉnh tại vị trí cổng chính của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (CII) làm chủ đầu tư, nút giao này được thông xe ngày 8-11 vừa qua.
Cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh để làm rõ trách nhiệm những đơn vị và cá nhân liên quan.